Florida tránh được kịch bản tồi tệ nhất khi bão Milton đổ bộ vào đêm 9/10, nhưng sức gió khủng khiếp cùng hàng chục trận lốc xoáy đã tàn phá khắp tiểu bang này. Đường phố ngập lụt, cây cối bị quật ngã, nhà cửa và nhiều công trình xây dựng bị hư hại nghiêm trọng.
Tính đến 12/10, hơn 2,1 triệu người ở Florida vẫn chưa có điện, theo poweroutages.us. Khi cơn bão đi qua, những cư dân trở về dọn dẹp lại đống đổ nát. Nhiều người chỉ biết bật khóc khi chứng kiến căn nhà và mọi đồ đạc giá trị đã bị biến thành phế liệu.
Trong lúc hàng nghìn người dân đang cố gắng vực dậy, sửa chữa tài sản của mình, một số người quyết định sẽ rời Florida mãi mãi vì không thể chống chọi thêm với những mùa mưa bão khắc nghiệt.
Sự tàn phá nghiêm trọng của Milton cũng đang đặt gánh nặng lớn lên những công ty bảo hiểm, khi đối diện số tiền phải bồi thường lên tới hàng chục tỷ USD.
"Tôi không thể chịu đựng được nữa"
Milton đổ bộ chỉ 13 ngày sau khi Helene tàn phá vùng Đông Nam nước Mỹ, phá vỡ kỷ lục về khoảng thời gian ngắn nhất giữa hai cơn bão lớn ở Florida. Helene được cho đã cướp đi ít nhất 243 sinh mạng, bao gồm 25 ca tử vong. Theo thống kê đến ngày 12/10, Milton đã khiến ít nhất 17 người tử vong.
Cindy Phillips (75 tuổi) trở lại để xem xét tình hình căn nhà của mình ở Sarasota. Dù nó chỉ bị hư hại nhỏ, bà đã bật khóc khi nhìn thấy cảnh hoang tàn, đổ nát sau cơn bão.
Bão Milton khiến Phillips căng thẳng tới mức bà tin chắc rằng căn nhà của mình đã bị phá hủy trước khi về lại.
Nhiều ngôi nhà bị tàn phá hoàn toàn sau bão Milton. Ảnh: USA Today. |
Bà và chồng kinh hoàng khi đi qua những hàng cây đổ gục và chứng kiến cảnh nhà hàng xóm chỉ còn sót lại hàng rào sơn màu trắng. Một số mái nhà của hàng xóm xung quanh đã bị cơn bão xé toạc, với lớp cách nhiệt màu hồng vương vãi khắp khu phố.
Ngôi nhà của Phillips chỉ bị hư hại nhẹ, nếu không tính đến mái hiên đã bị cơn bão Helene đã xé toạc vào tháng trước. Nhưng sự tấn công liên tục từ Helene và Milton không chỉ tàn phá tài sản bên ngoài mà đã đánh thẳng vào tâm lý của người phụ nữ 75 tuổi.
Phillips và chồng quyết định rời khỏi Florida vĩnh viễn trước mùa bão tiếp theo.
"Tôi đã gọi cho môi giới bất động sản rồi. Chúng tôi đã sợ bão. Liệu chúng tôi còn giữ được nhà sau cơn bão tiếp theo không? Và sẽ thế nào nếu không còn nhà nữa?", bà nói với USA Today.
"Chúng tôi đã quá già để sống ở Florida. Quá nhiều cơn bão. Tôi không thể chịu được nữa rồi", Phillips bày tỏ.
Bà Phillips không phải người duy nhất quyết định rời đi sau sự tàn phá dữ dội của nhiều cơn bão trong những năm gần đây.
Sau cơn bão Helene hồi cuối tháng 9, ngôi nhà của John và Rhonda Keigher đã bị phá hủy. Chưa đầy hai tuần sau đó, khi chưa kịp dọn dẹp đống đổ nát, họ kiệt sức khi chứng kiến cơn bão Milton với sức tàn phá không kém.
John cho biết nước lũ đã làm hỏng mọi đồ đạc trong nhà. Mặc dù có bảo hiểm, hai người không có ý định xây dựng lại cơ ngơi của mình ở Florida. "Chúng tôi kiệt sức rồi", Rhonda nói, nhìn vào đống đổ nát họ kéo ra khỏi ngôi nhà phủ đầy bùn của mình.
