'Ông lớn' đến từ cường quốc châu Á đưa ra đề nghị quan trọng với Việt Nam ở dự án 67,3 tỷ USD

Tổng công ty Đường sắt của cường quốc châu Á mong muốn hợp tác với Việt Nam.

KORAIL mong muốn hợp tác với Việt Nam phát triển đường sắt tốc độ cao

Chiều 5/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã tiếp và làm việc với ông Kim Won Eung, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh hải ngoại - Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc (KORAIL) về khả năng hợp tác lĩnh vực đường sắt.

Tại buổi gặp, ông Kim Won Eung cũng chia sẻ, KORAIL là tổng công ty 100% vốn nhà nước, chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì, khai thác mạng đường sắt quốc gia Hàn Quốc có chiều dài 4.131km, gồm 3.534,9km đường sắt thường và 596,3km đường sắt tốc độ cao.

Ông Kim Won Eung bày tỏ, được biết Quốc hội Việt Nam vừa thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao, KORAIL mong muốn được giới thiệu về công nghệ đường sắt tốc độ cao với Việt Nam.

'Ông lớn' đến từ cường quốc châu Á đưa ra đề nghị quan trọng với Việt Nam ở dự án 67,3 tỷ USD- Ảnh 1.

Ông Kim Won Eung (ngoài cùng bên trái) bày tỏ mong muốn được giới thiệu về công nghệ đường sắt tốc độ cao với Việt Nam. Ảnh: Bộ GTVT

“Xu hướng hiện nay của thế giới và cũng là kinh nghiệm thực tế của Hàn Quốc là: Các đơn vị vận hành đường sắt tốc độ cao sẽ tham gia ngay từ khi thiết kế dự án, như vậy sẽ giúp tiết kiệm và tăng hiệu quả khi vận hành hệ thống. Đường sắt tốc độ cao của Hàn Quốc hiện rất phát triển và Hàn Quốc là một trong 4 quốc gia trên thế giới tự chủ về công nghệ đường sắt tốc độ cao”, ông Kim Won Eung nói, bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển đường sắt tốc độ cao.

Ông Kim Won Eung cũng cho biết, KORAIL và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có quan hệ hợp tác khá chặt chẽ và đang thúc đẩy việc ký Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa hai bên. Trong việc hợp tác, việc chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo nguồn nhân lực là những vấn đề quan trọng nhất. 

Phía Hàn Quốc từ chỗ nhận chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao từ Pháp, hiện đã tự chủ và sẵn sàng chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho các nước khác.

Chào mừng ông Kim Won Eung và đoàn KORAIL, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đánh giá cao hệ thống đường sắt tốc độ cao KTX do KORAIL quản lý, vận hành. Hệ thống đường sắt này đã góp phần kết nối nền kinh tế Hàn Quốc, kết nối các địa phương của Hàn Quốc gần với nhau hơn.

Thứ trưởng chia sẻ, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư với tỷ lệ tán thành rất cao. Dự án có quy mô đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tổng mức đầu tư khoảng 67,3 tỷ USD. Dự kiến khởi công năm 2027, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2035.

'Ông lớn' đến từ cường quốc châu Á đưa ra đề nghị quan trọng với Việt Nam ở dự án 67,3 tỷ USD- Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy (thứ hai từ phải sang) đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên cơ sở quan hệ hợp tác đã có từ nhiều năm nay. Ảnh: Bộ GTVT

“Thời gian tới Bộ GTVT sẽ tập trung triển khai nghiên cứu khả thi dự án. Đây là dự án rất lớn và quan trọng, Việt Nam chưa có kinh nghiệm triển khai nên rất cần phát triển nguồn nhân lực và tiếp tục học hỏi kinh nghiệm phát triển của các nước, trong đó có Hàn Quốc”, Thứ trưởng nói và nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp các nước tham gia dự án. Tuy nhiên, Bộ GTVT Việt Nam đề cao việc chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đề nghị KORAIL tiếp tục hỗ trợ Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt VN trong việc phát triển nguồn nhân lực về đường sắt tốc độ cao, đường sắt thường và đường sắt đô thị, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ để quản lý, vận hành đường sắt tốc độ cao.

