Nỗi khổ trầm cảm sau sinh

Có 10-15% phụ nữ đang bị trầm cảm sau sinh và con số này ngày càng tăng lên. Các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần phải hỗ trợ, động viên những người mẹ này.

Channel NewsAsia đưa tin, theo Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần Phụ nữ tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK (Singapore) trong thời kỳ hậu thai sản có khoảng 80% phụ nữ trải qua cảm xúc rối loạn tâm trạng hoặc buồn bã. Đây là các triệu chứng nhẹ và sẽ tồn tại trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên có khoảng 10-15% phụ nữ sau sinh gặp phải tình trạng nghiêm trọng hơn: trầm cảm sau sinh hoặc mắc PPD với các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu. Con số này ngày càng tăng khi bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK ghi nhận số ca trầm cảm sau sinh tăng 47% trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022 so với cùng kỳ năm trước.

Một cuộc khảo sát của bệnh viện này được thực hiện vào năm 2023 trên khoảng 600 phụ nữ mang thai và phụ nữ mới sinh con cho thấy cứ 6 phụ nữ thì chỉ có 1 người tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia nếu họ gặp phải các triệu chứng trầm cảm sau sinh.

Những triệu chứng

Kin trở thành mẹ năm 28 tuổi, cô nhận định rằng bản thân là người “vui vẻ và dễ tính”. Lần đầu mang thai của cô là vào năm 2009, nhìn chung lần đầu này diễn ra suôn sẻ và cô rất mong chờ được làm mẹ. Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi khi Kin sinh con, cô bắt đầu cảm thấy chán nản và rất dễ khóc.

“Đây là điều kỳ lạ và rất không giống tôi”, Kin khẳng định.

“Buổi sáng sau khi sinh, tôi khóc rất nhiều. Tôi rất ngạc nhiên vì bình thường mình không hay khóc vô cớ như vậy. Khi bác sĩ nhìn thấy tình trạng của tôi, họ nói đó là điều bình thường vì tôi đang trải qua nhiều thay đổi về nội tiết tố. Từ đó, tôi luôn nghĩ rằng mình chỉ đang thay đổi nội tiết tố thôi”, Kin kể lại.

Pia - làm mẹ ở tuổi 24 chia sẻ với Channel NewsAsia: “Tôi đã nghe nói nhiều về PPD nhưng chưa thật sự tìm hiểu về nó nên tôi không biết nó là gì. Khi bắt đầu có các triệu chứng, tôi chỉ tự nhủ rằng đây là do hormone tăng cao sau khi sinh con, không có gì đáng lo ngại”.

Giống như Kin, Pia không gặp bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào về sức khỏe tinh thần trước khi làm mẹ. Nhưng sau khi sinh con, Pia không thể thoát khỏi cảm giác sợ hãi về ngày tận thế sắp xảy ra, hay có điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra với con cô.

Cả hai người phụ nữ đều phớt lờ các triệu chứng của mình, Pia trong sáu tháng còn Kin trong hai năm rưỡi, cho đến khi đạt đến điểm giới hạn, họ mới tìm đến các bác sĩ để nhờ giúp đỡ.

tram cam,  tram cam sau sinh,  trieu chung tram cam anh 1
Những phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường nhầm tưởng các triệu chứng của họ là thay đổi nội tiết tố. Ảnh: iStock/rudi_suardi.

Pia nói với bác sĩ về sự lo sợ của cô: “Tôi không thể ngừng lo lắng về con mình. Tôi cũng bắt đầu để tâm đến những nhận xét của mọi người về cân nặng và cả những thay đổi thể chất khác trên cơ thể tôi sau khi sinh. Chồng hay bạn bè thân thiết của tôi không làm gì để đảm bảo với tôi rằng sẽ khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Đó là lúc tôi biết có điều gì đó không ổn”.

Trong trường hợp của Kin, cô đã “khủng hoảng” khi “đánh mất chính mình và không thể ngừng la hét” với chồng và con. Cô nói với Channel NewsAsia rằng khi cô bình tĩnh lại, chồng cô yêu cầu cô tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia ngay lập tức.

“Trong hơn hai năm, tôi đã phớt lờ những gì mà mình đang gặp phải. Tôi nghĩ đó là những triệu chứng bình thường và sau này sẽ hết. Giờ tôi biết đó không đơn giản là sự thay đổi hormone. Tôi nghĩ tôi đã mắc PPD, tôi không biết nó trông như thế nào nhưng tôi cảm thấy rất khó khăn", Kin chia sẻ.

Một bà mẹ khác - Koh - đã trải qua quá trình mang thai và sinh con thứ hai không thuận lợi, điều này góp phần khiến cô bị PPD vào năm 2020, mặc dù trước đó khi sinh con đầu lòng cô không bị. Hai tháng sau sinh, khi nhận ra cảm giác tiêu cực của mình, Koh đã gọi điện đến bệnh viện nơi mình sinh nở để được giúp đỡ.

“Dựa trên những triệu chứng mà tôi nói với họ, nhân viên kết luận rằng tôi chỉ đang rối loạn cảm xúc sau sinh thôi", Koh kể lại.

