
Marie's không phải dự án kinh doanh đầu tiên của Hồ Thị Sương Lan (Thừa Thiên - Huế). Trước khi bắt đầu hành trình với chiếc nón cỏ bàng, nữ CEO từng điều hành một công ty du lịch hơn 15 năm chuyên phục vụ khách nước ngoài. Khi đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch đóng băng, Sương Lan bắt đầu đi tìm một sản phẩm có thể duy trì dòng tiền và giữ chân nhân sự.
Từ một chuyến đi từ thiện sau lũ ở Huế, chị phát hiện ra vùng nguyên liệu cỏ bàng và làng nghề đan lát thủ công ở Phò Trạch, nơi có nghề nhưng thiếu đầu ra. Không có nền tảng thủ công, không xuất thân từ làng nghề, chị bước vào ngành bằng trực giác thị trường: nếu sản phẩm có gu, chất lượng tốt và giữ được yếu tố bản địa, vẫn có thể thương mại hóa thành công.
Chiếc nón mà G-Dragon đội khi ra sân bay ở Hà Nội vào cuối tháng 6 là một phần trong hành trình đó. Dù không chủ động nằm trong kế hoạch truyền thông nào, khoảnh khắc “ông hoàng K-Pop” đội chiếc nón lá đã khiến người ta bắt đầu tìm đến Marie’s.

Cái duyên nào đã đưa một chiếc nón cỏ bàng của Marie’s bất ngờ xuất hiện cùng G-Dragon và gây “bão” mạng xã hội, thưa chị?
Đó là một chuyện hoàn toàn bất ngờ, không có kịch bản hay sắp xếp gì trước cả. Người đặt chiếc nón là một khách hàng bình thường hoặc ít nhất thì lúc đó tôi tưởng vậy. Họ không tiết lộ là để tặng cho ai, chỉ đặt một mẫu trong bộ sưu tập “Rồng thời Lý”, chọn tông màu xanh than.
Tôi chỉ thực sự biết chuyện khi vừa đáp chuyến bay từ Sài Gòn về Huế. Điện thoại tôi đổ liên tục, bạn bè, cộng đồng mạng gửi hình ảnh, hỏi dồn dập: “Chị ơi, có phải nón của Marie’s không? Em thấy G-Dragon đang đội!”
Mặc dù chỉ nhìn thấy một góc nhỏ thôi, tôi biết ngay: đúng là nón của mình. Vì sao? Vì từng nét vẽ, từng màu nhũ, từng cách xử lý bố cục đều là đặc trưng của Marie’s.
Vậy lúc đó chị cảm thấy như thế nào?
Vừa xúc động, vừa run run kiểu không tin vào mắt mình. Không ai ngờ một món đồ thủ công ở Huế lại xuất hiện cùng với người được mệnh danh là “ông hoàng K-pop”.
Khoảnh khắc khiến tôi ấn tượng nhất là khi thấy G-Dragon đội chiếc nón với áo khoác vàng, bên trong là lớp lót đỏ, hai gam màu gợi nhớ đến quốc kỳ Việt Nam. Có cả một đoạn clip quay cảnh trợ lý ôm chiếc nón giúp bạn ấy tại sân bay. Điều đó cho thấy đây không chỉ là món phụ kiện mang theo mà thực sự là một món quà có ý nghĩa.
Sau đó, người đặt hàng chiếc nón “Rồng thời Lý” còn yêu cầu thêm biểu tượng của thương hiệu Peaceminusone - logo riêng của G-Dragon cùng một vài chi tiết cá nhân hóa khác. Lúc đó tôi mới hiểu, họ đã chọn Marie’s một cách có chủ đích.

Vậy chiếc nón thêu “Rồng thời Lý” đó có gì đặc biệt, và để làm ra thì trải qua những công đoạn nào?
Nói ngắn gọn, đó là một chiếc nón thủ công nhưng được thiết kế theo ngôn ngữ thời trang, đồng thời mang yếu tố văn hóa rất rõ nét.
Khung nón vẫn theo cấu trúc truyền thống 16 vành tre. Lớp ngoài được đan từ cỏ bàng Huế. Đây là chất liệu thân thiện với môi trường nhưng cực kỳ khó xử lý nếu muốn đạt độ tinh xảo. Tôi và đội ngũ phải xử lý rất kỹ từ khâu phơi, đập cỏ, ép bề mặt, rồi phối thêm lớp lót vải bên trong để giữ form, chống gãy.
Công đoạn cuối cùng là họa tiết. Mẫu rồng thời Lý được vẽ hoàn toàn bằng tay, dùng màu acrylic có pha ánh nhũ vàng để tạo độ nổi và chiều sâu. Tôi chọn mẫu rồng này vì nó có tính biểu tượng cao: vừa trang nghiêm, vừa thanh thoát. Và thú vị là nó lại trùng hợp với cái tên “Dragon” trong G-Dragon. Có lẽ cũng vì vậy mà người đặt hàng đã chọn mẫu này.
Chiếc nón ấy là một kiểu giao thoa giữa biểu tượng văn hóa và mỹ thuật đương đại, trên một chất liệu rất truyền thống.

