Nộp tiền để nhận lại tài sản kê biên, phong tỏa: Người dân có được bán không?

Đây là vấn đề được Đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự vừa được Viện KSND tối cao trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, sáng nay 30/10.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) bày tỏ nhất trí với đề xuất của Viện KSND tố cao. “Nó liên quan đến nhiều thứ, trong đó có lãng phí khi bao nhiêu dự án bị đình đốn, nhà cửa bị niêm phong không được chuyển dịch, rồi cổ phiếu, tiền, vàng... Nghị quyết của Đảng có rồi, chủ trương có rồi, chúng ta phải làm sao đạt được mục tiêu xét xử, xử lý đúng, không oan sai, không lọt tội; riêng vấn đề kinh tế, vấn đề xử lý tài sản phải đạt hiệu quả cao, tránh lãng phí” – ông nói.

Một điểm quan trọng nữa, theo đại biểu, là không làm đình đốn các quan hệ thương mại, dân sự, trong đó có rất nhiều quan hệ liên quan đến nước ngoài. Đặc biệt, không ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân…

Tuy vậy, qua nghiên cứu dự thảo nghị quyết, ông Trương Trọng Nghĩa chưa yên tâm quy định về tài sản bất động sản, tiền, vật chất, cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các lĩnh vực liên quan đến ngân hàng.

“Sợ rằng nếu chúng ta làm không chặt chẽ sẽ gây ra vi phạm. Ý thì tốt nhưng cuối cùng lại vi phạm pháp luật, vi phạm quyền lợi các bên có liên quan, cả bị hại, bị can, bị cáo cũng có thể bị ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp” – ông Nghĩa bày tỏ.

Đề cập nguyên tắc suy đoán vô tội, vị đại biểu đoàn TP.HCM cho biết nghị quyết đề xuất áp dụng từ giai đoạn xử lý tin báo tố giác nhưng nguyên tắc chung là khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án, người đó vẫn được đối xử như vô tội. Tự nhiên có một đơn gửi đến cơ quan điều tra tố giác mà đã xử lý tài sản có thể chưa thực sự phù hợp.

“Tin báo tố giác thì vô cùng, ghét nhau cũng tố giác, cạnh tranh nhau cũng tố giác, hiểu lầm cũng tố giác, có những vụ án oan sai do xử lý tố giác, nhiều năm sau phải xin lỗi, lúc đó tài sản đã tiêu tán hết. Vì vậy, nghị quyết cần phân định rõ các biện pháp xử lý tài sản phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội và phù hợp với quyền định đoạt tài sản ở các giai đoạn khác nhau của quá trình xử lý hình sự” – ông Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Nộp tiền để nhận lại tài sản kê biên, phong tỏa: Người dân có được bán không?- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang

Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng băn khoăn về quy định biện pháp cho phép nộp tiền đảm bảo để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa và số tiền đó không thấp hơn giá của vật chứng, tài sản theo kết luận giám định giá tài sản.

Thứ nhất, ông cho rằng giám định trong tư pháp là việc khó vì tại mỗi thời điểm có khi giá khác nhau, thậm chí có tài sản sau khi bản án có hiệu lực đem đấu giá lại có giá cao hơn thời điểm trước. Do đó, quy định thế này rất khó khả thi, giám định rất vướng.

Thứ hai, sau khi được bỏ kê biên, tạm giữ, phong tỏa, thu giữ, cá nhân hay tổ chức nhận lại có trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản trong quá trình quản lý, khai thác sử dụng.

“Cái nhà giá 10 tỷ, họ nộp vào 11 – 12 tỷ rồi thì khi họ nhận lại không được bán à? Hủy kê biên rồi thì họ hoàn toàn có giao dịch bình thường, vậy tài sản đó bán được không? Còn bảo nộp tiền xong lại phải giữ khư khư thì chả ai đặt tiền vì không phát huy được cái gì. Trong trường hợp cho bán, vật chứng mất rồi, sau này muốn quay trở lại xác định vật chứng thì thế nào?”, ông Giang đặt vấn đề.

Đại biểu Dương Văn Thăng – Phó Chánh án TAND tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương đề nghị thận trọng về quy định phạm vi dự thảo nghị quyết, nhất là giai đoạn tiền tố tụng vì chưa biết có khởi tố vụ án hay khởi tố bị can hay không. Việc xử lý vật chứng, tài sản của người chưa bị buộc tội có thể dẫn đến xâm phạm quyền tài sản theo quy định của Hiến pháp.

Nhấn mạnh nguyên tắc nghị quyết quy định nội dung mới chưa được pháp luật hiện hành quy định, ông Thăng cho rằng bên cạnh bảo đảm việc thực hiện các biện pháp xử lý được kịp thời, cần hạn chế tối đa việc phát sinh tranh chấp, tranh lợi dụng, lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc: Thứ nhất, bảo đảm không phát sinh tranh chấp với các vụ án khác, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, đối với vật chứng mang dấu vết của tội phạm, căn cứ xác định tội danh, trách nhiệm hình sự thì việc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải chứng minh vật chứng đó để tòa án xét xử giải quyết vụ án, tránh làm oan người không có tội, tránh bỏ lọt tội phạm.