Cựu Tổng thống Barack Obama viết trong bài đăng trên mạng xã hội X :
"Harvard đã nêu gương cho các tổ chức giáo dục đại học khác – từ chối nỗ lực phi pháp và vụng về nhằm kìm hãm quyền tự do học thuật, đồng thời thực hiện các bước cụ thể để đảm bảo tất cả sinh viên tại Harvard đều có thể hưởng lợi từ môi trường nghiên cứu trí tuệ, tranh luận nghiêm túc và tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta hãy hy vọng các tổ chức khác cũng làm theo".
Ông Obama gọi hành động này là "phi pháp và vụng về", đồng thời ca ngợi Harvard vì từ chối tuân thủ những yêu cầu mà ông cho là can thiệp quá mức vào quyền tự trị học thuật.

Chính quyền ông Trump cho biết họ sẽ đóng băng hơn 2 tỷ USD tiền quỹ liên bang dành cho Đại học Harvard. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump đóng băng hơn 2,3 tỷ USD viện trợ liên bang cho Harvard, bao gồm 2,2 tỷ USD tài trợ và 60 triệu USD hợp đồng.
Lý do được đưa ra là Harvard từ chối tuân thủ một loạt yêu cầu từ Nhà Trắng, gồm: Dỡ bỏ các chương trình về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI); Cấm các nhóm sinh viên ủng hộ Palestine; Thay đổi chính sách tuyển sinh và tuyển dụng theo hướng "dựa trên thành tích"; Hợp tác chặt chẽ hơn với cơ quan di trú; Áp đặt các hạn chế đối với hoạt động biểu tình của sinh viên.
Hiệu trưởng trường Harvard, ông Alan Garber, đã bác bỏ những yêu cầu này, cho rằng chúng vi phạm quyền tự do học thuật và quyền tự trị của nhà trường. Ông nhấn mạnh rằng chỉ cộng đồng Harvard mới có quyền xác định các giá trị và hoạt động của mình.
Quyết định đóng băng viện trợ gây ra làn sóng phản đối rộng rãi, bao gồm sự ủng hộ công khai từ cựu Tổng thống Obama, các cựu sinh viên, các cuộc biểu tình tại địa phương và một vụ kiện từ Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ.
Vụ kiện cho rằng chính quyền đã bỏ qua các thủ tục pháp lý cần thiết theo Điều VI của Đạo luật Dân quyền.
Động thái này được xem là một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn của chính quyền Trump nhằm gây áp lực lên các trường đại học danh tiếng để tuân thủ các chính sách của họ, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine diễn ra trên các khuôn viên trường học.
Đại học Harvard, với quỹ tài trợ hơn 53 tỷ USD, là trường đại học Ivy League thứ hai, sau Princeton, từ chối các điều kiện liên bang như vậy.