Sau khi hình ảnh chiếc nón thêu “rồng thời Lý” được lan truyền, thương hiệu Marie’s thay đổi thế nào?
Ban đầu, truyền thông chỉ nhắc đến là “một chiếc nón lá” và không ai nhắc tên Marie’s. Nhưng chính khách hàng cũ của tôi đã lên tiếng. Họ comment, chia sẻ, khẳng định ngay: “Đây là nón của Marie’s, tôi từng mua rồi.” Tôi không cần nói gì, họ nói giúp tôi.
Tôi thấy điều đó quý hơn cả. Vì đó là lòng tin của khách hàng, những người thật sự trân trọng giá trị thủ công mà tôi cùng đội ngũ của mình làm ra. Tôi hạnh phúc khi chiếc nón của Marie’s xuất hiện cùng G-Dragon nhưng đây không phải là một cú bùng nổ “ăn may”. Tôi vẫn hay nói: Marie’s không làm truyền thông theo trend, mà chúng tôi tích lũy giá trị lâu dài.
Từ khoảnh khắc bùng nổ trên mạng xã hội, tôi tin hơn vào con đường mình đi: làm thủ công nghiêm túc, làm đẹp từ gốc, và giữ cái tâm trong từng sản phẩm. Chỉ cần như vậy, sản phẩm sẽ tự kể câu chuyện của nó.

Được biết, trước khi có Marie’s, chị từng là người làm du lịch. Điều gì khiến chị rẽ hướng hoàn toàn sang thủ công mỹ nghệ?
Đó là một bước ngoặt bất ngờ. Trước năm 2020, tôi điều hành một công ty du lịch chuyên tổ chức tour cho khách nước ngoài về Việt Nam. Công ty đó đã hoạt động hơn 15 năm rồi. Khi Covid-19 bùng lên, ngành du lịch gần như đóng băng hoàn toàn. Tôi không muốn đóng cửa công ty, vì còn nhân viên, còn trách nhiệm. Lúc đó tôi nghĩ đơn giản: phải kiếm được gì đó để duy trì dòng tiền, dù là nhỏ thôi.
Ban đầu tôi chỉ nghĩ: “Thôi thì bán gì đó online, cho có doanh thu, để công ty không chết hẳn.” Tôi không ngờ, cú rẽ tạm thời đó lại dẫn mình đi xa đến vậy.
Tình cờ trong một chuyến đi từ thiện sau lũ ở Huế, tôi ghé vào Phò Trạch (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), nơi trồng rất nhiều cỏ bàng và cũng là một vùng trũng hay bị ngập lụt. Tôi thấy bà con có đan túi, làm nón, làm đồ gia dụng… nhưng bán giá rẻ vô cùng chỉ từ 15.000 đồng, 30.000 đồng.
Tôi mua thử vài món về, thấy dễ thương, đăng lên Facebook hỏi bạn bè: “Mọi người thấy sao?” Phản hồi rất tích cực, nhiều người nhận ra đây là sản phẩm làng Phò Trạch, nhưng lại nói không biết mua ở đâu.
Tôi nghĩ: sản phẩm có nét rồi, người làm có tay nghề rồi, chỉ là thiếu một “cánh tay nối dài” để đưa ra thị trường. Thế là tôi bắt đầu đi đi về về giữa làng và thành phố, nói chuyện với bà con, xem thử mình có thể làm được gì hơn.

