Thời gian qua, bóng đá Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ và phần nào tạo được tiếng vang, đặc biệt ở vòng loại World Cup. Theo ông Graham Arnold, tâm lý và thể lực là yếu tố quan trọng giúp Thái Lan, Việt Nam hay Indonesia cạnh tranh với các đội tuyển mạnh trong khu vực.
Thái Lan, Việt Nam tiến bộ
- Ông dẫn dắt tuyển Australia đối đầu với một số đội Đông Nam Á, chẳng hạn như Thái Lan và Việt Nam. Ông đánh giá những đội này như thế nào?
- Kể từ năm 2007, tôi có cơ hội đối đầu với nhiều đội bóng Đông Nam Á, cả ở cấp độ đội tuyển quốc gia và các giải đấu cấp câu lạc bộ như AFC Champions League. Trong suốt thời gian qua, tôi nhận thấy sự tiến bộ vượt bậc của bóng đá khu vực. Việc so sánh trình độ giữa các đội hiện nay trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Về mặt thể chất và kỹ thuật, các đội bóng tiệm cận nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt rõ rệt nằm ở khâu chiến thuật, nơi một số đội áp dụng những phương án chơi tích cực và hiệu quả hơn.
- Tại vòng loại World Cup 2022, Australia đối đầu với Việt Nam và giành chiến thắng trong cả hai trận. Theo ông, điểm khác biệt chính giữa 2 đội tuyển là gì?
- Cả hai trận đấu đều là những thử thách. Về mặt kỹ thuật và thể chất, không có nhiều sự khác biệt giữa hai đội tuyển Australia và Việt Nam. Về mặt chiến thuật, chúng tôi luôn biết rằng họ sẽ chơi phòng ngự, và hiểu rằng các tình huống cố định sẽ rất quan trọng do lợi thế chiều cao. Nhưng về mặt tâm lý, tuyển Việt Nam phải mạnh mẽ hơn khi thi đấu xa nhà và tin tưởng vào bản thân nhiều hơn.
- Đối với các đội Đông Nam Á như Việt Nam và Thái Lan, ông nghĩ họ cần làm gì để phát triển hơn nữa và lọt vào top 8 đội bóng hàng đầu châu Á?
- Tôi tin rằng các đội bóng Đông Nam Á đang dần thu hẹp khoảng cách với các tên tuổi lớn. Để tiến xa hơn, điều quan trọng là họ cần được cọ xát nhiều hơn với những đối thủ mạnh. Việt Nam, Thái Lan và các đội tuyển khác trong khu vực cần có cơ hội thi đấu giao hữu hoặc tham dự các giải đấu quốc tế để tích lũy kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, việc xây dựng lối chơi khoa học, tạo dựng sự tự tin, khát khao chiến thắng là những yếu tố không thể thiếu. Các cầu thủ cần vào sân với quyết tâm cao nhất, hướng tới mục tiêu giành chiến thắng chứ không chỉ là cố gắng trụ vững. Rõ ràng, các cầu thủ Đông Nam Á đã sở hữu nền tảng kỹ thuật và thể lực rất tốt.
- Là một huấn luyện viên giàu kinh nghiệm, ông đưa ra lời khuyên nào cho các đội Đông Nam Á để cạnh tranh hiệu quả hơn trên đấu trường quốc tế?
- Sự chuẩn bị kỹ lưỡng là yếu tố then chốt để các cầu thủ thành công khi khoác áo đội tuyển quốc gia. Họ cần không ngừng rèn luyện thể lực và nâng cao kỹ thuật để sẵn sàng đối mặt với những thử thách mới ở cấp độ cao hơn.
Về mặt chiến thuật, sự tự tin vào lối chơi chủ động sẽ là vũ khí giúp họ giành chiến thắng. Và quan trọng hơn cả, các cầu thủ cần tin rằng bản thân xứng đáng được góp mặt trong đội hình và hoàn toàn có khả năng tạo nên những dấu ấn riêng
HLV Graham Arnold từng dẫn dắt tuyển Australia đối đầu Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022. |
Nhập tịch không phải là tất cả
- Gần đây, các quốc gia như Indonesia áp dụng chính sách nhập tịch, giúp tăng cường sức mạnh cho các đội bóng. Theo quan điểm của ông, lợi ích của việc sử dụng cầu thủ nhập tịch là gì?
- Trong quá khứ, tôi phải đưa ra quyết định nhập tịch một số cầu thủ để bổ sung lực lượng cho đội tuyển Australia. Tuy nhiên, tôi luôn coi đây chỉ là giải pháp tình thế, hướng giải quyết tạm thời cho một vấn đề phát triển cầu thủ lâu dài.
