4 con gà ta, 3 đòn bánh tét, 2 cái bánh chưng, 20 quả trứng gà, hơn 2 kg thịt bò, 3 kg thịt lợn... là những loại thức ăn, thực phẩm được bố mẹ Nguyễn Thanh Thương (quê Quảng Trị) làm sạch, đóng gói cẩn thận trong thùng xốp 20 kg để con gái mang trở lại TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Hầu như năm nào cũng vậy, vali về lại thành phố của cô gái 26 tuổi này luôn chất đầy bánh kẹo. Thanh Thương còn mua thêm 20-30 kg hành lý ký gửi khi đi máy bay vì thể nào bố mẹ cũng cho một thùng đồ ăn mang vào.
"Gà nhà nuôi, rau nhà trồng thì kiếm đâu ra", hai bậc phụ huynh luôn đáp như vậy nếu nghe con gái nói rằng "thành phố đâu thiếu thứ gì".
Đồ ăn bố mẹ chuẩn bị cho Thanh Thương mang trở lại thành phố sau Tết. |
Xách một lần ăn cả tháng
Thanh Thương chia sẻ với Tri Thức - Znews rằng thói quen đóng gói đồ ăn gửi cho con cái sống ở thành phố của bố mẹ cô đã có từ khi cô và chị gái còn đi học đại học. Mỗi lần về quê rồi trở lại TP.HCM sau Tết hoặc kỳ nghỉ 30/4, 2/9, cô luôn mang theo một thùng xốp lớn chứa từ thịt cá cho đến bánh kẹo, các loại đồ chua, đồ khô.
Số đồ ăn này có thể đủ cho cô và chị gái ăn trong nhiều tuần, thậm chí cả tháng trời. Cả hai sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá tiền ăn, đi chợ và siêu thị. Chất lượng bữa ăn được cải thiện đáng kể với các loại thực phẩm đã được tuyển chọn rất kỹ càng. Thời gian nấu nướng cũng nhanh hơn vì mọi thứ đều đã được sơ chế, chỉ cần ăn đến đâu rã đông đến đó.
"Những tháng có đồ ăn bố mẹ chuẩn bị, chúng tôi tiết kiệm được 50-60% tiền đi chợ. Ăn ngoài hàng quán cũng giảm rõ rệt", Thanh Thương cho hay.
Đôi khi Thanh Thương vẫn từ chối nhận vì ngại phụ huynh phải chuẩn bị vất vả cũng như bản thân phải tay xách nách mang. Tuy nhiên, những lúc như vậy, bố mẹ cô vẫn rất kiên quyết, thuyết phục con gái mang theo thùng đồ ăn cho bằng được.
"Dần dần, tôi nhận ra có lẽ chuẩn bị đồ ăn cho con cái ở xa cũng là niềm vui của bố mẹ. Cứ nghĩ đến việc chúng tôi ở thành phố có trứng, thịt, rau sạch để ăn thì bố mẹ cũng yên tâm hơn. Từ đó, tôi không bao giờ từ chối thùng đồ ăn bố mẹ chuẩn bị cho mình nữa", Thanh Thương chia sẻ.
Hà Long mang đồ ăn bố mẹ chuẩn bị cho trở lại Hà Nội. |
Tương tự, hành trang trở lại Hà Nội sau Tết của Hà Long (32 tuổi, quê Phú Thọ) cũng đầy ắp các món quà quê: bánh kẹo, bánh chưng, gạo, rau củ sạch...
"Nói chung ở nhà có đồ ăn gì ngon thì bố mẹ sẽ gói ghém cho tôi mang về thành phố hết", Long chia sẻ.
Dù biết thành phố chẳng thiếu thứ gì, bố mẹ Long vẫn muốn anh có thể được ăn rau củ sạch trồng ở quê nhà, luôn nói rằng chịu khó xách đồ lên Hà Nội để đỡ phải mua ngoài tốn kém.
"Bố mẹ luôn nói đỡ được đồng nào hay đồng đó. Phụ huynh chỉ lo các con lên thành phố bị tốn tiền thôi", anh kể.
Con dù lớn, bố mẹ vẫn muốn chăm lo từng miếng ăn
Cứ mỗi lần về quê ngoại rồi trở lại thành phố trong và sau lễ Tết, chiếc xe của gia đình Trần Thư (31 tuổi, Hà Nội) lại nặng hơn hẳn vì đủ loại đồ ăn bố mẹ cô chuẩn bị cho con cháu mang về thành phố dùng dần. Cô vẫn thường nói đùa rằng "ông bà thì xúc động, còn mẹ cháu thì xúc gạo thôi".
Ngày 25 Tết Ất Tỵ, bố mẹ cô đã chuẩn bị 100 quả trứng gà, 5 con gà, 3 con ngan để con đưa về Hà Nội ăn Tết. Đến sau kỳ nghỉ lễ, nhà có bao nhiêu rau củ quả, ông bà lại tiếp tục gom góp, để dành cho các con.
"Mỗi lần về quê mẹ bòn con rút, vậy mà ông bà lại cứ vui vẻ hồ hởi ra mặt. Còn gì cất kỹ từ bao giờ cũng lôi ra bắt mang đi kèm dặn dò: 'Chúng mày mang hết đi, không ăn hết thì mang chia cho hàng xóm nữa dưới đấy có tiền cũng không mua được đồ này mà ăn đâu'", Thư chia sẻ.
Rau củ được Trần Thư thu hoạch trong vườn của bố mẹ ở quê. |
Thường xuyên nhận "lương thực tiếp tế" của bố mẹ từ khi còn là sinh viên, Lan Anh (32 tuổi) nói rằng đến hiện tại cô vẫn được phụ huỳnh chăm chút, lo lắng từng cái ăn, cái mặc dù đã lập gia đình, một nách hai con.
Sinh sống, làm việc ở TP.HCM nên mỗi năm gia đình Lan Anh chỉ về quê ở Quảng Nam 1-2 lần. Mỗi lúc như vậy, cô lại được bố mẹ đóng cho vài thùng cá thịt để mang vào ăn dần. Biết con gái vụng về, không khéo nấu ăn, cha mẹ cô đã sơ chế rất kỹ thực phẩm kèm theo vô số điều dặn dò về cách bảo quản và chế biến.
"Nếu là sau Tết Nguyên đán thì khỏi phải nói, nhà có bao nhiêu đồ ngon là bố mẹ lại vơ vét hết để cho con cháu. Tủ lạnh của nhà tôi ở TP.HCM nhiều khi không đựng được hết đồ ăn mang vào", cô nói.
Cứ mỗi lần đứng nghe mẹ dặn dò cách nấu từng loại cá, rã đông từng loại thịt, đồ ăn sẵn, Lan Anh cảm giác mình trở về thời còn là sinh viên 18-19 tuổi, lần đầu sống xa gia đình, học cách tự lập.
"Con cái dù lớn, trưởng thành đến đâu thì trong mắt bố mẹ đều bé bỏng như vậy. Và có lẽ cách thể hiện yêu thương của bố mẹ vẫn luôn là lo lắng, chăm chút từng miếng ăn cho con", cô bày tỏ.
Sách chữa lành tại Việt Nam
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.