![]() |
Ở Nhật Bản, tuyết tùng, còn được gọi là "sugi", là loại cây phổ biến nhất gây dị ứng phấn hoa cho khoảng 40% người dân mỗi năm. Ảnh: Getty. |
Đôi mắt sưng vù như bị ong đốt. Giọng nói è è như ai đang bóp chặt mũi. Đôi tay gãi liên tục vì ngứa và mẩn đỏ. Đó là các triệu chứng Bùi Văn Phong (28 tuổi) gặp phải khi bị dị ứng phấn hoa, hay còn gọi là sốt cỏ khô, vào năm 2022 ở Nhật Bản.
Đã trở về Việt Nam 2 năm nhưng với Phong, đó vẫn là ký ức ám ảnh nhất trong thời gian du học tại xứ Phù Tang.
"Mắc Covid-19 khổ 1, bị dị ứng phấn hoa nặng còn khổ gấp 3-4 lần. Cảm giác sống dở chết dở, cả đêm không tài nào ngủ nổi", chàng trai kể với Tri Thức - Znews.
Giống như Văn Phong, nhiều người Việt cũng gặp vấn đề tương tự sau 2-3 năm sinh sống và làm việc ở Nhật Bản. Vào mùa dị ứng phấn hoa (thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm), nhiều người mua sẵn thuốc nhỏ mắt, xịt mũi và cả máy lọc không khí để ứng phó.
![]() |
Văn Phong mắc dị ứng phấn hoa nghiêm trọng trong thời gian du học ở Nhật. Ảnh: NVCC. |
Trải nghiệm nhớ đời
Bùi Văn Phong sang Nhật Bản học ngành Thiết kế xây dựng vào năm 2016. Những năm đầu, chàng trai cứ ngỡ mình "an toàn" khi không mắc phải căn bệnh sốt cỏ khô mọi người thường cảnh báo.
Đến năm 2021, Phong bị sổ mũi, hắt hơi, kèm theo ngứa và chảy nước mắt liên tục. Hỏi han bạn bè, anh mới biết mình bị dị ứng phấn hoa. Song, các triệu chứng nhẹ khiến nam du học sinh không quá lo lắng. Anh nhẹ nhàng vượt qua mùa phấn hoa đầu tiên.
![]() |
Văn Phong không mở nổi mắt vì dị ứng phấn hoa. |
Tới mùa phấn hoa năm 2022, các vấn đề sức khỏe tương tự lại xuất hiện.
Nghĩ mình còn trẻ, đã vượt qua một mùa mà không gặp nhiều vấn đề, Phong vẫn làm việc như bình thường, hễ chảy nước mũi thì ra mua thuốc uống cầm chừng đợi hết mùa.
Mọi việc tưởng chừng bình thường cho đến một buổi sáng cuối mùa hoa tuyết tùng vào tháng 4/2022. Phong ngỡ ngàng khi tỉnh giấc với đôi mắt sưng húp như ong đốt. Anh còn chảy nước mắt liên tục và nghẹt mũi, thậm chí hắt hơi ra máu.
"Lúc đó, tôi gần như không thấy được gì, cũng không dám mò mẫm ra ngoài mua thuốc vì sợ lại dính phấn hoa. May có người bạn cùng phòng mua giúp, nếu không tôi đành nằm im trong nhà chịu trận", anh kể.
Về Việt Nam đã 2 năm, buổi sáng bị căn bệnh sốt cỏ khô "đánh bại" vẫn là kỷ niệm làm Phong khó quên. Sau trải nghiệm nhớ đời, chàng trai khuyên những ai muốn hoặc đang làm việc ở Nhật Bản chưa bị dị ứng phấn hoa hãy chuẩn bị sẵn thuốc dị ứng và có ít nhất một người sẵn sàng hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp.
Chạy trời không khỏi… phấn hoa
Giống như Văn Phong, nhiều người Việt cũng bất ngờ khi sau vài năm ở Nhật Bản, họ bắt đầu hắt hơi, chảy nước mắt vì phấn hoa. Đối với Thu Hiền (29 tuổi), làm thiết kế nội thất, căn bệnh này đã trở thành "bạn đồng hành" suốt 8 năm.
