Pháp lý tài sản số bảo vệ, giảm thiểu rủi ro cho người dùng và phát triển kinh tế số

business

Ngày 6/12, tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) phối hợp tổ chức Hội thảo “Pháp lý Tài sản số trước thềm ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số”.

z6107275850606-bf0f2761649606f3b6bd0ae4371608fc-1733664716.jpg
Toàn cảnh sự kiện

Phát biểu khai mạc, ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin (ICT), công nghiệp công nghệ số. Luật sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp này đóng góp vào chuyển đổi số, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác hiệu quả, làm chủ công nghệ chủ chốt của cách mạng 4.0 để giải quyết các bài toán phát triển của Việt Nam.Các chuyên gia nói về tầm quan trọng của tài sản số đối với nền kinh tế.

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực VBA cho rằng, sau nhiều lần sửa đổi, Luật CNCNS đã đưa ra những định nghĩa rất phù hợp với không chỉ bản chất của tài sản số, phân biệt rõ tài sản số và tài sản mã hoá mà còn rất phù hợp với các quy định pháp lý hiện tại và tương đồng với hệ thống quy định của một số nền kinh tế như Mỹ.

“Việc ban hành Luật CNCNS sẽ giúp hoàn thiện mảnh ghép còn thiếu trong tiến trình chuyển đổi số. Chúng ta đã có Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số nên việc luật hóa Tài sản số - mắt xích kết nối các vấn đề trên sẽ giúp hoàn thiện bức tranh toàn cảnh về chuyển đổi số”, Ông Trung nhận định.

Bên cạnh đó, khi tài sản số được chính thức định nghĩa và điều chỉnh bởi Luật CNCNS sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người dùng và giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy kinh tế số, thu hút đầu tư, tăng cường đổi mới sáng tạo và cải thiện vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

“Năm 2024, Việt Nam nhận về hơn 105 tỷ USD, giảm so với mức 120 tỷ USD của năm 2023 nhưng vẫn gấp khoảng 4 lần tổng số vốn đầu tư FDI và tương đương 1/4 so với tổng GDP cả nước. Khi hành lang pháp lý được hoàn thiện, một phần trong số vốn này có thể sẽ được chuyển sang khu vực hợp pháp, đóng góp tích cực cho nền kinh tế và giảm thiểu những nguy cơ về rửa tiền, tài trợ khủng bố hay lừa đảo trên không gian mạng đang rất nhức nhối hiện nay”, ông Phan Đức Trung đánh giá.

1-1733664716.jpg
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo “Pháp lý tài sản số trước thềm ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số”

Chia sẻ về góc nhìn của đơn vị soạn thảo, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT-TT cho biết, Luật CNCNS được xây dựng theo hướng thúc đẩy hơn là quản lý cứng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số nói chung và tài sản số nói riêng.

Bà Hằng nhận định sản số trên thế giới hiện chủ yếu đang thể hiện dưới dạng tài sản mã hoá, rất đa dạng về hình thức mà pháp luật hiện hành không thể quản lý hết chỉ bằng 1 bộ luật duy nhất. Nếu muốn quản lý hết tất cả các loại hình tài sản này thì chúng ta sẽ phải sửa rất nhiều luật khác như Luật Dân sự, Luật Ngân hàng,...

Luật CNCNS bao trùm nhiều lĩnh vực công nghiệp, công nghệ số. Trong đó, đơn vị soạn thảo đã dành tới gần 10% thời lượng của Luật, (6 điều trong tổng số 73 điều) cho thấy sự quan tâm đối với lĩnh vực Tài sản số là đang rất lớn.

Trên góc độ tác động đối với ngành ngân hàng, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, tài chính - ngân hàng là ngành sẽ chịu tác động đầu tiên khi Tài sản số có hiệu lực, từ việc thay đổi những sản phẩm - dịch vụ đã có sẵn, đến việc tạo ra một lớp tài sản hoàn toàn mới đi cùng với những sản phẩm - dịch vụ cũng chưa từng có trước đây.

Đây là hội thảo lần thứ 10 nhằm góp ý Luật CNCNS và hành lang pháp lý Tài sản số, tài sản mã hoá mà Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã trực tiếp tổ chức từ cuối năm 2022 đến nay với sự tham gia của hầu hết các bộ ngành, cơ quan nhà nước có liên quan đến quản lý tài sản số nói riêng cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.