Câu chuyện thiếu nữ 15 tuổi, đến từ tỉnh Quảng Đông, qua đời do nhịn ăn liên tục để giảm cân đã khiến công chúng bàng hoàng.
Xiaoling qua đời sau 20 ngày điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt, Sohu đưa tin.
Câu chuyện của Xiaoling đã được tái hiện trong một bộ phim tài liệu, thu hút sự chú ý lớn từ dân mạng, tạo nên cuộc thảo luận mạnh mẽ về quan điểm phổ biến "gầy là đẹp" và nạn bắt nạt học đường liên quan đến xu hướng này.
Giảm cân đến chết
Theo lời kể của gia đình, nguồn cơn của việc Xiaoling giảm cân bất chấp là vì nam sinh mà cô thích thầm đã yêu một bạn nữ gầy hơn cô.
Gia đình phát hiện Xiaoling, khi đó nặng 47 kg, bắt đầu sụt cân từ tháng 8/2021. Đỉnh điểm, suốt 50 ngày kể từ mùng 3 Tết năm nay, cô đã không ăn mà chỉ uống nước lọc.
Người mẹ kể Xiaoling nặng nhất vào năm lớp 6, khoảng 52 kg. Sau khi lên cấp 2, cô bé bắt đầu yêu cầu gia đình không cho dầu vào đồ ăn của mình.
Cân nặng của cô giảm xuống đột ngột, Xiaoling nói với mẹ: "Con muốn sống, nhưng con không thể ăn nổi". Trong một năm rưỡi, cô thường xuyên tuyệt thực, cuối cùng chỉ uống nước mà không ăn gì.
Khi nhập viện, Xiaoling nặng chưa tới 25 kg, nhẹ như một chiếc chăn bông và có thể gãy xương bất kỳ lúc nào. Bác sĩ đã phải bế cô rất cẩn thận để không làm tổn thương thêm cơ thể gầy yếu.
Khi nhập viện, Xiaoling chỉ còn da bọc xương. |
Khi cô gái mới giảm cân, gia đình chỉ coi đó là chuyện nhỏ, nghĩ rằng con gái thích làm đẹp. Trước khi nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, cô đã mắc 14 bệnh khác nhau do biếng ăn.
Xiaoling không phải cô gái trẻ duy nhất bị ám ảnh cân nặng. Những năm gần đây, hiện tượng nhịn ăn để giảm cân và nỗi ám ảnh cân nặng đã len lỏi sâu vào môi trường học đường tại đất nước tỷ dân, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
Theo khảo sát năm 2022 về tình trạng giảm cân của Trung Quốc, 59,3% người giảm béo áp dụng chế độ ăn kiêng để giảm cân, cũng là lựa chọn phổ biến nhất của những người muốn cải thiện cân nặng.
Chen Jue, Giám đốc Khoa Tâm lý Lâm sàng của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải và Trưởng Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị Rối loạn Ăn uống, nói với China News Weekly rằng nhiều bệnh nhân biếng ăn bắt đầu ăn kiêng và giảm cân.
Hơn 90% bệnh nhân chán ăn lâm sàng có liên quan đến ăn kiêng và giảm cân, đặc biệt là các hành vi ăn kiêng quá mức, có thể phát triển thành chứng chán ăn.
Một bệnh nhân nữ từng nói với Chen Jue rằng khi mới bắt đầu ăn kiêng, cô ấy thực sự muốn trông mình đẹp hơn. Khi ăn ít hơn hoặc sau khi tập thể dục, cô sẽ cảm thấy như đạt được thành tựu lúc nhìn thấy cân nặng của mình giảm xuống.
Ban đầu cô gái chỉ muốn giảm từ 50 kg xuống 45 kg, nhưng khi đạt được mục tiêu đó vẫn không muốn dừng lại. Nếu giảm cân tiếp, cô sẽ cảm thấy hạnh phúc, ngược lại, cô sẽ lo lắng.
Chen Jue nói rằng những người mắc chứng biếng ăn cuối cùng chỉ theo đuổi mục tiêu giảm cân, bị thúc đẩy bởi cảm giác thành tựu hoặc giá trị, họ giảm cân cho đến khi quá gầy.
"Thế giới thân thiện hơn với người gầy"
Chen Jue cũng chỉ ra rằng xu hướng thẩm mỹ "gầy là đẹp" đang ảnh hưởng sâu sắc đến giới trẻ. Trên mạng xã hội, các chủ đề và thuật ngữ liên quan đến giảm cân như "eo A4", "vai góc vuông", "chân nhỏ" được chia sẻ mạnh khiến giới trẻ cảm thấy ghen tị và háo hức bắt chước.