Cho đến khi Koh có cuộc hẹn khám phát triển định kỳ của con tại phòng khám đa khoa, bác sĩ tiến hành hỏi cô những câu hỏi, sau đó bác sĩ kết luật rằng cô bị PPD. Tính đến thời điểm đó, Koh đã phải trải qua 8 tháng tồi tệ với những cảm xúc tội lỗi, căng thẳng, giận dữ và buồn bã đan xen.

Cần được phát hiện sớm

Tiến sĩ Theresa Lee, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Khoa Y học Tâm lý của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK, cho biết chứng trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn có tác động nghiêm trọng đến con. Một người mẹ mắc bệnh trầm có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ: các vấn đề về nhận thức, hành vi và cảm xúc.

Theo một bài báo trên trang web của bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK vào tháng 9/2023, cứ năm phụ nữ mang thai thì có một người bị trầm cảm trước khi sinh. Nếu tình trạng này không được giải quyết sớm, nó có thể trở nên trầm trọng hơn và tiến triển thành trầm cảm sau sinh sau khi người mẹ sinh con. Dần dà, căn bệnh này có thể khiến người mẹ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm cả việc xuất hiện ý nghĩ tự tử.

Tiến sĩ Lee cho biết có một vấn đề quan trọng khác đó là các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cần phát hiện sớm các triệu chứng. Căn bệnh này có thể xuất hiện ngay cả trước khi em bé được sinh ra, vì trầm cảm trước khi sinh - trầm cảm khi mang thai có liên quan chặt chẽ đến trầm cảm sau sinh.

Cheryl (30 tuổi) bị trầm cảm trước khi sinh và sau đó phát triển thành PPD. “Tôi nghĩ đó chỉ là căng thẳng và hormone thông thường khi mang thai”, cô nói.

Cheryl nói thêm rằng nếu nhận ra các triệu chứng sớm hơn thì cô đã tìm kiếm sự giúp đỡ sớm hơn và chứng trầm cảm của cô sẽ không trở nên tồi tệ hơn sau khi sinh con.

Để phát hiện sớm trầm cảm trước khi sinh và sau đó là sau khi sinh, bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK đã triển khai sàng lọc trầm cảm trước khi sinh định kỳ vào tháng 12/2022. Chương trình có tên gọi là “Khả năng phục hồi tâm lý trong quản lý tiền sản (PRAM)” bao gồm một bảng câu hỏi sàng lọc để phát hiện trầm cảm và giải quyết tình trạng này trước khi nó trở nên trầm trọng hơn sau sinh.

Tiến sĩ Charis Au, Giám đốc y tế tại Phòng khám Gia đình Assure, người đã khám cho các bà mẹ sau sinh cho biết: “Khi các bác sĩ sản phụ nhận thức được các dấu hiệu và xây dựng được mối quan hệ với bệnh nhân, họ có thể chỉ cần đặt những câu hỏi đơn giản cũng đã thu thập thông tin, từ đó hiểu tình trạng sức khỏe của bà mẹ”.

Tiến sĩ Charis Au khẳng định: “Đôi khi chỉ cần một vài câu hỏi là có thể cứu được một người mẹ”.

tram cam,  tram cam sau sinh,  trieu chung tram cam anh 2

Việc phát hiện sớm PPD có thể ngăn chặn việc các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Ảnh: iStock/pondsaksit.

Tiến sĩ Lee cũng chia sẻ thêm, việc chăm sóc phụ nữ mắc bệnh PPD cần sự hỗ trợ, động viên của mọi người. “Cộng đồng và các thành viên trong gia đình cần hiểu rằng mỗi người phụ nữ có trải nghiệm làm mẹ khác nhau và việc nhận thức được PPD có thể biểu hiện như thế nào là không dễ. Nếu mọi người xung quanh có thể nhận ra các triệu chứng tâm lý bất ổn ở người mẹ, hãy hỗ trợ họ nếu cần thiết”, Tiến sĩ Lee nói.

Đối với trường hợp của Cheryl và Koh, cả hai làm việc ở một môi trường không có sự thông cảm nên đã ảnh hưởng đến chứng trầm cảm trước và sau khi sinh của họ.

Cheryl nói: “Tôi có một người giám sát không hiểu gì về việc mang thai, cô ấy liên tục mắng mỏ tôi. Tôi nghĩ mọi thứ sẽ tốt hơn sau khi tôi sinh con, nhưng không, mọi chuyện chỉ trở nên tồi tệ hơn và chỉ khi đến các chuyên gia tâm lý, tôi mới nhận ra văn hóa công ty cũ đã khiến tình trạng của tôi trở nên tồi tệ đến mức nào”.

Trong trường hợp của Koh, nơi làm việc của cô nhìn chung không cởi mở về các vấn đề sức khỏe tâm thần, điều này càng làm cô thêm cô đơn khi trải qua PPD. Koh cho biết: “Các công ty có thể góp phần chống lại PPD bằng cách cho phép nhân viên tìm kiếm sự trợ giúp, cho phép giờ làm việc hoặc thời gian nghỉ linh hoạt để điều trị, cung cấp dịch vụ sàng lọc sức khỏe bao gồm sức khỏe tâm thần trong bảo hiểm của công ty. Ngoài việc trị liệu, việc có được sự hỗ trợ xã hội mạnh mẽ sẽ giúp ích rất nhiều cho phụ nữ mắc chứng trầm cảm”.

Bài hát lớn lên cùng con

Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.