Việc khởi nghiệp của chị bắt đầu từ một chuyến đi từ thiện sau lũ, điều đó nghe khá đặc biệt. Chị có thể kể rõ hơn về quyết định đó không?
Thực ra khi tôi tặng bà con áo phao, mì gói, đèn pin trong đợt lũ, tôi cảm thấy, người dân không vui khi nhận đồ từ thiện mãi. Tôi cũng không muốn năm nào cũng phải kêu gọi quyên góp. Tôi tự hỏi: “Liệu có cách nào giúp họ có việc làm, có thu nhập để tự lo cho chính mình không?”
Từ câu hỏi đó, tôi quyết định không chỉ mua đi bán lại nữa, mà phải vào hẳn chuỗi sản xuất: từ chọn nguyên liệu, đặt thiết kế, tổ chức gia công, rồi kiểm tra chất lượng và xây dựng thương hiệu.
Tháng 10/2020, tôi bắt đầu làm thử. Đến đầu năm 2021, Marie’s chính thức thành lập showroom đầu tiên.
Giai đoạn khởi nghiệp ban đầu chắc hẳn rất khó khăn. Điều gì khiến chị không bỏ cuộc?
Khó lắm. Lúc đó tôi chưa có showroom, chưa có xưởng, cũng chẳng có vốn. Tôi dùng phòng khách, bếp, thậm chí cả phòng em trai để chất hàng. Mùa mưa tháng 10/2020 kéo dài, toàn bộ hàng bị mốc, bong tróc, mất màu. Tôi từng nghĩ: “Hay là quay về làm du lịch lại thôi.”
Nhưng rồi tôi nói chuyện với người dân và họ bảo: do bảo quản sai, chứ cỏ bàng nếu xử lý đúng thì bền lắm, có người dùng chiếu 5-7 năm vẫn còn nguyên. Từ đó tôi mới học cách xử lý nguyên liệu kỹ hơn: phơi đúng nắng, tránh ẩm, gói kín. Tôi hiểu ra là không phải sản phẩm lỗi, mà do mình làm chưa đúng.
Về vốn, tôi đi gọi nhưng gần như không ai tin. Người ta ưu tiên góp vốn cho startup công nghệ, cho kỳ lân. Còn thủ công thì quá xa vời. May mắn là tôi có hai người bạn, dù họ không giàu, nhưng hiểu và tin tôi. Mỗi người góp một phần nhỏ, đổi lại cổ phần, để tôi đủ vốn dựng cửa hàng đầu tiên.

Vậy trong suốt quá trình mở rộng sản xuất, điều gì là khó khăn lớn nhất?
Làm việc với người dân nông thôn cách xa 50km với cả họ ít dùng mạng xã hội, không quen quy trình chuyên nghiệp, đó là thử thách lớn. Tôi thì không thể mỗi ngày xuống làng, trong khi thời gian đầu công ty chỉ có hai người: tôi và một bạn nhân viên.
Tôi cũng lo chất lượng không đồng đều, mẫu mã trôi nổi, sản phẩm không ổn định sẽ làm mất niềm tin khách hàng. Nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi chọn cách chia công đoạn: người trồng cỏ, người đập cỏ, người đan, người làm nón, người vẽ, người đóng gói… Mỗi người làm đúng việc mình giỏi.
Tôi không bắt ai thay đổi quá nhanh, cũng không áp tiêu chuẩn công nghiệp lên làng nghề. Tôi chọn làm thủ công nhưng có kiểm soát, có hệ sinh thái mở, để người làm vừa giữ được nghề, vừa có thu nhập bền.
Vậy chị có nhớ ai là người đầu tiên mua sản phẩm của Marie’s không?
Thực ra khách hàng đầu tiên của Marie’s là chính tôi. Tôi mua để dùng thử vài tháng để kiểm tra độ bền, độ hỏng. Sau đó tôi bắt đầu bán cho bạn bè thân quen ở Huế.
Tôi nhớ sản phẩm đó là một chiếc ví giá 165.000 đồng. Người mua thực ra họ không dùng, mà mua để tặng bạn nước ngoài. Và thật may mắn, họ phản hồi tốt.
Thời điểm đó, tôi bán hàng không dám ghi giá công khai vì còn vụng, sản phẩm chưa tròn. Nhưng tôi cứ làm, cứ học từ chính trải nghiệm. Dần dần, khách mua thật sự yêu thích sản phẩm và Marie’s đi được đến hôm nay.

