Người đóng vai trò chính trong việc ngăn chặn các nhà điều tra bắt giữ Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội Yoon Suk-yeol trở thành tâm điểm chú ý trong cuộc khủng hoảng chính trị liên quan lệnh thiết quân luật của nước này.
Ông Park Chong-jun, người báo cáo trực tiếp với ông Yoon, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các nhà điều tra bắt giữ ông, dẫn đến cuộc đụng độ kéo dài sáu giờ giữa lực lượng cận vệ tổng thống, quân đội và cảnh sát tại dinh tổng thống hôm 3/1.
Cơ quan chống tham nhũng Hàn Quốc dẫn đầu cuộc điều tra cùng với cảnh sát cho biết, họ đang thực hiện các bước tiếp theo. Tuyên bố thiết quân luật vào ngày 3/12/2024 của ông Yoon khiến Hàn Quốc choáng váng, dẫn đến việc ông bị luận tội và đình chỉ nhiệm vụ vào ngày 14/12/2024. Số phận chính trị của tổng thống hiện nằm trong tay Tòa án Hiến pháp.
Được ông Yoon bổ nhiệm đứng đầu Cơ quan An ninh Tổng thống vào tháng 9/2024, ông Park cũng đóng vai trò quan trọng trong ngăn cản các điều tra viên thực hiện lệnh khám xét văn phòng và nơi ở của tổng thống, với lý do là vấn đề an ninh quốc gia.
"Cơ quan An ninh Tổng thống (PSS) tồn tại vì sự an toàn tuyệt đối của mục tiêu an ninh", ông Park nói trên trang web của cơ quan này, đồng thời nói thêm rằng nhiệm vụ bảo vệ tổng thống "mọi lúc" của cơ quan không được có bất kỳ kẽ hở nào.
Ông sử dụng lý lẽ đó để bác bỏ những nỗ lực bắt giữ ông Yoon, với lý do các điều tra viên vượt quá giới hạn của luật an ninh và làm số nhân viên của cơ quan an ninh bị thương.
Ông Park Chong-jun là ai?
Sinh năm 1964 tại Gongju, tỉnh Chungcheong Nam, sự nghiệp của ông Park Jong-joon gắn bó chặt chẽ với lĩnh vực thực thi pháp luật và dịch vụ công. Ông tốt nghiệp trường trung học phổ thông thuộc Đại học quốc gia Gongju và sau đó tốt nghiệp Đại học cảnh sát quốc gia Hàn Quốc.
Sự nghiệp của ông Park thăng tiến nhanh chóng sau khi ông vượt qua kỳ thi công chức cấp cao vào năm 1985 với tư cách là ứng viên trẻ nhất.
Trong gần ba thập kỷ, ông Park giữ một số vị trí quan trọng trong lực lượng cảnh sát Hàn Quốc. Bao gồm các vai trò lãnh đạo như phó ủy viên Cơ quan cảnh sát quốc gia, đứng đầu Cơ quan cảnh sát tỉnh Chungnam và lãnh đạo các phòng điều tra ma túy và lập kế hoạch đổi mới của Cơ quan cảnh sát quốc gia.
Kinh nghiệm của ông trong các vấn đề an ninh được chứng minh khi ông giữ chức phó giám đốc PSS dưới thời Tổng thống Park Geun-hye từ năm 2013 đến năm 2015. Sau khi nghỉ vào năm 2011, ông Park dấn thân vào chính trường, tranh cử không thành công vào Quốc hội vào năm 2012 và 2016.
Vào tháng 9/2024, ông Park trở lại với công chúng khi được bổ nhiệm làm giám đốc PSS, kế nhiệm ông Kim Yong-hyun, người đã chuyển sang vai trò Bộ trưởng Quốc phòng, theo Yonhap.
Khi được bổ nhiệm, ông Park thề sẽ đảm bảo an ninh "hoàn hảo" cho Tổng thống.
Quyền hạn của PSS đến đâu?