Đồng thời, dưới ảnh hưởng của quan niệm xuyên tạc “thế giới thân thiện hơn với người gầy” của một số blogger trên mạng xã hội, nhiều học sinh bị phân biệt đối xử và bắt nạt ngay trong môi trường học đường.
Chen nhắc nhở mọi người không nên coi việc nhịn ăn, ăn kiêng là chuyện vặt, bởi nhịn ăn thời gian dài thậm chí dẫn đến chứng cuồng ăn vô độ.
Theo một số liệu, 11,4% thanh thiếu niên ăn kiêng để giảm cân sẽ có hành vi ăn uống vô độ trong vòng 5 năm và 3,1% sẽ phát triển chứng rối loạn ăn uống; 11,6% phụ nữ trưởng thành ăn kiêng để giảm cân sẽ có hành vi ăn uống vô độ trong vòng 5 năm; tương tự, 5,5% nam giới sẽ ăn vô độ trong vòng 5 năm.
Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc, đặc biệt là học sinh rơi vào nỗi ám ảnh phải gầy. |
Hành vi ăn vô độ là ăn một lượng lớn đồ ăn trong một khoảng thời gian giới hạn, chẳng hạn gấp 2-3 lần lượng thông thường, kèm theo cảm giác mất kiểm soát. Do tình trạng đói về thể chất do ăn kiêng, có thể xuất hiện chứng nghiện carb và đường.
Sau khi ăn uống vô độ, một số người cố gắng gây nôn để bù đắp tâm lý.
China News Weekly từng đưa tin về một cô gái nhét ống nhựa dẻo dài 50 cm vào bụng để gây nôn nhằm giảm cân.
Cô gái tên Xiaomin (26 tuổi) cho biết mình bị phân biệt đối xử vì cơ thể có vấn đề từ khi còn nhỏ. Ăn quá nhiều và tự gây nôn trong thời gian dài khiến cô bị mất cân bằng điện giải, tay tê, mặt phù nề và ngất xỉu.
Theo Chen Jue, nhóm rối loạn ăn uống chủ yếu là thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ, nhóm biếng ăn chủ yếu ở độ tuổi 13-20, nhóm cuồng ăn là từ 12-35 tuổi. Độ tuổi trung bình bắt đầu chán ăn là 16 tuổi, chứng cuồng ăn là 18 tuổi và chứng rối loạn ăn uống vô độ là 23 tuổi.
Tuy nhiên, những năm gần đây, đối tượng bệnh nhân dần có xu hướng trẻ hóa.
Trong số bệnh nhân lâm sàng nhập viện nơi Chen Jue làm việc, phần lớn bệnh nhân trên 13 tuổi, nhưng trong hai năm qua, người ta thấy rằng số bệnh nhân dưới 13 tuổi đã tăng lên đáng kể.
Khảo sát của China News Weekly cho thấy hiện tượng ăn kiêng để giảm cân và lo lắng về cơ thể đã xâm nhập vào nhóm học sinh tiểu học và trung học.
Xiaoyue, một nữ sinh trung học cơ sở năm thứ hai, bị các bạn cùng lớp chế giễu vì thân hình có vấn đề, cô đã ăn kiêng để giảm cân và rơi vào tình trạng nôn mửa, được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống và phải nghỉ học ở nhà.
Do thói quen ăn uống vô độ sau khi nhịn ăn quá mức, Xiaoyue từng tự gây nôn 5 lần/ngày dẫn đến tổn thương thực quản, rụng tóc và rối loạn kinh nguyệt.
Xiaoyue nói rằng xu hướng ăn kiêng giảm cân đang rất phổ biến ở các trường tiểu học và cấp 2. Nhiều nữ sinh sẽ chọn cách không ăn tối, cân nhiều lần trong ngày, bắt chước trào lưu mạng xã hội phổ biến như "đặt đồng xu lên xương quai xanh" hay "trái tay chạm vào rốn"...
Vào ngày 24/5, trang Weibo chính thức của China News Weekly đã thực hiện một cuộc thăm dò: "Điều gì làm trầm trọng thêm nỗi lo về cơ thể?".
Trong số 56.000 cư dân mạng tham gia, 50% cho rằng ám ảnh về "trắng, gầy là đẹp" làm trầm trọng thêm nỗi lo về cơ thể; 22 % cư dân mạng tin rằng sự lo lắng về cơ thể bị ảnh hưởng bởi quan niệm bất thường rằng "thế giới thân thiện hơn với những người gầy".
Một số cư dân mạng chỉ ra rằng kích cỡ quần áo ngày càng nhỏ hơn, các nền tảng xã hội tràn ngập các phương pháp giảm cân khác nhau các phương pháp, và những người xung quanh không ngừng thảo luận về chủ đề giảm cân đã làm trầm trọng thêm sự lo lắng cơ thể.
Sách chữa lành tại Việt Nam
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.