Ngày 27-12, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói viện trợ quân sự trị giá 250 triệu USD dành cho Ukraine. Đây là gói viện trợ cuối cùng của Mỹ dành cho Ukraine trong năm 2023, bao gồm các vũ khí chống tăng, pháo, thiết bị phòng không... nhằm giúp Ukraine tiếp tục cuộc chiến chống lại Nga.
Củng cố vị thế đàm phán cho Ukraine?
Trong những tuần gần đây, giới chức Mỹ gợi ý gói viện trợ lần này cũng là gói viện trợ cuối cùng dành cho Ukraine mà họ có thể đưa ra với số tiền hiện có, trong lúc Quốc hội Mỹ không thông qua khoản ngân sách 110 tỉ USD mà ông Biden đề xuất.
Trong khi đề xuất của ông Biden gặp rắc rối tại Quốc hội Mỹ, thì Hungary đã phủ quyết việc Liên minh châu Âu (EU) cung cấp thêm gói viện trợ trị giá 55 tỉ USD cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh hồi giữa tháng 12.
Theo báo Politico ngày 27-12, với việc Mỹ và châu Âu có khả năng sẽ không thể tiếp tục viện trợ cho Ukraine như thời gian qua, chính quyền ông Biden và các quan chức châu Âu đang âm thầm thay đổi chiến lược ở Ukraine. Theo đó họ sẽ chuyển trọng tâm từ hỗ trợ Ukraine giành "chiến thắng hoàn toàn" trước Nga sang củng cố vị thế của Ukraine trong một "cuộc đàm phán cuối cùng" nhằm chấm dứt xung đột.
Thông tin trên được Politico dẫn lại từ một quan chức trong chính quyền ông Biden và một nhà ngoại giao châu Âu đang có mặt ở Washington. Một cuộc đàm phán như trên có thể đồng nghĩa phải nhường lại một phần lãnh thổ Ukraine cho Nga.
Các nguồn tin trên nói thêm: "Giới chức Mỹ và châu Âu đang thảo luận việc tái triển khai các lực lượng Ukraine, bước ra khỏi cuộc phản công gần như thất bại của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và chuyển sang thế phòng thủ mạnh hơn trước lực lượng Nga ở phía đông".
Quan chức trong chính quyền ông Biden giải thích phần lớn việc chuyển sang phòng thủ là nhằm củng cố vị thế của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.
Càng sớm càng tốt
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hiện nay liên minh gồm hơn 50 nước tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ cho các lực lượng Ukraine. Vừa qua Nhật Bản đã nới lỏng quy định về xuất khẩu vũ khí, cho phép nước này bán tên lửa phòng không Patriot cho Mỹ. Điều này có thể gián tiếp giúp đỡ Ukraine vì trước đây Washington cũng từng cung cấp Patriot cho Kiev.
Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận: Viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine đang không thuận lợi và nỗi lo đã tăng lên tại Ukraine.
Trong nhiều tuần qua, Tổng thống Biden đã thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách 110 tỉ USD để viện trợ cho Ukraine, Israel và phục vụ các nhu cầu an ninh quốc gia khác. Trong đó có 61,4 tỉ USD viện trợ cho Ukraine, khoảng 14 tỉ USD viện trợ cho Israel trong cuộc chiến với Hamas, 14 tỉ USD cho an ninh biên giới của Mỹ, và số khác dành cho nhu cầu an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đối với Tổng thống Biden, việc Mỹ cung cấp vũ khí cũng như hỗ trợ tài chính cho Ukraine đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp quốc gia thân phương Tây này chiến đấu chống lại Nga.
Tuy nhiên, các thành viên Đảng Cộng hòa cánh hữu đã ngăn chặn nỗ lực của ông Biden, không chịu thông qua ngân sách mới nếu Đảng Dân chủ không đồng ý thực hiện các biện pháp mới cứng rắn và sâu rộng chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp qua biên giới phía nam của Mỹ.
Do đó, mặc dù Tổng thống Biden và các cố vấn của ông đã hứa hẹn rằng Washington sẽ hỗ trợ Kiev "chừng nào còn cần thiết" để chống lại Nga, nhưng giờ đây giới quan sát hoài nghi liệu Washington có thực hiện được lời hứa đó hay không.
Theo báo Washington Post, kể từ lúc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022 đến nay, Mỹ đã cam kết viện trợ an ninh trị giá tới 44 tỉ USD cho Ukraine, trong đó có các hệ thống phòng không, tên lửa và đạn dược.
Giờ đây về lý thuyết, chính quyền Tổng thống Biden sẽ không thể tiếp tục viện trợ cho Ukraine nếu Quốc hội Mỹ không cấp ngân sách.
Chính quyền ông Biden đã nhiều lần cảnh báo rằng khả năng cung cấp viện trợ cho Ukraine đang suy giảm nhanh chóng. Trong tuyên bố ngày 27-12, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: "Quốc hội Mỹ phải hành động nhanh chóng, càng sớm càng tốt, để thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta bằng cách giúp Ukraine tự vệ và đảm bảo tương lai của họ".
"Chúng tôi cần gấp"
Trả lời phỏng vấn báo Financial Times ngày 27-12, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko nói rằng Ukraine có thể phải ưu tiên chi tiêu cho quốc phòng hơn là trả lương cho công chức và giáo viên nếu EU và Mỹ không sớm phê duyệt thêm viện trợ. Bà nói: "Sự hỗ trợ của các đối tác là vô cùng quan trọng. Chúng tôi cần gấp!".
Hiện nay lực lượng Ukraine ở tiền tuyến đang thiếu đạn pháo, khiến một số đơn vị phải hủy bỏ các cuộc tấn công đã lên kế hoạch, đồng thời làm dấy lên lo ngại về việc quân đội Ukraine sẽ có thể cầm cự trước các cuộc tấn công liên tục của Nga trong bao lâu, theo báo Washington Post.