Gánh nặng bảo hiểm có thể vượt ra ngoài Florida
Theo New York Times, ngoài gánh nặng và đau khổ mà chủ nhà phải chịu đựng, việc đo lường mức độ thiệt hại tài sản mà Milton gây ra cũng rất quan trọng về mặt kinh tế và chính trị ở Florida.
Trong những năm gần đây, khi các công ty bảo hiểm lớn nhất của đất nước đã rời khỏi Florida, chủ nhà đã buộc phải mua bảo hiểm với các công ty nhỏ hơn và tổ chức cho vay phi lợi nhuận cuối cùng của tiểu bang, Citizens Property Insurance Corporation.
Năm nay, Thống đốc Ron DeSantis đã cảnh báo rằng Citizens "không có khả năng thanh toán", làm dấy lên viễn cảnh giá bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng trên toàn tiểu bang và các phản ứng chính trị có thể xảy ra sau đó.
Gánh nặng bồi thường sau bão có thể khiến giá bảo hiểm tăng, ảnh hưởng cả công ty bảo hiểm lẫn người dân. Ảnh: New York Times. |
Các chuyên gia lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng trong thị trường bảo hiểm của tiểu bang có thể gây ra hậu quả vượt ra ngoài Florida. Nếu các công ty bảo hiểm không thể thanh toán các yêu cầu bồi thường bảo hiểm và chủ nhà vỡ nợ thế chấp, Quốc hội có thể phải đối mặt với áp lực cung cấp hỗ trợ.
Và nếu các công ty bảo hiểm phải chịu tổn thất đủ lớn, phí bảo hiểm cho chủ nhà ở các khu vực khác của đất nước có thể tăng lên để ứng phó, khi ngành này cố gắng củng cố vị thế tài chính của mình.
Theo các nhà phân tích từ Fitch Ratings, cơn bão Milton đổ bộ vào bang Florida (Mỹ) vào hôm 9/10 ước tính gây ra thiệt hại được bảo hiểm từ 30 đến 50 tỷ USD. Khi có nhiều cơn bão tấn công trong khoảng thời gian ngắn, như Helene và Milton, nhu cầu về nhân công, vật liệu để sửa chữa và xây dựng lại tăng vọt, điều này có thể làm tăng tổng thiệt hại được bảo hiểm ít nhất 20%.
Moody's, công ty xếp hạng tín dụng, cho biết vào hôm 11/10 rằng sẽ mất nhiều tuần trước khi các công ty bảo hiểm có ước tính đáng tin cậy về thiệt hại do Milton - cơn bão thứ ba đổ bộ vào Florida trong năm nay - gây ra.
Theo Moody's, cơn bão Debby vào đầu tháng 8 đã gây ra thiệt hại ước tính 1,5 tỷ USD. Cơn bão Helene, đổ bộ vào tây bắc Florida vào ngày 26/9 và gây ra sóng lớn dọc theo bờ biển phía tây của bán đảo, ước tính đã gây ra thiệt hại 6-14 tỷ USD.
Phần lớn công ty bảo hiểm có khả năng chi trả thiệt hại do một cơn bão thông thường gây ra, song bất kỳ khoản chi trả nào vượt quá mức đó đều có thể nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn dự trữ của họ, đặc biệt trong trường hợp có nhiều cơn bão tấn công vào mùa này.
Trong quá khứ, nhiều công ty bảo hiểm đã phá sản khi không thể trả khoản bồi thường khổng lồ sau bão.
Sau khi cơn bão Ida tàn phá bang Louisiana vào năm 2021, hậu quả tàn khốc của nó vẫn còn ảnh hưởng cho đến tận bây giờ, trong đó hậu quả lâu dài nhất chính là khiến chi phí bảo hiểm tăng vọt, gây ra cuộc khủng hoảng với ngành công nghiệp này sau cơn bão.
Các nhà cung cấp bảo hiểm đã phá sản hoặc rời khỏi tiểu bang. Những công ty còn lại đã tăng giá - cao đến mức trong một số trường hợp, chủ nhà không đủ khả năng chi trả bảo hiểm, dẫn đến việc tịch biên nhà.
Cuộc khủng hoảng trên thị trường bảo hiểm và giá bảo hiểm nhà ở, bảo hiểm lũ lụt tăng vọt sau đó khiến một số người dân trong khu vực gặp khó khăn trong việc giữ nhà cửa.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.