
Quý 2 dự kiến sẽ có mức tăng trưởng tốt
"Giai đoạn từ năm 2020 - 2024 là bước phát triển chậm nhưng chắc chắn của HHV trên cơ sở tiềm năng của lĩnh vực hạ tầng giao thông dựa trên 3 trụ cột chiến lược: Đầu tư – Thi công xây lắp – Quản lý vận hành" - Đây là chia sẻ của ông Ngọ Trường Nam, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) trong buổi hội thảo phân tích HHV diễn ra sáng ngày 25/4.
Ông Nam thông tin đến các nhà đầu tư, quý 1/2025, doanh thu của HHV dự kiến đạt 735 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt mức 167 tỷ đồng, tăng trưởng 46,6% so với quý I/2024 và là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất từ trước đến nay. Và quý 2 cũng dự kiến sẽ có mức tăng trưởng khá tốt.
Hiện nay, HHV cùng Tập đoàn Đèo Cả đang đầu tư và nghiên cứu triển khai gần 400km đường cao tốc có tổng mức đầu tư (TMĐT) hơn 100.000 tỷ đồng. Cụ thể như dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2),…
Trong đó, các dự án trọng điểm như Đồng Đăng - Trà Lĩnh (TMĐT hơn 14.000 tỷ đồng), Hữu Nghị - Chi Lăng (TMĐT hơn 11.000 tỷ đồng), Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (TMĐT gần 20.500 tỷ đồng) đang được đẩy mạnh thi công để thông tuyến vào cuối năm 2025.
Ở mảng quản lý vận hành, HHV đang quản lý vận hành an toàn, thông suốt 472km đường cao tốc và quốc lộ, hơn 31km hầm đường bộ cùng 18 trạm thu phí trên khắp cả nước. Trong đó, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài hơn 78km được đưa vào khai thác từ quý 2/2024, mỗi ngày trung bình phục vụ hơn 8.200 lượt xe qua tuyến. Dự kiến lưu lượng phương tiện tại các trạm thu phí sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 8 - 10% trong giai đoạn 2025-2027.
Khả năng chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt
Một điểm sáng quan trọng là những vướng mắc kéo dài tại các dự án BOT như Bắc Giang - Lạng Sơn, hầm đường bộ qua đèo Cả đang được tháo gỡ, doanh nghiệp bắt đầu ghi nhận phần vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước - yếu tố sẽ đóng vai trò đòn bẩy tài chính trong giai đoạn phục hồi.
Cụ thể, khoản vốn ngân sách Nhà nước trị giá 1.180 tỷ đồng hỗ trợ cho Dự án hầm Đèo Cả đã được giải ngân vào cuối năm 2024; Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đề xuất bố trí 2.280 tỷ đồng để thay thế nguồn thu trạm thu phí La Sơn - Túy Loan và đề xuất bố trí vốn ngân sách Nhà nước 4.600 tỷ đồng hỗ trợ dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Các nội dung này dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 6 tới.

Theo Phó Tổng giám đốc Ngọ Trường Nam, "Đây là kết quả của một quá trình doanh nghiệp đã hết sức kiên trì kiến nghị các cấp thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như của các cổ đông". HHV đã làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để xác định hướng giải quyết tất cả các vướng mắc.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Hùng tiết lộ "Ngay sau khi được bố trí vốn, doanh nghiệp sẽ sử dụng một phần để trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng để giảm phần nợ vay, một phần nữa thì sẽ ghi nhận vào lợi nhuận cho nhà đầu tư."
Ông cho biết, nguồn vốn này và dòng tiền từ các dự án sắp tới sẽ tạo nên một nguồn lực tài chính quan trọng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phương án tài chính của các dự án của HHV hiện tại cũng đang tốt dần lên, đặc biệt là đối với các dự án hầm. "Sắp tới HHV sẽ có nguồn tài chính tương đối ổn định và đủ khả năng để có thể chi trả cổ tức cho các cổ đông bằng tiền mặt.” - Ông Hùng cho biết.
Kế hoạch tham gia vào các dự án đường sắt cao tốc
Đối với lĩnh vực đường sắt, HHV nghiên cứu thực hiện các dự án trọng điểm như Đường sắt cao tốc Bắc – Nam (TMĐT 67 tỷ USD), Metro Hà Nội (TMĐT 37 tỷ USD), Metro 2 giai đoạn III TP.HCM (TMĐT gần 60.000 tỷ đồng) cùng các dự án tiềm năng khác như Đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Hải Phòng có TMĐT hơn 200.000 tỷ đồng, Đường sắt Việt – Lào có TMĐT gần 150.000 tỷ đồng…
Ông Nam cho biết, lĩnh vực đường sắt là thị trường khổng lồ mà HHV đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nhân sự, cũng như kinh nghiệm quản lý, vận hành chuẩn bị cho việc tham gia các dự án đường sắt.