Những cầu thủ nhập tịch thường mang đến kinh nghiệm thi đấu tại các giải đấu hàng đầu châu Âu, qua đó giúp nâng cao trình độ chung của đội tuyển và truyền cảm hứng cho các cầu thủ nội địa. Một số cầu thủ còn đóng vai trò như những người thủ lĩnh, góp phần định hình tư duy chiến thắng cho toàn đội. Tuy nhiên, việc lạm dụng cơ chế nhập tịch có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn, làm thay đổi bản sắc và văn hóa của đội tuyển quốc gia.
- Như mọi người thường nói, đồng xu nào cũng có hai mặt. Những thách thức hoặc bất lợi tiềm ẩn nào có thể phát sinh khi phụ thuộc quá nhiều vào các cầu thủ nhập tịch?
- Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch chỉ thực sự hiệu quả khi họ có sự gắn bó sâu sắc với quốc gia mới. Nếu một cầu thủ chưa từng trải nghiệm cuộc sống tại quốc gia đó, chưa thích nghi được với điều kiện khí hậu, hoặc không có đủ nhiệt huyết để đại diện cho màu cờ sắc áo, thì việc họ hòa nhập vào đội hình sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây chính là câu hỏi mà các huấn luyện viên cần đặt ra hàng đầu khi quyết định gọi một cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển.
- Theo ông, yếu tố quan trọng nhất để một đội tuyển Đông Nam Á đạt được thành công lâu dài là gì?
- Thành công bền vững của bóng đá đòi hỏi sự đồng lòng của tất cả thành phần, từ Chủ tịch Liên đoàn, các thành viên Hội đồng, Giám đốc Thể thao, ban huấn luyện cho đến người hâm mộ. Sự thống nhất trong mục tiêu và hành động là yếu tố then chốt để đưa bóng đá nước nhà lên một tầm cao mới.
Tuyển Việt Nam được nâng cấp chất lượng sau khi có sự xuất hiện của Nguyễn Xuân Son - cầu thủ nhập tịch. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Để xây dựng một nền tảng vững chắc cho bóng đá trẻ, chúng ta cần đầu tư vào việc phát triển các giải đấu trẻ, đảm bảo các đội tuyển trẻ của quốc gia thường xuyên được tham gia các giải đấu châu lục như Asian Cup ở mọi lứa tuổi. Những trải nghiệm thi đấu quốc tế sẽ giúp các cầu thủ trẻ rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm và góp phần nâng cao sức mạnh chung của đội tuyển quốc gia.
Bên cạnh đó, việc xây dựng một đội ngũ huấn luyện viên giàu kinh nghiệm là rất quan trọng. Song song với đó, chúng ta cần chú trọng đào tạo và phát triển đội ngũ huấn luyện viên bản địa để đảm bảo sự kế thừa và phát triển bền vững của bóng đá nước nhà.
- Các cầu thủ Đông Nam Á, chẳng hạn từ Thái Lan hoặc Việt Nam, đã có cơ hội chơi bóng ở nước ngoài, đặc biệt là Pháp và Hà Lan, nhưng nhiều người không thành công. Ông có nghĩ rằng việc các cầu thủ Đông Nam Á chuyển sang chơi bóng ở châu Âu là quá mạo hiểm?
- Nhiều cầu thủ Australia chọn con đường sang châu Âu để phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, không ít trường hợp các cầu thủ này sớm phải trở về nước và sự nghiệp của họ gặp phải khó khăn. Thời điểm và cấp độ mà cầu thủ chọn để xuất ngoại đóng vai trò quyết định đến sự thành công của họ.
Nếu tham vọng quá lớn, các cầu thủ trẻ có thể phải đối mặt với việc chỉ được thi đấu ở đội dự bị hoặc các giải đấu hạng thấp, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự tiến bộ mà còn làm giảm động lực thi đấu. Bên cạnh đó, việc thích nghi với văn hóa và môi trường sống hoàn toàn mới cũng là một thách thức không nhỏ. Nỗi nhớ nhà và áp lực thi đấu có thể khiến cầu thủ mất đi sự tự tin và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thi đấu. Vì vậy, việc lựa chọn thời điểm và cấp độ phù hợp để sang châu Âu là rất quan trọng.
Graham James Arnold, 61 tuổi, từng là HLV các cấp độ U23 và đội tuyển quốc gia Australia. Tại vòng loại World Cup 2022, ông Graham James Arnold từng dẫn dắt tuyển Australia chạm trán Việt Nam.
Tiết lộ về HLV Park Hang-seo
Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.