Bệnh hiếm từng biến mất, bất ngờ quay lại
Từ năm 2020 đến cuối 2024, Việt Nam đã ghi nhận 24 ca nhiễm giun rồng. Trong khi đó, toàn thế giới mỗi năm hiện chỉ ghi nhận trung bình khoảng 14 ca, chủ yếu tập trung tại một số quốc gia ở châu Phi.

Giun rồng ghi nhận tại Việt Nam (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Đây là thông tin được PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương chia sẻ tại Hội nghị Khoa học toàn quốc về ký sinh trùng lần thứ 51, diễn ra ngày 1/4 tại Hà Nội.
Theo PGS Dũng, các ca bệnh tại Việt Nam chủ yếu tập trung ở các tỉnh như Yên Bái (11 ca), Phú Thọ (8 ca), Lào Cai (2 ca), Hòa Bình (1 ca) và Thanh Hóa (2 ca). Phần lớn bệnh nhân là nam giới, có điểm chung là sinh sống ở vùng núi, thường xuyên đi rừng và có thói quen ăn sống như: gỏi cá, tiết canh, thịt tái hoặc uống nước suối chưa qua đun sôi.

Hội nghị Khoa học toàn quốc về ký sinh trùng lần thứ 51 được tổ chức tại Hà Nội (Ảnh: Ban tổ chức).
Giun rồng (Dracunculus medinensis) là một loại ký sinh trùng cực kỳ hiếm gặp. WHO từng chứng nhận Việt Nam là quốc gia không còn bệnh này vào năm 1998.
Tuy nhiên, từ năm 2020, các ca bệnh lẻ tẻ bắt đầu xuất hiện trở lại, đặt ra lo ngại về sự tái lưu hành của ký sinh trùng nguy hiểm này trong cộng đồng.
Gây tổn thương nghiêm trọng, biến chứng khó lường
Theo PGS Dũng, giun rồng xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa thông qua thực phẩm sống hoặc nước uống nhiễm ấu trùng - thường là cá, ếch, nhái hoặc tôm sống trong môi trường nước bẩn.
Sau khi vào cơ thể, ấu trùng phát triển âm thầm suốt 10-12 tháng trước khi xuất hiện triệu chứng.
Bệnh nhân thường bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ, ngứa, buồn nôn, tiêu chảy. Khi giun cái trưởng thành, chúng di chuyển trong mô dưới da, gây sưng đỏ, đau nhức và nổi sẩn ngoằn ngòeo.

PGS.TS Đỗ Trung Dũng chia sẻ về bệnh giun rồng (Ảnh: Thanh Loan).
Nhiều trường hợp, giun cái tự tìm đường chui ra ngoài qua da, để lộ đầu giun trắng và tiết dịch màu vàng - đây là lúc bệnh nhân đau đớn và dễ bị nhiễm trùng nhất.
Một trường hợp điển hình là người đàn ông hơn 40 tuổi ở Yên Bái. Bệnh nhân bị ngứa dữ dội vùng cổ, nổi mẩn lạ, sau đó xuất hiện một cục u tại xương đòn phải, để lộ đầu giun.
Các bác sĩ đã tiến hành xử trí, rút giun ra ngoài thành công. Bệnh nhân khai có thói quen ăn đồ tái, gỏi cá, không tẩy giun định kỳ.
Một bệnh nhân khác, 20 tuổi, bị sốt cao, ngứa toàn thân, chóng mặt, buồn nôn. Khi thăm khám, bác sĩ phát hiện trong cơ thể người này có một con giun dài tới 30cm.
Hiện chưa có xét nghiệm sớm, chưa có thuốc đặc trị và cũng chưa có vaccine phòng bệnh. Việc điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng phát hiện sớm triệu chứng và can thiệp đúng thời điểm khi giun bắt đầu di chuyển ra ngoài cơ thể.
Cần thay đổi thói quen ăn uống để phòng bệnh
Trước tình trạng giun rồng tái xuất ở Việt Nam sau hơn 20 năm, các chuyên gia y tế cảnh báo người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao như vùng núi, nơi người dân vẫn có thói quen ăn sống.
PGS Đỗ Trung Dũng nhấn mạnh, để phòng ngừa không chỉ giun rồng mà còn nhiều bệnh ký sinh trùng khác, điều quan trọng nhất là phải thay đổi thói quen ăn uống.
Người dân nên ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không ăn đồ tái, gỏi, tiết canh, cá suối sống, ếch nhái chưa nấu chín. Đồng thời, cần chú ý vệ sinh môi trường, xử lý rác thải hợp lý, không dùng phân tươi bón rau hay nuôi gia súc thả rông trong khu dân cư.