Trong tháng 4/2025, nhiều chính sách mới có hiệu lực, trong đó có các chính sách liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước; sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; chế độ làm việc của giáo viên.
Quy định mới về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2025/NĐ-CP ngày 28/2/2025 quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước. Nghị định quy định rõ các nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng.
Cụ thể, lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước ưu tiên phát triển.
Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.
Thực hiện tách bạch tiền lương, thù lao của Thành viên hội đồng, Kiểm soát viên với tiền lương của Ban điều hành.

Người lao động mong chờ nhiều chính sách mới liên quan tiền lương, tiền thưởng sớm được áp dụng. (Ảnh: NLĐ)
Nghị định quy định Quỹ tiền lương của người lao động và Ban điều hành được xác định theo các phương pháp sau: Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân; xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định.
Phương pháp này chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động ít nhất bằng thời gian dự kiến áp dụng đơn giá tiền lương ổn định.
Bãi bỏ 11 nghị định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng
Nội dung này được quy định tại Nghị định 44/2025/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 44/2025/NĐ-CP quy định về hiệu lực thi hành như sau:
Nghị định 44/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025. Các chế độ quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 1/1/2025.
Khoản 3 Điều luật này quy định về việc bãi bỏ các Nghị định dưới đây khi Nghị định 44/2025/NĐ-CP có hiệu lực:
(1) Nghị định 51/2016/NĐ-CP quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
(2) Nghị định 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
(3) Nghị định 53/2016/NĐ-CP quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước;
(4) Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 51/2016/NĐ-CP quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
(5) Nghị định 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
(6) Nghị định 87/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
(7) Nghị định 64/2023/NĐ-CP bổ sung Nghị định 87/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
(8) Nghị định 121/2016/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2016 - 2020;
(9) Nghị định 74/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 121/2016/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2016 - 2020;
(10) Nghị định 82/2021/NĐ-CP về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi Nghị định 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi tại Nghị định 74/2020/NĐ-CP về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội;
(11) Nghị định 79/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 121/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi tại Nghị định 74/2020/NĐ-CP và Nghị định 82/2021/NĐ-CP về thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.
Sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm
Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2025/NĐ-CP (Nghị định 60) ngày 3/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 (Nghị định 116) quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Nghị định số 60 được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 116, đồng thời tiếp tục kế thừa các kết quả đã đạt được trong thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút sinh viên giỏi, tâm huyết vào học và làm việc, cống hiến cho ngành giáo dục.
Nghị định 60/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về thu hồi kinh phí hỗ trợ.
Cụ thể, hàng năm, căn cứ vào kết quả rèn luyện, học tập của sinh viên sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo danh sách sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú hoặc cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng để thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.
Đối với sinh viên sư phạm được hỗ trợ kinh phí theo hình thức giao dự toán thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí, trước ngày 30 tháng 12 hằng năm căn cứ vào Giấy xác nhận thời gian công tác trong ngành giáo dục của sinh viên sư phạm, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú rà soát, theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định.
Đối với sinh viên sư phạm được hỗ trợ kinh phí theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền, sinh viên thuộc đối tượng bồi hoàn kinh phí phải có trách nhiệm liên hệ với cơ quan ra thông báo thu hồi kinh phí bồi hoàn để làm thủ tục bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.
Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tối đa là 4 năm, kể từ khi sinh viên sư phạm nhận được thông báo bồi hoàn kinh phí.
Trong thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí, sinh viên nộp tiền bồi hoàn cho cơ sở đào tạo giáo viên hoặc cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ (đối với sinh viên thuộc đối tượng đặt hàng, giao nhiệm vụ) theo quy định.
Trường hợp sinh viên chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn quá thời hạn quy định thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn.
Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn thì phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.