Sau 5 năm, Marie’s đã trở thành một thương hiệu thủ công có vị trí riêng. Nhưng cũng có nhiều người thắc mắc: Vì sao chị không công nghiệp hóa để sản xuất đại trà, tăng doanh số và lợi nhuận?
Tôi không chọn con đường công nghiệp hóa hoàn toàn vì tôi biết rất rõ mình đang đi đâu, và vì ai. Ngay từ khi khởi nghiệp, tôi đã xác định: Marie’s là thương hiệu thủ công truyền thống. Nghĩa là sản phẩm phải giữ được hơi thở của bàn tay, của con người. Tôi không phủ nhận công nghệ. Chúng tôi vẫn dùng máy cắt laser, vẫn cải tiến công cụ nhưng ít nhất 80-90% quy trình vẫn là thủ công.
Tôi từng nhận được email từ một đối tác Nhật. Câu hỏi đầu tiên họ gửi không phải là giá hay mẫu mã, mà là: “Bao nhiêu phần trăm sản phẩm của bạn được làm bằng máy?” . Chỉ một câu hỏi đó khiến tôi hiểu: với thế giới, thủ công thực sự là một thứ giá trị cao cấp.
Tôi không cần đi quá nhanh mà tôi hướng tới sự bền vững. Tôi tin nếu mình làm sản phẩm tử tế, hiểu khách hàng thật sự muốn gì thì sẽ tạo ra giá trị đủ để tồn tại, và đủ để sống khỏe.
Tôi không đặt nặng việc sản phẩm rẻ hay đắt. Tôi tin mỗi sản phẩm của mình đều có thể định giá xứng đáng, nếu khách hàng thấy được chất lượng, công sức và câu chuyện đằng sau. Và tôi may mắn là đã có được những người khách như vậy.

Vậy việc giữ thủ công có làm khó người lao động không, nhất là người lớn tuổi?
Ngược lại. Tôi không muốn bắt người dân thay đổi quá nhanh, càng không muốn họ trở thành “một phần” trong một dây chuyền chỉ có toàn máy móc. Ở Marie’s, tôi chia công đoạn rõ ràng. Ai mạnh khâu nào thì làm khâu đó, không ai phải làm việc trái sở trường.
Nhiều người già vẫn đang làm cùng tôi. Họ không dùng mạng xã hội, không biết công nghệ, nhưng tay họ đan rất chắc, đập cỏ rất đều, xử lý nguyên liệu cực kỳ tinh tế. Tôi không bắt họ học máy. Tôi giữ nguyên giá trị họ đang có và trả công xứng đáng.
Còn những bạn trẻ làm việc ở showroom, ở khâu vẽ hay thiết kế, thì được làm đúng niềm đam mê của mình. Ở Marie’s, các bạn có thể vừa làm vừa cười, vừa vẽ vừa nói chuyện. Vẽ sai thì sửa lại, không phải làm như cái máy. Tôi tin: làm việc trong niềm vui thì sản phẩm sẽ có linh hồn.
Sau “cú hit” truyền thông bất ngờ với G-Dragon, giấc mơ tiếp theo của chị với Marie’s là gì?
Ngày xưa, tôi từng mơ: “Ước gì có một triệu người đội nón Marie’s.” Bây giờ, tôi nghĩ: một triệu là con số biểu tượng thôi. Giấc mơ thật sự của tôi là: thế giới biết đến Việt Nam qua những giá trị văn hóa có chiều sâu chứ không chỉ qua chiến tranh.
Khi tôi đi nước ngoài, nhiều người vẫn nhắc đến Việt Nam như một đất nước chiến thắng trong chiến tranh. Điều đó không sai, nhưng tôi mong họ sẽ biết thêm: chúng ta còn là đất nước của nghề thủ công tinh xảo, của mỹ thuật bản địa, của những đôi tay tài hoa.

Vậy chị nghĩ yếu tố nào khiến sản phẩm thủ công Việt chưa thể bước ra thế giới mạnh mẽ hơn?
Là vì người làm thủ công thường không có điều kiện để quan sát thế giới, còn người quan sát thế giới thì lại không làm thủ công. Tôi có cơ hội đi nhiều nơi, làm du lịch lâu năm, nên hiểu thị trường quốc tế muốn gì, họ trân trọng điều gì. Vì vậy tôi cố gắng làm “cầu nối” để người dân địa phương không phải thay đổi quá nhiều, mà vẫn có thể đưa sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng hiện đại.
Tôi nghĩ, chúng ta không cần cố giống ai cả. Cái bản địa chính là thứ tạo ra sự khác biệt. Và sự khác biệt là điều khiến người ta nhớ lâu. Nên Marie’s không cần trở thành lớn nhất, nhanh nhất mà chỉ cần đủ đặc biệt để được trân trọng.
Một câu hỏi cuối cùng, nếu có thể gói gọn ước mơ của Marie’s trong một hình ảnh, chị sẽ chọn điều gì?
Tôi mong một ngày, khi người ta nhắc đến “nón Việt Nam” họ sẽ không chỉ nghĩ đến hình ảnh truyền thống, mà nghĩ đến một sản phẩm sống động, ứng dụng được, mang yếu tố văn hóa, và... có thể nằm trong vali của bất kỳ ai ra sân bay.
Và tôi hy vọng đâu đó trên chuyến bay ấy Marie’s sẽ có mặt.
Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị!