Phát hiện hóa thạch bọ cạp biển tí hon ở Trung Quốc

Mẫu vật được tìm thấy tại Trung Quốc có niên đại từ khoảng 450 triệu năm trước, là một trong những loài săn mồi nhỏ nhất từng thống trị đại dương.

Loài bọ cạp biển có thể sống trong nhiều môi trường khác nhau. Ảnh: AP.

Theo SCMP, hóa thạch của loài bọ cạp biển đã tuyệt chủng từ lâu mới được khai quật ở miền Nam Trung Quốc với chiều dài chỉ 15 cm. Đây là một trong những loài nhỏ nhất từng được phát hiện, có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà khoa học do hầu hết mẫu vật chỉ được tìm thấy ở Bắc Mỹ và châu Âu.

“Những kẻ săn mồi” này có tên khoa học chung là eurypterids, sở hữu lớp vỏ cứng và khớp nối tại các chi. Tuy nhiên, chúng không có xương sống và móng vuốt chứa gai để bắt con mồi.

Phát hiện của một nhóm các nhà khoa học đến từ Trung Quốc và Anh tiết lộ rằng bọ cạp biển đã sống sót sau cuộc tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên cách đây 445 triệu năm. Sau đó, chúng thống trị các đại dương cổ đại trong hơn 20 triệu năm. Các nhà khoa học cũng cho biết những sinh vật này có kích thước và hình dạng khác nhau, nhưng khả năng sống sót trong các môi trường đa dạng lại có sự tương đồng.

“Loài mà chúng tôi tìm thấy có tổng chiều dài cơ thể là 15 cm và có thể ăn tôm, giun cũng như nhiều thức ăn nhỏ khác”, đồng tác giả Wang Han, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh cho biết. Bà nói thêm rằng sinh vật này đã mang đến một cái nhìn tổng quan về hành trình tiến hóa của loài bọ cạp biển.

Wang cho biết phát hiện này “đặc biệt quý giá” đối với Trung Quốc vì hầu hết hóa thạch bọ cạp biển được tìm thấy ở những nơi khác. Nó cũng rất hiếm vì trong số 250 loài bọ cạp biển được phát hiện trên khắp thế giới, chỉ có hơn chục loài đến từ cùng một thời kỳ địa chất, được gọi là kỷ Ordovic.

Hoa thach bo cap bien anh 1

Hóa thạch bọ cạp biển mới nhất được tìm thấy ở Trung Quốc. Ảnh: NIGPAS.

Nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho loài động vật này là archopterus anjiensis, theo tên của quần thể sinh vật Anji, một khu vực được bảo quản đặc biệt tại tỉnh Chiết Giang, nơi tìm thấy hóa thạch. Theo bà Wang, sinh vật này có đầu hình parabol và 5 cặp chân, trong đó 4 cặp chân trước được sử dụng để đi lại khi nó tìm kiếm thức ăn dưới đáy biển, trong khi 2 chân sau hình mái chèo được dùng để bơi.

Khi nghiên cứu hóa thạch, các nhà khoa học cũng thấy rằng một số cặp chi ở dưới cùng của cơ thể được sử dụng để nắm và xé thức ăn. Đuôi của sinh vật dường như không giống đuôi của bọ cạp hiện đại và không thể dùng để săn con mồi.

Với nhiều loài bọ cạp biển được khai quật ở Trung Quốc, Wang cho biết cô hy vọng có thể liên kết và vẽ nên bức tranh toàn diện hơn về họ sinh vật đa dạng này. Trong đó, sự phân bổ và lịch sử tiến hóa của chúng có thể cho con người biết về môi trường Trái Đất tại thời điểm chúng sinh sống.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/phat-hien-hoa-thach-bo-cap-bien-ti-hon-o-trung-quoc-a101718.html