Sinh viên Đại học Thủ đô. (Nguồn: TTXVN)
Khoản 7 Điều 1 Nghị định 60/2025/NĐ-CP quy định trường hợp sinh viên sư phạm được xóa, miễn, giảm mức bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí: Sinh viên sư phạm được sẽ được xóa kinh phí bồi hoàn nếu thuộc đối tượng bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc từ trần; sinh viên sư phạm được miễn hoặc giảm mức bồi hoàn nếu thuộc đối tượng hưởng chính sách miễn hoặc giảm học phí theo quy định của Chính phủ; ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú quyết định miễn, giảm hoặc xóa kinh phí bồi hoàn cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng chính sách.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/4/2025 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025 - 2026.
Hiệu trưởng, hiệu phó làm việc 40 giờ/tuần
Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT về chế độ làm việc của giáo viên có đề cập đến quy định mỗi giáo viên sẽ không được kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ trong một năm học.
Theo đó tại Điều 3 của Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, thời gian làm việc của giáo viên được quy định dựa trên số tiết dạy trong một năm học và số tiết dạy trung bình trong mỗi tuần.
Thời gian làm việc của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng là 40 giờ/tuần, bao gồm cả số tiết giảng dạy. Các hiệu trưởng cần phân công nhiệm vụ cho giáo viên sao cho hợp lý, bảo đảm công khai và công bằng giữa các giáo viên trong trường.
Nếu có trường hợp phải phân công giáo viên kiêm nhiệm, hiệu trưởng phải ưu tiên những giáo viên chưa đủ định mức tiết dạy trung bình trong một tuần.
Tuy nhiên, một quy định quan trọng từ 22/4/2025 là mỗi giáo viên chỉ được kiêm nhiệm tối đa 2 nhiệm vụ theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 của Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT. Việc này nhằm tránh tình trạng quá tải cho giáo viên, đồng thời giúp họ có đủ thời gian để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính của mình.
Điều kiện lao động gồm 6 loại
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) ban hành Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động có hiệu lực từ 1/4/2025.
Theo đó, điều kiện lao động gồm 6 loại và phân chia như sau:
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại I, II, III là nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm;
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại V, VI là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Điều kiện lao động được đánh giá, xếp loại theo 3 phương pháp:
- Phương pháp đánh giá, tính điểm thực hiện theo quy trình: Xác định tên nghề, công việc cần đánh giá, xác định điều kiện lao động, quy mô lấy mẫu. Sau đó, đánh giá điều kiện lao động theo hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động.
- Phương pháp thống kê, kinh nghiệm: Căn cứ vào đặc điểm điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc của Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để xác định loại điều kiện lao động cho các nghề, công việc được đánh giá.
- Phương pháp kết hợp: Kết hợp phương pháp đánh giá, tính điểm với phương pháp thống kê, kinh nghiệm và lấy ý kiến của bộ quản lý ngành lĩnh vực, các chuyên gia, nhà khoa học để tổng hợp kết quả.
Quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy
Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2025/NĐ-CP quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.Nghị định này quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, trừ chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.
Theo Nghị định 23/2025/NĐ-CP, từ ngày 10/4, chứng thư chữ ký điện tử được phân loại như sau:Chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia tự cấp tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy.
Chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy. Chứng thư chữ ký số công cộng là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho thuê bao.
Chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng là chứng thư chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng cấp. Cũng theo nghị định, chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng, được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng và đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử.
Nghị định nêu rõ, tất cả các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật được thành lập và hoạt động hợp pháp đều có quyền được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số.
Chứng thư chữ ký số cấp cho người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải nêu rõ chức danh và tên cơ quan, tổ chức của người đó.Sử dụng chữ ký số và chứng thư chữ ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức.
Theo Nghị định, chữ ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số theo quy định trên chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch và các hoạt động theo đúng thẩm quyền của cơ quan, tổ chức và chức danh được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số.
Việc ký thay, ký thừa lệnh theo quy định của pháp luật thực hiện bởi người được giao, ủy quyền sử dụng chữ ký số của mình, được hiểu căn cứ vào chức danh của người ký số ghi trên chứng thư chữ ký số.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2025.