Vụ tự sát của nam diễn viên Lee Sun-kyun, tài tử nổi tiếng qua vai diễn trong bộ phim đoạt giải Oscar Ký sinh trùng, đã làm rúng động dư luận thế giới.
Lee (48 tuổi) được an táng hôm 29/12. Nam diễn viên qua đời để lại vợ, nữ diễn viên Jeon Hye-jin, và hai đứa con.
Anh được phát hiện tử vong trong ôtô tại công viên ở Seoul hôm 27/12, sau nhiều tuần bị cảnh sát điều tra gắt gao về cáo buộc sử dụng ma túy.
Theo South China Morning Post, cái chết của anh cũng gây nên làn sóng tranh luận về xâm phạm quyền riêng tư của những cá nhân đang bị cảnh sát điều tra tại Han Quốc, đặc biệt là người nổi tiếng.
Không được tôn trọng quyền riêng tư
Cảnh sát thành phố Seoul đã triệu tập anh 3 lần, vào ngày 28/10, 4/11 và 23/12. Mỗi lần có mặt để điều tra, Lee phải tiếp xúc với rất nhiều đoàn phóng viên báo chí và truyền hình, bất chấp anh yêu cầu quyền riêng tư.
Mỗi lần như vậy, anh cũng trải qua nỗi xấu hổ khi phải thực hiện một cuộc "photo op" - thủ tục trong đó bị cáo được yêu cầu đứng trước ống kính truyền thông và trả lời các câu hỏi trong khoảng một phút.
Lee Sun-kyun bị bủa vây bởi báo chí, truyền thông khi trình diện điều tra. Ảnh: Newsen. |
Theo quy định của cảnh sát Hàn Quốc thì về nguyên tắc, họ không được phép để cho giới truyền thông quay phim nghi phạm trình diện thẩm vấn. Nếu việc quay phim là không thể tránh khỏi, họ cần có các biện pháp để đảm bảo khuôn mặt và tên của nghi phạm được giấu kín.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng quy định này thường bị phớt lờ do các nhà báo quá khích, còn các nhà chức trách quá nhiệt tình - những người hy vọng gây ấn tượng với công chúng và cấp trên bằng các cuộc điều tra về nghi phạm cấp cao.
"Quyền riêng tư của người nổi tiếng ít được tôn trọng hơn cả quyền riêng tư của những kẻ giết người, hiếp dâm hoặc trộm cướp - những kẻ được che mặt bằng khẩu trang và mũ một cách tử tế khi xuất hiện trước máy quay trong khi trình diện để chính quyền thẩm vấn", Chung Suk-koo, một nhà nghiên cứu và là cựu biên tập viên cao cấp của tờ báo độc lập Hankyoreh, nói với This Week in Asia.
Cái chết của Lee xảy ra khi chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol đang trấn áp nạn buôn bán và lạm dụng ma túy trong cuộc chiến “tổng lực”.
Theo thống kê của chính phủ, trong 10 tháng đầu năm nay, số lượng người buôn bán và người sử dụng ma túy đã tăng 48%, lên mức cao nhất mọi thời đại là 22.400 trường hợp.
"Những người làm trong ngành giải trí là con mồi dễ dàng cho chính quyền - những người chịu áp lực phải đưa ra báo cáo khi chính phủ mong muốn công bố kết quả nhanh chóng trước công chúng trong cuộc chiến chống ma túy này", Chung nói.
Ai chịu trách nhiệm?
Trước phiên thẩm vấn thứ 3 và cũng là lần cuối cùng vào ngày 23/12, các luật sư của Lee đã yêu cầu cảnh sát cho anh vào tòa nhà văn phòng thông qua một bãi đậu xe ngầm để tránh các camera truyền hình đang chờ bên ngoài.
Nhưng cảnh sát được cho là đã từ chối với lý do rủi ro về an toàn. Cảnh sát lập luận rằng sự thay đổi đột ngột trong đường di chuyển của Lee sẽ gây ra một vụ giẫm đạp giữa đám đông các đoàn truyền hình, nhiếp ảnh gia, nhà báo khi họ đổ xô tới để chặn anh.
Người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Yoon Hee-Keun hôm 28/12 thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường các quy định để bảo vệ tốt hơn quyền riêng tư của nghi phạm.
Tuy nhiên, ông đổ lỗi cho giới truyền thông vì Lee liên tục bị công chúng tiếp xúc trong khi thực hiện lệnh triệu tập điều tra.
Cái chết của nam tài tử Ký sinh trùng làm dấy lên cuộc tranh luận về bảo vệ quyền riêng tư của người nổi tiếng tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trả lời về lý do cảnh sát từ chối để Lee được phép tránh máy quay vào lần triệu tập cuối cùng, Yoon nói: "Nếu làm vậy thì các bạn (các nhà báo) sẽ không nổi giận với chúng tôi chứ?".
"Cá nhân tôi yêu mến anh ấy. Tôi cũng sốc khi nghe tin anh ấy qua đời và thấy đáng tiếc", Yoon nói thêm.
Trong các cuộc điều tra, Lee khai rằng anh bị một nữ phục vụ ở quán bar lừa sử dụng ma túy, sau đó đe dọa tống tiền, ép anh đưa 300 triệu won (232.000 USD) vào tháng 9.
Nhưng các xét nghiệm ma túy của Lee, bao gồm cả mẫu tóc và nước tiểu, đều cho kết quả âm tính, làm dấy lên những lời chỉ trích rằng cảnh sát lẽ ra nên coi anh như một nạn nhân bị tống tiền hơn là một người sử dụng ma túy.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có quy định chống ma túy nghiêm ngặt nhất trên thế giới: công dân nước này bị cấm sử dụng các chất bao gồm cần sa, ngay cả khi họ ở nước ngoài, kể cả những nơi cho phép sử dụng những loại ma túy đó.
Xã hội Hàn cũng có sự kỳ thị nặng nề đối với những cá nhân mắc chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Với những người nổi tiếng như Lee, bất kỳ mối liên hệ nào với việc lạm dụng ma túy đều có thể khiến họ tan tành sự nghiệp.
Cáo buộc sử dụng ma túy của Lee khiến anh bị hủy hết mọi hợp đồng quảng cáo và đóng phim. Điều này đồng nghĩa với việc anh có nguy cơ phải đối mặt với các vụ kiện bồi thường thiệt hại lên tới hàng triệu USD.
Lee tự tử một ngày sau khi YouTuber nổi tiếng tung đoạn ghi âm trò chuyện giữa anh và kẻ tống tiền.
Cựu tổng thống Moon Jae-in gửi lời chia buồn tới gia đình Lee: "Tôi chân thành hy vọng rằng sự việc đáng buồn và đáng tiếc này sẽ là cơ hội suy ngẫm, thay đổi các phương pháp điều tra và đưa tin lạc hậu để sự việc đáng buồn và đáng tiếc như vậy sẽ không bao giờ xảy ra nữa".
Moon cũng kêu gọi chấm dứt hành động làm rò rỉ thông tin điều tra của nghi phạm cho cánh báo chí, cũng như ngừng yêu cầu bị cáo phải trải qua những yêu cầu điều tra khiến họ phải tự tử vì bị sỉ nhục.
Tuổi trẻ vô định và dễ sa ngã
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.