Người EQ cao có 6 cách siêu hiệu quả thành công chốn công sở: Đồng nghiệp ắt sẽ quý mến, sự nghiệp thêm cơ hội thăng hoa

EQ nhanh chóng trở thành một yếu tố quan trọng để người lao động thành công trong công việc, thậm chí còn vượt cả kỹ năng chuyên môn trong một số lĩnh vực.

Người EQ cao có 6 cách siêu hiệu quả thành công chốn công sở: Đồng nghiệp ắt sẽ quý mến, sự nghiệp thêm cơ hội thăng hoa- Ảnh 1.

Trong một Báo cáo Tương lai Việc làm, các giám đốc nhân sự của những công ty toàn cầu đã được hỏi về những kỹ năng làm việc hàng đầu mà họ cho là cần thiết để người lao động phát triển.

Điều thú vị là một kỹ năng vốn không được chú ý nhiều trước đây đã xuất hiện. Đó là trí tuệ cảm xúc, hay gọi tắt là EQ. EQ nhanh chóng trở thành một yếu tố quan trọng để người lao động thành công trong công việc, thậm chí còn vượt cả kỹ năng chuyên môn trong một số lĩnh vực.

Các công ty đang dần coi trọng những nhân viên có EQ cao, vì họ có lợi thế cạnh tranh. Ví dụ, họ hợp tác tốt hơn với người khác, là người biết lắng nghe, cởi mở, biết phản hồi và thể hiện sự đồng cảm.

Vậy làm thế nào để rèn luyện EQ? Sau đây là 6 gợi ý để tăng trí tuệ cảm xúc, giúp cho công việc thuận lợi hơn.

1. Thừa nhận cảm xúc và suy nghĩ của bản thân

Việc thừa nhận là cách hiệu quả để kiểm soát cảm xúc của bản thân. Sau khi dừng lại và nhìn nhận, tâm trí bạn sẽ trở nên sáng suốt hơn so với hành động bốc đồng khi bị cảm xúc lấn át lý trí.

2. Kiểm tra sự lạc quan của bản thân

Người có EQ cao thường thể hiện sự lạc quan trước các vấn đề trong cuộc sống và đặc biệt là những hoàn cảnh thử thách. Để kiểm tra mức độ lạc quan của mình, hãy tự hỏi bản thân ba câu hỏi:

_Tôi có cho rằng tình hình xấu sẽ kéo dài mãi mãi không?: Những người bi quan thường nghĩ rằng “tình hình sẽ chẳng bao giờ khá lên được”.

_ Tôi có cho rằng tình hình xấu sẽ chuyển biến và lan rộng không?: Những người bi quan mặc định những kịch bản tệ nhất là “điều này sẽ thay đổi mọi thứ”.

_ Tôi có đang từ bỏ năng lực của bản thân không?: Những người bi quan thường kết luận bản thân bất lực trong mọi hoàn cảnh. Họ nghĩ rằng “tôi không thể làm được”.

3. Tập trung vào những gì có thể kiểm soát

Khi gặp phải trở ngại, hãy nhìn nhận toàn cảnh và tách biệt những phần có thể kiểm soát với những phần không thể. Tập trung vào những gì bạn có thể giải quyết, từ đó bản thân sẽ tự tin hơn sau khi vượt qua khó khăn.

4. Dừng lại 6 giây

Khi bạn thất vọng, tức giận hoặc buồn bã, trước khi nói ra điều gì đó, bạn hãy dừng lại 6 giây để nhanh chóng đánh giá cảm xúc của mình. Khi suy nghĩ trước hậu quả, bạn sẽ đưa ra được những lựa chọn cẩn thận hơn.

5. Tử tế dù ở bất cứ đâu

Bạn có thể tham gia vào cuộc đối thoại tích cực, quan tâm với những người bạn gặp trong nhịp sống hàng ngày, chào và nói những lời tử tế với những người đi ngang qua. Bạn cũng có thể đặt những câu hỏi ý nghĩa, dù cuộc nói chuyện ngắn ngủi và chú tâm lắng nghe câu trả lời.

6. Lắng nghe những phản hồi

Cảm xúc trong công việc không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát hoàn toàn. Do đó, hãy tạo cơ hội để chia sẻ những cảm nhận của bản thân. Ngoài ra, hãy đề xuất đồng nghiệp, khách hàng phản hồi cảm nhận của họ. Điều này có thể xóa tan mọi khúc mắc hoặc vấn đề chưa được giải quyết trong mối quan hệ.

Theo Inc