Được thành lập vào năm 1963, PSS là cơ quan tương đương với Cơ quan Mật vụ Mỹ - có nhiệm vụ bảo vệ nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này. Cơ quan tuyển dụng từ các cơ quan cảnh sát, quân đội và tình báo nhưng tổng thống sẽ chọn người điều hành.
Người đứng đầu PSS nhiệm kỳ đầu tiên là bạn học của ông Park, ông Kim Yong-hyun. Ông Kim đang bị giam giữ vì vai trò là người chủ mưu chính của diễn biến thiết quân luật, vẫn đứng về phía ông Yoon ngay cả khi ở trong tù.
Trong thời gian điều hành PSS, ông Kim được cho là đã giao cho Bộ Tư lệnh Phòng thủ Thủ đô - nơi ông từng giữ chức chỉ huy - nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ phạm vi văn phòng tổng thống.
Theo truyền thống cảnh sát cũng tham gia vào công tác an ninh của tổng thống. Hôm 3/1, những người lính là những người đầu tiên đối đầu và ngăn cản các nhà điều tra tiếp cận ông Yoon.
Bộ Tư lệnh Phòng thủ Thủ đô "là đơn vị tương tự như Đội Cận vệ Hoàng gia của Vương quốc Anh", ông Kim Ki-ho, cựu đại tá quân đội giảng dạy tại Seoul, nói với AFP .
Ông cho biết, những người lính thuộc lực lượng này tuân thủ "chuỗi chỉ huy nghiêm ngặt" của PSS, không nghe cảnh sát và các nhà điều tra khi họ cố gắng liên lạc với ông Yoon.
Trong PSS, có thể phải tuân theo "đạo đức bảo thủ cực kỳ mạnh mẽ", theo ông Vladimir Tikhonov, giáo sư nghiên cứu về Hàn Quốc tại Đại học Oslo.
Theo chuyên gia, bản thân PSS có lịch sử đầy biến động. Vào thời kỳ đỉnh cao quyền lực dưới chế độ quân sự vào những năm 1970, PSS nắm giữ quyền lực to lớn dưới thời tổng thống khi đó là Park Chung-hee.
Sức mạnh của tổ chức này thậm chí còn là một yếu tố trong cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ.
Những người chỉ trích cơ quan an ninh tổng thống gọi đây là di tích từ thời các nhà lãnh đạo độc tài. Cơ quan này được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của tổng thống trong những ngày quân đội nắm quyền vào những năm 1970 và 1980, và do những phụ tá trung thành nắm giữ quyền lực to lớn đứng đầu.
Sau cuộc luận tội Tổng thống Park Geun-hye năm 2016, các nhà lập pháp đề xuất những thay đổi để chuyển cơ quan này sang một cơ quan cảnh sát. Họ cũng tìm cách hạ cấp bậc của người đứng đầu cơ quan này, nhưng những nỗ lực cải cách không thành công.
Việc PSS ngăn chặn các nhà điều tra bắt ông Yoon hôm 3/1 có được phép không vẫn là điều gây tranh cãi. Một số nhóm đã ngay lập tức đệ đơn khiếu nại hình sự chống lại giám đốc PSS Park Jong-jun, cáo buộc ông cản trở công lý.
Lo ngại mất kiểm soát
Những người chỉ trích lo ngại rằng cơ quan của ông Park đang hành động quá mức. Han Seung-whoon, giáo sư luật hành chính cảnh sát tại Đại học Dongshin bình luận: "Vì chỉ tổng thống mới có thẩm quyền kiểm soát nên cơ quan an ninh có thể lạm dụng quyền lực và biến thành quân đội riêng của tổng thống".
Cơ quan chống tham nhũng CIO cho biết trong sự kiện giằng co hôm 3/1, có lúc những người của ông Yoon đã liên kết thành một chuỗi khoảng 200 người để chặn lối vào, trong khi sử dụng xe buýt và xe quân sự làm vật cản.
Cảnh sát cho biết họ sẽ điều tra ông Park, yêu cầu ông phải ra hầu tòa để thẩm vấn. Ông từ chối và nói rằng không thể rời khỏi vị trí công việc quan trọng hiện tại dù chỉ một phút.