Ngày 26/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo. Các bị cáo được dẫn giải đến tòa, song ông Quyết lại không xuất hiện.
Tại phần thủ tục, theo báo cáo của thư ký, nhiều bị cáo vắng mặt, trong đó ông Quyết có đơn xin hoãn. 5 luật sư của ông tại phiên phúc thẩm cũng có đơn xin hoãn xét xử.
Báo cáo về sự vắng mặt của ông Trịnh Văn Quyết theo yêu cầu của chủ tọa, cảnh sát tư pháp cho hay trại tạm giam và Bệnh viện 198 xác nhận cựu chủ tịch FLC đang điều trị nội trú do ho ra máu, viêm gan thận, dạ dày..., chưa đủ điều kiện ra viện.
Trong đơn xin tòa phúc thẩm hoãn xét xử, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho hay trong 6 tháng qua vợ ông đã nộp khắc phục thêm 353 tỷ đồng. Ông nói do sức khỏe "rất xấu" và các luật sư của ông đều có đơn xin hoãn do vướng lịch công tác hoặc trùng xét xử vụ án khác. Lý do cuối cùng, ông Quyết xin có thêm thời gian để tiếp tục khắc phục tối đa hậu quả của vụ án.
Sau phiên tòa sơ thẩm, vợ ông Quyết đã nộp khắc phục hai lần, tổng cộng 353 tỷ đồng. Điều này được HĐXX ghi nhận, thông báo tại phiên phúc thẩm.
Hồi tháng 8/2024, TAND TP Hà Nội (cấp sơ thẩm) tuyên ông Quyết 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù do “Thao túng thị trường chứng khoán”. Tổng 21 năm tù, ông là người lĩnh hình phạt cao nhất trong 50 bị cáo của vụ án.
Cùng hai tội danh, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) lĩnh 14 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) 8 năm tù; Hương Trần Kiều Dung (Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC) lĩnh 8 năm 6 tháng tù...
Khi tuyên án, cấp sơ thẩm đánh giá ông Trịnh Văn Quyết giữ vai trò chủ mưu tổ chức thực hiện hành vi phạm tội.
Theo đó, cựu Chủ tịch FLC chỉ đạo mua công ty Faros; nâng khống vốn; niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán bán thu lời bất chính. Ông Quyết cũng chỉ đạo thuộc cấp mượn Chứng minh nhân dân để mở tài khoản chứng khoán; chỉ đạo đặt lệnh mua bán tạo cung cầu giả, thổi giá lên cao chiếm đoạt tiền nhà đầu tư.
Các bị cáo Trịnh Thị Minh Huế; Trịnh Thị Thúy Nga; Hương Trần Kiều Dung , giữ vài trò giúp sức. Trong đó, Huế là người thực hành phạm tội tích cực nhất, giúp anh trai hưởng lợi bất chính.
Về dân sự, HĐXX buộc ba anh em ông Quyết phải nộp số tiền hưởng lợi bất chính tổng 684 tỷ đồng từ hành vi thao túng 5 mã chứng khoán để sung công quỹ. Các nhà đầu tư muốn bồi thường có thể khởi kiện dân sự.
Ngoài ra, họ còn phải liên đới bồi thường cho các bị hại khác và 27.866 người liên quan (tức các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS bị nâng khống giá trị, có yêu cầu bồi thường) theo đơn giá 5.466 đồng cho mỗi cổ phiếu ROS.