Người phụ nữ 62 tuổi được phép lấy tinh trùng từ người chồng đã mất

Một phụ nữ 62 tuổi ở Tây Australia đã được Tòa án Tối cao bang này cấp phép lấy tinh trùng từ người chồng đã qua đời để sử dụng cho mục đích thụ tinh nhân tạo.

Người vợ nộp đơn lên tòa án yêu cầu lấy tinh trùng của người chồng đã mất. Ảnh: Envirotainer

Theo Guardian, người phụ nữ này đã nộp đơn yêu cầu cấp thiết lên tòa án sau khi chồng bà, 61 tuổi, qua đời vào cuối năm ngoái.

Theo hồ sơ, thi thể của người chồng được đưa đến Bệnh viện Sir Charles Gairdner. Tuy nhiên, người phụ nữ buộc phải nộp đơn xin lệnh sau khi bệnh viện "không nhanh chóng cử nhân viên phụ trách" xử lý yêu cầu lấy tinh trùng từ thi thể chồng bà và bảo quản trong khi tinh trùng vẫn còn khả dụng.

Trong phiên tòa xét xử đơn xin vào ngày hôm sau, tòa án được biết cặp vợ chồng - tên của họ không được công bố vì vấn đề pháp lý - có 2 con chung, tuy nhiên, cả 2 con đều đã qua đời trong 2 vụ tai nạn.

Sau bi kịch mất 2 con, dù tuổi cao, cặp vợ chồng vẫn mong muốn có thêm một đứa trẻ nữa. Tuy nhiên, chuyên gia y tế khẳng định người vợ khó có thể thụ thai tự nhiên do tuổi tác.

Việc xét nghiệm cho thấy tinh trùng của người chồng vẫn khả dụng. Họ tìm thấy hy vọng khi người em họ 20 tuổi tình nguyện mang thai hộ thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Tuy nhiên, việc sống ở nước ngoài và những quy định pháp lý phức tạp về lưu trú khiến kế hoạch tạm gác lại. Công việc, đại dịch và tang lễ của mẹ chồng khiến cặp đôi bỏ lỡ cơ hội.

Không bỏ cuộc, người vợ nộp đơn lên tòa án yêu cầu lấy tinh trùng của người chồng đã mất. Cuối cùng, Thẩm phán Fiona Seaward chấp thuận đơn yêu cầu, cho phép lấy tinh trùng nhưng chưa thể thụ tinh ngay do cần một phán quyết riêng biệt khác.

"Đây chỉ là phán quyết cho phép lấy tinh trùng, không đồng nghĩa với việc bà ấy được sử dụng nó, cũng không xác nhận khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý liên quan", Thẩm phán Seaward khẳng định.

Hiện tại, bang Tây Australia không cho phép thụ tinh sau tử vong. Để thực hiện bước tiếp theo và sử dụng tinh trùng, người phụ nữ phải nộp đơn xin chuyển tinh trùng đến một khu vực pháp lý cho phép thực hiện quy trình.

Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Seaward cũng khiển trách bệnh viện đã không kịp thời cử nhân viên phụ trách hỗ trợ người phụ nữ, điều này đã khiến bà phải nộp đơn khẩn cấp lên tòa án.

"Thật đáng thất vọng rằng, một lần nữa, một người phải ra tòa khẩn cấp trong hoàn cảnh đau thương để xin một phán quyết mà lẽ ra có thể được cấp nhanh chóng và dễ dàng hơn nếu bệnh viện thực hiện trách nhiệm đúng cách", bà Seaward nói.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.