HHV có thể làm gì tại các dự án đường sắt? Trả lời câu hỏi này, Phó Tổng giám đốc Nam cho biết, đối với kết cấu hạ tầng, đường sắt về mặt xây dựng khá giống đường bộ, cũng là cầu hầm. Nhưng yếu tố hình học đòi hỏi tuyến phải thẳng hơn, dẫn tới hầm và cầu cạn nhiều hơn. Thị trường về cầu, hầm sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn. Đâu đó khoảng 60-70% là cầu, 10% là hầm và các hầm sẽ dài hơn.
Ông Nam nhận định, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành, trong đó có HHV. HHV đã triển khai thành công nhiều dự án, đặc biệt là công trình hầm. Hầm dài, hầm lớn thì chủ yếu là Đèo Cả thực hiện và doanh nghiệp rất tự tin về các hạng mục này.
Bên cạnh đó, về động lực học (điện, cấp điện), HHV đã tham gia các công trình và đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông thông minh, có kinh nghiệm, năng lự pháp lý tạo lợi thế.
Còn về đầu máy toa xe, nhà ga tín hiệu, HHV cho rằng nên ưu tiên doanh nghiệp nước ngoài vì họ có lợi thế, hoặc các doanh nghiệp trong nước có tính chất chuyên sâu.

Phó Tổng giám đốc Ngọ Trường Nam
Hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công 790.000 tỷ đồng
Năm 2025, hạ tầng tiếp tục được xác định là một trong ba đột phá chiến lược, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến hết năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc, 1.000km đường bộ ven biển và đạt 5.000km đường cao tốc vào năm 2030, bên cạnh đó là lĩnh vực đường sắt được ưu tiên chiến lược trong giai đoạn 2025 - 2035.
HHV dự báo, năm 2025, HHV sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng đầu tư công với 790.000 tỷ đồng NSNN dự kiến được phân bổ, hành lang pháp lý được sửa đổi đồng bộ cùng các chính sách cởi mở (Luật Đầu tư công, Luật PPP sửa đổi…).
Ở chiều ngược lại, HHV dự báo sẽ gia tăng sự cạnh tranh trong ngành xây dựng hạ tầng từ doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, có nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu.
Tổng giám đốc Nguyễn Quang Huy chia sẻ: “Hiện nay, dư địa cho các doanh nghiệp về giao thông tại Việt Nam trong thời gian tới rất lớn. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực của mình cũng sẽ để tuột mất cơ hội tham gia vào khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian tới."
Đặc biệt trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng lớn lên, nhất là trong giai đoạn 2025-2035 sắp tới, nhu cầu về nhân lực là rất lớn. HHV xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. "Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị về nhân lực, nguồn nhân sự cho lĩnh vực này, thì thực sự cơ hội này sẽ dành cho các doanh nghiệp nước ngoài, không phải doanh nghiệp trong nước." - Ông Huy nói thêm
Theo ông, doanh nghiệp phải chủ động và phải biết mình cần gì, biết rằng thị trường đang thiếu gì để bắt tay với các trường cho ra các nhân sự phù hợp với doanh nghiệp của mình. Đèo Cả đã chủ động hoạch định chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. Với hệ thống công trường trải dài từ Bắc vào Nam, Đèo Cả tận dụng môi trường thực tiễn như một “trường học thực chiến” nhằm liên tục đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ công nhân, kỹ sư và nhà quản lý.
Doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng chương trình phát triển toàn diện cho đội ngũ nhân sự ở mọi cấp. Đồng thời, tăng cường kết nối hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế như Mỹ, Pháp, Trung Quốc… để đào tạo, đánh giá và lựa chọn các chương trình phù hợp với thực tiễn.
Về nguồn vốn, HHV chủ động nghiên cứu và áp dụng hình thức huy động vốn theo phương thức PPP++ linh hoạt, phù hợp cho từng dự án cụ thể.
Về công nghệ - kỹ thuật, doanh nghiệp tích cực hợp tác quốc tế nhằm tiếp nhận, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật tiên tiến từ Nhật Bản, Trung Quốc và tối ưu hoá cho thị trường Việt Nam. Mặt khác, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng quy trình quản lý và công nghệ thi công hiện đại trong toàn bộ dự án, song song với việc thanh lý các máy móc, thiết bị, công nghệ cũ, hiệu quả thấp.