![]() |
Anh Tống Vương Quyền đã có khoảng 100 tác phẩm sau hơn 1 năm làm gốm độc bản. |
Thêm một nét bên phải, bớt một đường bên trái rồi lại cẩn thận cắt bớt những phần đất thừa, nam nghệ nhân đang dần hoàn thiện tác phẩm điêu khắc hình sư tử. Làm gốm nhưng không cần bàn xoay, khung hay bản vẽ, anh có thể “thổi hồn” vào những khối gốm mộc bằng đôi tay tài hoa.
Đó là cách Tống Vương Quyền (sinh năm 1985) thực hiện một sản phẩm gốm độc bản. Chia sẻ với Tri Thức - Znews, anh cho biết mình không chỉ tạo hình cho động vật mà còn kể lại câu chuyện về môi trường, sự sống bằng “ngôn ngữ của đất”.
Bỏ việc văn phòng về nặn gốm
Sau nhiều năm làm việc trong ngành game ở Hà Nội, anh Quyền quyết định rời phố về quê. Cử nhân ngành điêu khắc của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội làm “sống lại” đam mê tạo hình động vật từ thời sinh viên. Anh chọn gốm mộc, loại gốm không tráng men, giữ nguyên màu đất tự nhiên sau khi nung, để tạo ra những bức tượng gốm độc bản.
“Gốm độc bản nghĩa là một bản duy nhất. Tôi không dùng khuôn hay bàn xoay, mỗi tác phẩm là một lần tôi được sống với cảm xúc và chìm trong câu chuyện của từng con vật”, anh giải thích.
Điêu khắc gốm từ năm 2023, anh Quyền đã thực hiện khoảng 100 tác phẩm khắc họa nhiều loài động vật khác nhau. Với anh, mỗi bức tượng đại diện cho một câu chuyện, như 2 mẹ con hà mã ở vườn thú Thủ Lệ từng nổi tiếng trên mạng xã hội hay loài sao la chỉ có mặt ở dãy Trường Sơn của Việt Nam.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Với anh Quyền, mỗi tác phẩm gốm là một câu chuyện về động vật. |
“Một trong những tác phẩm điêu khắc tôi thích nhất là về Banang, chú voi châu Á đang được nuôi ở công viên Thủ Lệ. Bên cạnh Banang là voi con, tượng trưng cho ước mơ về với nhiên nhiên và có gia đình của chú voi”, anh Quyền kể.
Những câu chuyện được anh Quyền cóp nhặt từ báo chí, mẩu tin nhỏ trên mạng xã hội. Vào tay nghệ sĩ sinh năm 1985, chúng có cơ hội tồn tại lâu hơn, được nhớ lâu hơn, không phải dưới dạng dữ liệu mà theo dạng gốm độc bản.
Với anh Quyền, gốm không chỉ là nghệ thuật, mà là phương tiện để người nghệ sĩ kể chuyện và giữ cho thiên nhiên không biến mất quá nhanh khỏi ký ức con người.
5-70 triệu đồng/bức tượng
Mỗi tác phẩm của anh Quyền bắt đầu bằng quá trình quan sát và nghiên cứu kỹ lưỡng. “Tôi phải học giải phẫu động vật, xem hành vi, thói quen của chúng. Chỉ cần một cái nghiêng đầu của con cú hay một cái quẫy vòi của con voi cũng đủ cho tôi cảm xúc để tạo hình”, anh kể.
Gốm của anh Quyền là gốm mộc nên có thể giữ lại chất tự nhiên, để người xem cảm được từng dấu tay, từng chuyển động hình khối. Anh tự phối đất, tạo hình, tự học từ thất bại vì “ở Việt Nam không ai dạy dòng này”. Có những sản phẩm chỉ hoàn thiện sau nhiều lần nổ lò, sai hình.
Giải thích lý do kiên định với loại vật liệu này, anh Quyền bộc bạch: “Tôi chọn gốm vì thân thiện với môi trường, cổ xưa và trường tồn như chính sự sống của mỗi loài động vật”.
Hiện nay, ngoài các đơn đặt hàng, anh Quyền còn chuẩn bị triển lãm cá nhân với tên gọi “100 loài động vật hoang dã”. Dự án này có thể mất nhiều năm bởi mỗi tượng tốn trung bình 3-7 ngày để hoàn thành, chưa kể thời gian lên ý tưởng, thử nghiệm, thất bại.
![]() |
Anh Quyền vừa hợp tác với Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á để cùng lan tỏa thông điệp sống xanh, hòa cùng thiên nhiên. |
Khi thị trường đang dịch chuyển về phía sản phẩm tiện dụng, có thể sản xuất hàng loạt, nam nghệ nhân không ngại đi ngược lại. Anh không sản xuất theo chuỗi, không đặt mục tiêu “ra lò” thật nhiều sản phẩm.
“Người ta có thể làm hàng loạt và tất nhiên những tác phẩm đó cũng có giá trị. Song, mỗi thứ của tôi đều là hàng độc bản, có linh hồn riêng và giá trị đến từ điều đó”, anh khẳng định.
Tác phẩm của anh Quyền có khi được điêu khắc theo đơn đặt hàng, có khi lại được tạo ra theo cảm hứng. Tùy theo kích cỡ và mức độ chi tiết, các bức tượng có giá từ 5 đến 70 triệu đồng.
Anh Quyền vừa chính thức hợp tác với Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á, dự kiến đồng hành trong các hoạt động đấu giá từ thiện, trưng bày triển lãm và lan tỏa thông điệp sống xanh.
“Tôi làm gốm vì đó là đam mê từ thời sinh viên. Nhưng càng làm, tôi càng thấy mình tiến bộ, không chỉ trong kỹ thuật, mà trong cách quan sát, sống chậm lại với trước những biến động”, anh chia sẻ.
Đừng làm việc quá sức
Theo tác giả James Suzman, Đông Á được coi là khu vực đang phải chịu hậu quả nặng nề từ thực trạng nhân viên làm việc quá sức. Những con số đáng báo động về "văn hóa 996" ở Trung Quốc, hiện tượng "karoshi" (làm việc đến chết) tại Nhật Bản... được đề cập trong cuốn sách Lịch sử việc làm khiến chúng ta phải giật mình.