Nokia bị... khai tử lần 2: Nỗ lực 8 năm hồi sinh đổ bể

Từng là “ông lớn” trong ngành công nghiệp di động, Nokia bị lu mờ hình ảnh vì sự xuất hiện của iOS và Android.

Nokia bị... khai tử lần 2: Nỗ lực 8 năm hồi sinh đổ bể- Ảnh 1.

HMD Global vừa công bố ngừng sản xuất toàn bộ smartphone mang thương hiệu Nokia sau 8 năm cố gắng hồi sinh thương hiệu này. Quyết định đánh dấu hồi kết quan trọng trong lịch sử ngành di động.

Nokia, từng được biết đến với độ bền vững và những công nghệ mang tính biểu tượng, đã chính thức rút lui khỏi mảng smartphone dưới sự quản lý của HMD. Ngay cả mẫu Nokia XR21 - dòng máy nổi bật với độ bền và độ tin cậy - cũng âm thầm bị ngừng sản xuất.

Từng là “ông lớn” trong ngành công nghiệp di động, Nokia đã chiếm lĩnh thị trường với những mẫu điện thoại phổ thông và nhiều thiết bị sáng tạo. Tuy nhiên, sự xuất hiện của iOS và Android vào cuối những năm 2000 đã khiến hình ảnh Nokia dần lu mờ.

Dù đã nỗ lực để cạnh tranh với các ông lớn như Apple, Samsung và Google, smartphone mang thương hiệu Nokia vẫn không thể lấy lại vị thế xưa. Các sản phẩm của hãng không đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao của người dùng và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Năm 2017, HMD Global mua lại quyền sản xuất và kinh doanh điện thoại Nokia. Những sản phẩm như Nokia 6 ra mắt sau đó đã thu hút sự chú ý nhờ thiết kế chắc chắn và trải nghiệm Android thuần.

Tuy nhiên, vào năm 2024, HMD bắt đầu công bố chiến lược đa thương hiệu và tập trung vào các thiết bị mang thương hiệu riêng. Quyết định ngừng hoàn toàn smartphone Nokia đã xác nhận sự chuyển hướng toàn diện của HMD sang các sản phẩm mang thương hiệu riêng.

Nokia là thương hiệu điện thoại nổi tiếng của Phần Lan có lịch sử 155 năm, bắt đầu từ một xưởng sản xuất giấy vào năm 1865. Vào năm 2007, thị phần mảng điện thoại di động của hãng chiếm đến 40% thế giới cho đến khi iPhone của Apple ra đời. Việc chậm đổi mới trước sự xuất hiện của các đối thủ đã khiến hãng phải trả giá.

Trước đó, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb từng gây chú ý trên giới truyền thông thế giới khi đổ lỗi cho Apple, rằng nhà Táo khuyết đã khiến hai ngành công nghiệp lớn của nước này sụp đổ, bao gồm điện thoại của Nokia và ngành sản xuất giấy.

“Chúng tôi gặp hai trục trặc lớn – hai ngành công nghiệp lớn đã sụp đổ”, ông Stubb nói. “Có thể hơi ngược đời, nhưng tôi cho rằng chính iPhone đã giết chết Nokia và iPad đã giết chế ngành công nghiệp giấy của Phần Lan. Nhưng chúng tôi sẽ phục hồi trở lại”.

Quả thật, iPhone của Apple – ra mắt 2007 – đã định nghĩa lại smartphone, sản phẩm mà trước đó nhiều năm vẫn do các công ty như Nokia, Palm, BlackBerry và nhiều hãng khác làm chủ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Apple không 'giết' Nokia. Công ty Phần Lan đã có nhiều năm để tái tạo lại mình song Nokia lại không làm vậy.

Xét một cách khách quan, Nokia vẫn có lợi thế lớn trước Apple trong nhiều năm – nhờ mối quan hệ phân phối với hàng trăm nhà mạng trên thế giới. Lỗi của Nokia là không bao giờ chăm chút cho phần mềm.

Giám đốc điều hành Nokia Pekka Lundmark trước đó nói với phóng viên hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Tình hình thị trường thực sự đầy thách thức và điều đó được chứng minh bằng thực tế là tại thị trường quan trọng nhất của chúng tôi - thị trường Bắc Mỹ, doanh thu thuần của Nokia đã giảm 40%”.

Nokia khi đó cho biết sẽ chuyển sang một trung tâm doanh nghiệp tinh gọn để tăng cường tập trung chiến lược, đồng thời đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Các đơn vị kinh doanh cũng sẽ được trao quyền tự chủ hơn.

Thời gian tới, Nokia có kế hoạch xem xét lộ trình tăng trưởng của các mảng kinh doanh khác nhau và xem xét các giải pháp thay thế. Theo các chuyên gia công nghệ, việc Nokia hướng tới tự động hóa nhà máy và trung tâm dữ liệu cũng sẽ chứng kiến họ cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn, chẳng hạn như Microsoft (MSFT.O) và Amazon (AMZN.O).

Theo: Reuters, tổng hợp