“Được biết KORAIL và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là đối tác chặt chẽ từ nhiều năm nay. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn công tác cũng như triển khai hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, gần đây nhất là Dự án “Nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt tại Việt Nam” bằng nguồn tài trợ 13,5 tỷ Won của Chính phủ Hàn Quốc.

Thông qua dự án này, Tổng công ty Đường sắt VN đã được cung cấp các thiết bị kiểm tra đường, đào tạo 300 học viên tại Việt Nam và cử 83 học viên tham dự các khóa đào tạo về quản lý, vận hành đường sắt tiên tiến tại Hàn Quốc trong giai đoạn từ tháng 3/2023 đến tháng 11/2024. Tôi đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên cơ sở quan hệ hợp tác đã có từ nhiều năm nay”, Thứ trưởng đề nghị.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất sẽ tích cực trao đổi, hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực đường sắt tương xứng với mối quan hệ hợp tác sâu rộng của hai nước hiện nay.

Hàn Quốc cũng là cường quốc đường sắt tốc độ cao ở châu Á

Là một trong những quốc gia sở hữu mạng đường sắt hiện đại hàng đầu tại khu vực Châu Á, Hàn Quốc hiện có 4.129 km đường sắt, trong đó có 2.606 km đường đôi và 2.963 km đường điện khí hóa. Chính phủ nước này đã thông qua Kế hoạch đường sắt 10 năm trị giá 100 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2031.

Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia đi đầu tại châu Á về phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao. Hàn Quốc là một điển hình trong việc nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và nội địa hóa ngành công nghiệp phục vụ hệ thống đường sắt tốc độ cao.

'Ông lớn' đến từ cường quốc châu Á đưa ra đề nghị quan trọng với Việt Nam ở dự án 67,3 tỷ USD- Ảnh 3.

Bên trong chuyến tàu tốc độ cao KTX với tiện nghi hiện đại. Ảnh: Korean Train

Chính phủ Hàn Quốc hiện đang vận hành hệ thống đường sắt tốc độ cao - Korea Train Express (KTX) - thu về lợi nhuận rất cao dù giá vé rẻ.

Hàn Quốc bắt đầu sử dụng và tiếp thu công nghệ đường sắt cao tốc của Pháp từ năm 2004. Sau 12 năm, Hàn Quốc đã làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao, tự vận hành hệ thống đường sắt tốc độ cao - Korea Train Express (KTX), kết nối Thủ đô Seoul với các thành phố phía Nam như Busan và Gwangju.

Tàu chạy tốc độ lên tới 300km/h, phục vụ 176 nghìn hành khách/ngày và thu về lợi nhuận 700 tỷ won (580 triệu USD) trên doanh số 2 nghìn tỷ won vào năm 2015. Tàu cao tốc từ Seoul tới Busan mất khoảng 2h34 cho quãng đường 325km, với giá 59,8 nghìn won (tương đương 1,1 triệu VND).

'Ông lớn' đến từ cường quốc châu Á đưa ra đề nghị quan trọng với Việt Nam ở dự án 67,3 tỷ USD- Ảnh 4.

Tàu tốc độ cao KTX. Ảnh: Korean Train

Hiện nay, nước này đang đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc “cây nhà lá vườn”. Hàn Quốc cho rằng dù chưa thành tựu lớn trên thị trường nước ngoài nhưng sẽ đưa ra những điều khoản hấp dẫn như chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ đường sắt.

Quốc gia này hiện cũng đang triển khai dự án tàu điện ngầm cao tốc Great Train eXpress (GTX) trị giá 99,5 tỷ USD, cung cấp 6 tuyến tàu nối Seoul với các khu vực ngoại ô. GTX là một trong những hệ thống tàu điện ngầm nhanh nhất thế giới, tốc độ 180 km/h.