Phân định vụ xóa biển báo cao tốc của Tập đoàn Sơn Hải

Tập đoàn Sơn Hải cho rằng biển báo cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu là tài sản doanh nghiệp.

Mới đây, Tập đoàn Sơn Hải (một doanh nghiệp xây dựng), là đơn vị thi công dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đã gây chú ý khi phản ánh về dòng chữ "Đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" bị xoá trên cao tốc này. Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu được đưa vào sử dụng từ ngày 1-9-2023.

Phân định vụ xóa biển báo cao tốc của Tập đoàn Sơn Hải- Ảnh 1.

Hình ảnh ghi lại cảnh xoá cam kết bảo hành 10 năm trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu.

Tập đoàn Sơn Hải cho rằng đây là tải sản doanh nghiệp, hành vi trên là phá hoại nên đã báo với cơ quan chức năng.

Sự việc được vỡ lẽ khi Khu quản lý đường bộ II, thuộc Cục Quản lý đường bộ Việt Nam xác nhận chính đơn vị đã chỉ đạo bóc dỡ dòng chữ trên.

Tuy nhiên, vụ việc trên đã gây nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Một số bạn đọc ủng hộ việc để dòng chữ "Đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" bởi việc doanh nghiệp luôn chú trọng chất lượng thì cần khuyết khích. Thực trạng hiện nay một số cao tốc mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng gây bức xúc.

Một số bạn đọc khác thì nhìn nhận nhà thầu bảo hành công trình cũng tốt nhưng việc đó là cam kết với chủ đầu tư bằng văn bản, còn ghi lên biển báo hiệu đường bộ thì là đang quảng bá cho doanh nghiệp.

Sai quy định

Theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, biển báo giao thông đường bộ phải được đặt đúng, đủ nội dung theo quy định.

Điểm b khoản 1 điều 45 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định biển báo hiệu đường bộ thuộc về công trình báo hiệu đường bộ. Khoản 3 điều 45 luật này cũng quy định không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ.

Một số luật khác như Luật Xây dựng cũng không có quy định về việc phải gắn biển cam kết bảo hành trên công trình xây dựng. Thông tin của cơ quan chức năng cũng cho thấy dòng chữ "Đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" không có trong hồ sơ thiết kế.

Bên cạnh đó, cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu được triển khai theo phương thức đầu tư công. Ban Quản lý dự án 6 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) là chủ đầu tư dự án, Tập đoàn Sơn Hải là một trong các nhà thầu. Do là dự án đầu tư công nên các hạng mục biển báo không thuộc tài sản của doanh nghiệp.

Luật sư Trần Thị Thanh Thảo nhìn nhận việc dòng chữ của Tập đoàn Sơn Hải dễ gây hiểu nhầm là đang quảng cáo trá hình, gây mất mỹ quan.

"Đã hơn 1 năm nhưng sự việc nay mới được giải quyết. Câu hỏi đặt ra là chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát đã làm gì mà nay lại giải quyết, gây dư luận xấu" - luật sư Trần Thị Thanh Thảo nói.

Luật sư Trần Thị Thanh Thảo cũng thông tin theo điểm c, khoản 6, điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức khi thực hiện hành vi "Tự ý gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa".

Người thực hiện hành vi vi phạm sẽ buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, biển hiệu, biển quảng cáo, các loại vật dụng khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra theo quy định tại điểm d khoản 10 điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.