Theo đại diện của chính quyền ông Donald Trump, cuộc gặp ngoại giao đầu tiên của Washington với Tehran “không thể diễn ra tốt đẹp hơn”, trong khi đại diện của Tehran cũng không có ý kiến phàn nàn gì, đồng thời cả hai bên đều mô tả các cuộc đàm phán ở Oman là “tích cực và mang tính xây dựng”.
Tuy nhiên, dấu hiệu thành công thực sự của họ là Bộ trưởng Ngoại giao Iran là ông Abbas Araghchi đã đồng ý nói chuyện trực tiếp với đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump là Steve Witkoff.
Theo tạp chí Responsible Statecraft (RS), trong suốt bốn năm cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden tại nhiệm, phía Iran chưa bao giờ đồng ý gặp trực tiếp các quan chức Hoa Kỳ ở cấp Bộ Ngoại giao, nhưng ở thời điểm hiện nay, đại diện cao cấp của chính quyền Tehran lại đồng ý gặp mặt. Điều đó nói lên cái gì?
Theo Responsible Statecraft, ông Trump có cơ hội thực hiện một “thỏa thuận tốt nhất” cho Hoa Kỳ bằng cách đạt được một chiến thắng ở Trung Đông, trên ba mặt, sau thất bại rõ ràng ở Ukraine.
Đối với tân tổng thống Mỹ, đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để ông phục hồi hình ảnh của mình, nhưng cũng là một cơ hội lớn để Hoa Kỳ vãn hồi lại một “Thỏa thuận Hạt nhân Iran” (còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện - JCPOA) mà chính ông Trump đã bóp chết vào năm 2015.
Ấn phẩm Responsible Statecraft nhận định, vấn đề nan giải nhất là chắc chắn chương trình hạt nhân của Iran đã có những tiến triển đáng kể trong vài năm qua và việc đưa nó trở lại mức của năm 2015 sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
Nhưng ông Trump đang ở vị thế tốt hơn để đảo ngược những thành quả đó, chính xác vì ông sẵn sàng đề nghị nới lỏng các lệnh trừng phạt quan trọng Tehran, những hạn chế đã ngăn cản các công ty Mỹ giao dịch với Iran.
Việc triển khai mô hình dựa trên phương châm này, với việc “sở hữu vũ khí hạt nhân tương lai” là ranh giới đỏ duy nhất, cho phép ông Trump đảm bảo chiến thắng ba mặt cho Hoa Kỳ:
Một là: Ngăn chặn Tehran chế tạo bom hạt nhân; Hai là: Ngăn chặn chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Iran; Ba là: Mang lại cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Mỹ, dẫn đến nhiều việc làm hơn tại chính Hoa Kỳ.
Các nhà phân tích của RS tin rằng, khả năng này khiến Trump say mê và sẽ nỗ lực thực hiện tới cùng, vì một số lý do rõ ràng.
Vị tân Tổng thống Hoa Kỳ không thể cưỡng lại sự cám dỗ mở rộng quy mô hẹp của một “thỏa thuận hạt nhân” thành quy mô rộng hơn bao hàm cả “thỏa thuận kinh tế”, gồm cả kinh tế vĩ mô.
Responsible Statecraft kết luận rằng, chính quyền Hoa Kỳ hiện tại và cá nhân ông Donald Trump thực sự cần những chiến thắng vang dội và các giải pháp hiệu quả, trong bối cảnh những thất bại đã liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.
Và hiện tại, có lẽ tiến triển tốt đẹp đang được cảm nhận ở những lĩnh vực ít được mong đợi nhất, mà đầu tiên có thể là một thỏa thuận ban đầu đạt được với Iran, khiến cả hai bên cùng hài lòng.