Sang Nhật Bản từ năm 2014, nhưng tới năm 2017, Hiền mới bị dị ứng phấn hoa. Từ đó, cứ đến khoảng đầu năm, cô lại ngứa, nghẹt mũi và hắt hơi liên tục. Nhiều khi, niêm mạc mũi của cô còn bị khô và chảy máu.
Gặp vấn đề này đã 8 năm nhưng Hiền vẫn chưa "quen với cái khổ". Triệu chứng của bệnh mỗi năm lại khác nhau với người mẹ một con.
![]() |
Thu Hiền "sống chung" với bệnh dị ứng phấn hoa 8 năm nay. Ảnh: NVCC. |
"Có năm, tôi chỉ hắt hơi nhẹ, có năm lại ngứa và sưng mắt. Năm nào bị nặng, tôi ho, chảy nước mũi và khàn giọng kéo dài", cô kể.
Để tránh bệnh trở nặng, Hiền chi khoảng 700.000-1 triệu đồng/tháng để mua các sản phẩm y tế, bao gồm thuốc nhỏ mắt, xịt mũi và thuốc uống.
Năm nay, mùa phấn hoa bắt đầu sớm hơn, Hiền đã bị sổ mũi và khàn giọng nhưng có phần nhẹ hơn mọi năm. Đang nuôi con nhỏ, cô mua thêm máy lọc không khí giá 20.000 yen (khoảng 3,5 triệu đồng) để lọc phấn hoa.
Còn Mai Phương (29 tuổi), làm việc cho quán ăn ở Osaka, hạn chế phấn hoa vào nhà bằng cách đóng mọi cửa sổ, thay quần áo và tắm rửa ngay khi ra ngoài về.
"Điều này chỉ giúp tôi hạn chế một phần chứ không giải quyết triệt để vấn đề. Vì hễ sống ở Nhật, chắc chắn có phấn hoa, đành phải chấp nhận", cô bày tỏ.
Các vấn đề liên quan đến dị ứng phấn hoa với Phương cũng xoay quanh sổ mũi, hắt hơi và đau họng.
Tuy nhiên, đó chỉ là các triệu chứng lúc cô chuyển về làm việc ở Osaka. Khi còn làm tại Tokyo, người mẹ cho biết cô từng sưng húp cả mặt, ngứa mắt đến mức... "chỉ muốn lôi hai con ngươi ra ngoài để gãi".
![]() |
Người dân Nhật Bản thường có các triệu chứng dị ứng như chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng, ngứa và sưng mắt vào các tháng đầu năm. Ảnh: Reuters. |
Văn Phong, Thu Hiền và Mai Phương đều khuyên ai gặp dị ứng phấn hoa cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế và mua thêm thuốc nhỏ mắt, xịt mũi thay vì học theo hướng dẫn trên mạng xã hội, tiêu biểu là mẹo không bật điều hòa.
Sốt cỏ khô thậm chí được gọi là "bệnh quốc gia" tại Nhật Bản. Vào tháng 5/2023, chính phủ nước này công bố kế hoạch giảm 20% diện tích rừng tuyết tùng trồng nhân tạo trong 10 năm và giảm một nửa lượng phấn hoa phát tán trong 30 năm.
Đến tháng 10/2023, nội các Nhật Bản đã phê duyệt chương trình ban đầu, bao gồm việc sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để dự báo sự phát tán phấn hoa.
Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết mùa phấn hoa bắt đầu sớm hơn trong năm nay. Phấn hoa thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm nhưng năm nay, phấn hoa tuyết tùng trong không khí được phát hiện ở Tokyo vào ngày 8/1, thời điểm sớm nhất được ghi nhận, NHK đưa tin.
Bộ này cũng dự báo mật độ các hạt phấn trong không khí sẽ cao hơn bình thường, có thể khiến những người bị dị ứng ngứa mắt, hắt hơi và nghẹt mũi.
Sách chữa lành tại Việt Nam
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.