Công trình nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm chuyên gia tại Đơn vị Nghiên cứu Tiên tiến về Chuyển hóa, Phát triển và Lão hóa (ARUMDA), trực thuộc Viện Nghiên cứu Cơ bản Tata (TIFR).
Nghiên cứu vừa được đăng tải trên Journal of Nutritional Biochemistry và thu hút sự quan tâm lớn từ giới khoa học.
Mô phỏng thói quen tiêu thụ nước ngọt của con người
Không giống nhiều nghiên cứu trước đây chỉ khảo sát tác động của đường trong điều kiện cực đoan hoặc ngắn hạn, nhóm nghiên cứu tại ARUMDA đã thiết lập mô hình mô phỏng sát với thực tế.
Chuột được cho uống nước chứa 10% đường sucrose - tương đương mức tiêu thụ thường thấy ở người sử dụng nước ngọt có đường hàng ngày.

Trà sữa là loại đồ uống chứa nhiều đường ưa thích của giới trẻ (Ảnh: Getty).
Các nhà khoa học sau đó tiến hành phân tích sâu các phản ứng sinh học, chuyển hóa và gen học tại nhiều cơ quan khác nhau như ruột non, gan và cơ bắp, ở cả hai trạng thái: khi no và khi đói.
Đây là điểm đặc biệt của nghiên cứu, vì rất ít công trình trước đây phân biệt rõ phản ứng của cơ thể theo trạng thái dinh dưỡng.
Ruột non là "tâm điểm" rối loạn chuyển hóa
Một trong những phát hiện đáng chú ý nhất là vai trò trung tâm của ruột non trong quá trình gây rối loạn chuyển hóa.
Theo nhóm nghiên cứu, khi tiêu thụ đường kéo dài, lớp niêm mạc ruột non phát triển hiện tượng gọi là "nghiện đường" ở cấp độ phân tử, khiến nó ưu tiên hấp thu glucose (đường đơn) thay vì các dưỡng chất quan trọng khác như axit amin và axit béo.
Sự mất cân bằng trong hấp thu dưỡng chất này ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống phân phối năng lượng trong cơ thể, làm rối loạn chức năng của các cơ quan khác như gan và cơ bắp.
Đồng thời, việc dư thừa glucose liên tục trong máu chính là yếu tố kích hoạt hàng loạt phản ứng viêm, kháng insulin và cuối cùng dẫn đến rối loạn chuyển hóa.
Gan và cơ bắp cũng bị tổn thương nghiêm trọng
Trong khi ruột non hấp thu quá nhiều đường, gan lại không thể thích nghi kịp. Dù mức đường huyết tăng cao, gan không điều chỉnh được biểu hiện gen để xử lý glucose, mà ngược lại, còn kích hoạt quá trình sản xuất thêm glucose nội sinh (gluconeogenesis).
Đây là một cơ chế tự vệ sai lệch khiến mức đường trong máu càng tăng cao. Đây chính là một trong những yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình kháng insulin, dẫn đến tiểu đường type 2.
Đối với cơ bắp, nghiên cứu ghi nhận hiện tượng suy giảm chức năng ty thể - "nhà máy năng lượng" của tế bào. Điều này khiến cơ bắp giảm khả năng sử dụng đường để tạo năng lượng, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, kém vận động, mất cân bằng năng lượng, và dần dần hình thành béo phì.
Tác động khác nhau giữa lúc no và lúc đói
Một điểm quan trọng khác được chỉ ra trong nghiên cứu là sự khác biệt lớn giữa phản ứng sinh học khi cơ thể ở trạng thái no và đói. Các nhà khoa học khẳng định, đây là yếu tố thường bị bỏ qua trong các nghiên cứu dinh dưỡng trước đây.
Việc tiêu thụ đường kéo dài làm thay đổi cách cơ thể phản ứng với nguồn năng lượng đầu vào tùy theo từng thời điểm, dẫn đến rối loạn cả hai quá trình: đồng hóa (tổng hợp) khi no và dị hóa (phân giải) khi đói.
Những thay đổi này góp phần tạo ra một trạng thái chuyển hóa bất ổn định, kéo dài và nguy hiểm.
Trong bối cảnh mức tiêu thụ nước ngọt có đường ngày càng tăng trên toàn thế giới, các chuyên gia cho rằng đây là hồi chuông cảnh báo rõ ràng.
Các dữ liệu của Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức y tế toàn cầu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá mức nước ngọt có đường đang góp phần làm gia tăng nhanh chóng các bệnh chuyển hóa, đặc biệt ở giới trẻ và trẻ em.
Vì thế, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách kiểm soát tiêu thụ nước ngọt chặt chẽ hơn, song song với các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng mở ra những hướng đi mới trong điều trị bệnh chuyển hóa. Cụ thể, các nhà khoa học đề xuất việc can thiệp vào cơ chế hấp thu đường ở ruột non, hoặc cải thiện chức năng ty thể trong cơ bắp, có thể trở thành liệu pháp nhắm trúng đích trong tương lai.