Mỗi ngày đến giảng đường, anh V. (34 tuổi, làm việc tại một trường đại học ở TPHCM) phải mặc áo bó và 4 lớp áo, để che bộ ngực bị phì đại. Nhiều lần, anh tính đến chuyện nghỉ việc khi nghe sinh viên trêu chọc "ngực thầy to hơn phụ nữ".
Anh V. cho biết, từ năm 15 tuổi, ngực anh phát triển vượt trội, vòng 1 như hai cái chén úp vào. Vì bị bạn bè thường xuyên đùa giỡn, so sánh với "con gái", khiến người đàn ông trở nên thu mình lại, không tiếp xúc với ai.
Tương tự, anh M. (25 tuổi, quê Bình Dương) bị nữ hóa tuyến vú suốt 10 năm nay. Kích cỡ ngực phát triển quá "khủng", anh thường có cảm giác ám ảnh mỗi khi đứng đối diện người khác. Khi ra đường, chàng trai luôn mặc 2 áo lót, 1 áo thun, 1 áo khoác dày và rộng.
Để tìm cách cho ngực nhỏ lại, anh M. tăng cường thời gian tập gym. Nhưng dù cơ bắp cuồn cuộn, chàng trai vẫn thất vọng khi ngực vẫn phì ra. Có lúc, anh dùng sức đập tay vào ngực và ngồi khóc một mình. Đến tháng 9 năm nay, vì tự ti ngoại hình, anh quyết định chia tay bạn gái.
Cả 2 trường hợp trên đều tìm đến bệnh viện cầu cứu. Sau khi xem xét kỹ lưỡng tình trạng, ekip điều trị quyết định phẫu thuật cắt tuyến vú để cải thiện sự tự tin cho người bệnh. Cuộc mổ được cân nhắc nhiều yếu tố, để vừa an toàn, vừa đảm bảo thẩm mỹ, giải quyết tâm lý mặc cảm của bệnh nhân.
Với trường hợp anh V., ekip bác sĩ rạch một đường 3cm mỗi bên nách, bóc tách mô xung quanh vết mổ để tạo khoảng trống, rồi đưa đèn và dụng cụ nội soi vào bên trong mô vú vừa cắt vừa hàn, giúp vết thương không chảy máu và bóc tách, cắt tuyến vú.
Ca mổ thành công sau 2 tiếng thực hiện, với sẹo mổ được giấu vào nách.
Còn với anh M., các bác sĩ đã tiến hành mổ nội soi cắt 2 tuyến vú cho bệnh nhân thuận lợi. Nhìn vào gương sau cuộc mổ, anh M. đã tự tin trở lại, nở nụ cười mãn nguyện.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú chia sẻ, trong cơ thể nam giới có cả hormone sinh dục nam (testosterone) và nữ (estrogen).
Khi nồng độ estrogen trong cơ thể nam giới quá cao hoặc mất cân bằng với nồng độ testosterone sẽ xuất hiện sự gia tăng số lượng mô tuyến vú ở nam giới, dẫn đến tình trạng nữ hóa tuyến vú.
Theo thống kê, khoảng 35% nam giới (phổ biến nhất ở 50-69 tuổi) và 70% bé trai tuổi vị thành niên (12-16 tuổi) mắc nữ hóa tuyến vú.
Nữ hóa tuyến vú là tình trạng lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nếu mổ mở thông thường - cắt đường dài trước ngực để bóc tách tuyến vú - vết thương lành sẽ để lại sẹo dài ở mỗi bên ngực, khiến người bệnh chuyển từ mặc cảm này sang mặc cảm khác, không giải quyết được sự tự ti.
Phẫu thuật nội soi là xu hướng của thế giới trong điều trị các bệnh ở vú. Phẫu thuật nội soi cắt tuyến vú là phương pháp xâm lấn tối thiểu, giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn, ít biến chứng và đảm bảo thẩm mỹ.