Phát hiện rùng mình về 'quy luật 5 giây' khi đồ ăn rơi xuống đất

Dù chỉ chạm sàn chưa đầy một giây, thức ăn vẫn nhiễm vi khuẩn, theo thí nghiệm khoa học của chuyên gia kiểm soát chất lượng nổi tiếng.

Ngay cả khi chạm sàn trong tích tắc, đồ ăn đã không còn sạch sẽ. Ảnh: NBC.

“Quy luật 5 giây” cho rằng đồ ăn rơi xuống sàn nếu được nhặt lên trong vòng 5 giây vẫn có thể ăn được. Một nhà vi sinh vật học ở Chicago (Mỹ) quyết định kiểm chứng điều này.

Nicholas Aicher, chuyên gia kiểm soát chất lượng, nổi tiếng trên TikTok với những video thử nghiệm độ sạch của các vật dụng hàng ngày, từ máy bơm xăng đến bàn chải đánh răng, theo New York Post.

Với gần nửa triệu người theo dõi, Aicher biến khoa học vi sinh thành những thí nghiệm hấp dẫn và dễ hiểu. Lần này, anh nhắm tới một trong những lời đồn phổ biến: ăn đồ ăn rơi dưới sàn có thực sự an toàn?.

Trong video thu hút hơn 1 triệu lượt xem, Aicher đặt chiếc đĩa petri (đĩa bằng thủy tinh hoặc chất dẻo có dạng hình trụ mà các nhà sinh vật học sử dụng để nuôi cấy tế bào hay rêu nhỏ - PV) xuống sàn nhà với các mốc thời gian khác nhau từ 0 giây cho đến 1 phút.

Sau đó, các đĩa này được ủ trong môi trường đặc biệt để xem vi khuẩn phát triển ra sao.

Điều bất ngờ là ngay cả đĩa chỉ chạm sàn trong tích tắc - xấp xỉ 0 giây - cũng đầy vi khuẩn. Những chiếc đĩa để lâu hơn, từ 10 đến 30 giây, cho thấy lượng vi khuẩn tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, đáng chú ý là đĩa 5 giây và đĩa 1 phút lại có mức độ vi khuẩn tương đương, cho thấy rằng thời gian không tạo ra khác biệt đáng kể. Điều này cho thấy một khi đồ ăn chạm sàn, vi khuẩn đã xâm nhập.

Phát hiện này khiến nhiều người xem rùng mình. “Từ nay tôi không bao giờ ăn đồ rơi dưới đất nữa”, một người bình luận. Trong khi đó, một người khác tỏ ra đau khổ: “Không! Tôi sống nhờ luật 5 giây mà!”.

Dù vậy, không phải ai cũng sẵn sàng từ bỏ thói quen cũ. Một số người chọn cách làm ngơ, tiếp tục tin vào “quy luật 5 giây” để không phải vứt đi món ăn yêu thích.

Một người hoài nghi chế giễu: "Tôi đã áp dụng quy tắc 5 giây suốt thời thơ ấu và tôi vẫn khỏe mạnh đấy thôi". Thậm chí, có người còn đùa rằng vi khuẩn chỉ làm món ăn “thêm hương vị”. Cũng có ý kiến cho rằng thí nghiệm thiếu độ chính xác vì đĩa không chạm sàn, chỉ tiếp xúc với không khí.

'Thế hệ lo âu'

Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.