Một tấm màn hình lớn ở mặt trước, đi kèm cùng hệ thống camera cồng kềnh ở mặt sau. Dù liên tục được cải tiến, thiết kế cơ bản của mọi chiếc điện thoại nhìn chung vẫn luôn tuân thủ điều đó.
Để phá vỡ hai quy tắc cơ bản đó, thiết kế smartphone thế hệ tiếp theo mang tới một thiết bị có thể nằm gọn trong túi người dùng và mở ra như một cuốn sách với màn hình hiển thị lớn khi người dùng cần.
Thiết kế smartphone gập là một bước tiến lớn so với những quy tắc từ trước nay của điện thoại. Ảnh: Future. |
Đó là một bước tiến rõ ràng về hình thức và chức năng của điện thoại. Mặc dù vậy, dòng điện thoại gập cho đến nay đơn giản là vẫn quá tầm với phần lớn người dùng.
Sự tham lam của các ông lớn
Những công ty công nghệ giàu có nhất thế giới, bao gồm Samsung, Microsoft và cả Google đều đang cạnh tranh khốc liệt với thiết bị gập.
Tuy nhiên, bất chấp những cải tiến to lớn về kỹ thuật trong 4 năm qua, điện thoại gập vẫn bị cộp mác là sản phẩm sang chảnh.
Khía cạnh chính cản trở sự phổ biến của điện thoại gập chắc chắn phải nói đến giá bán. Năm 2019, chiếc smartphone gập đầu tiên được giới thiệu trước công chúng với Galaxy Fold cùng giá bán khoảng 2.000 USD.
Kể từ khi được ra mắt, những mẫu smartphone màn hình gập vẫn luôn có mức giá bán rất cao. Ảnh: Digital Trends. |
Cho đến nay, mức giá của dòng điện thoại này vẫn không có dấu hiệu đi xuống. Galaxy Z Fold4 - sản phẩm mới nhất của Samsung có giá khoảng 1.700-1.800 USD. Pixel Fold - smartphone màn hình gập đầu tiên của Google cũng có giá bán tương tự.
Không thể phủ nhận điện thoại gập được sản xuất dựa trên công nghệ mới và đắt tiền. Tuy nhiên, thực tế các hãng vẫn có thể giảm giá bán mà vẫn có mức lãi tốt.
Một phân tích của Nikkei Asian Review cho thấy linh kiện trên chiếc Galaxy Z Fold 4 mới của Samsung chỉ tiêu tốn khoảng 670 USD, tương đương 38% giá bán.
Điều đó đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận gộp tiềm năng của sản phẩm này có thể lên đến 62%, nếu trừ đi chi phí lắp ráp từ Samsung.
Trong khi đó, nghiên cứu của Counterpoint Research cho thấy chiếc iPhone 14 Pro Max, sản phẩm cao cấp nhất của Apple, có chi phí sản xuất linh kiện là 474 USD. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận gộp tiềm năng mà Táo khuyết có thể thu về chỉ rơi vào khoảng 58%.
Điện thoại gập đang mang đến cho các nhà sản xuất tỷ suất lợi nhuận khá lớn. Ảnh: Forbes. |
Nói cách khác, Samsung đang kiếm được nhiều tiền hơn từ dòng điện thoại gập so với những gì mà một chiếc smartphone phổ thông của Apple có thể mang lại.
Rõ ràng các nhà sản xuất có thể hạ giá bán dòng điện thoại gập xuống một mức giá hợp lý hơn từ việc chiết khấu một phần tỷ suất lợi nhuận trên mỗi sản phẩm.
Bài học từ những chiếc iPhone
Việc tạo ra một thị trường ngách và nhắm đến một nhóm đối tượng nhất định không phải chuyện mới trong giới kinh doanh. Tuy nhiên, lịch sử gần 16 năm của smartphone đã chứng minh điều ngược lại. Các sản phẩm công nghệ mới cần có mức giá phải chăng để trở thành xu hướng.
Chiếc iPhone đầu tiên có giá 499 USD cho phiên bản 4 GB dung lượng lưu trữ và 599 USD với phiên bản 8 GB. Đó là một khoản tiền rất lớn cho một chiếc điện thoại di động vào năm 2007.
Nhận thấy mức giá này là rào cản cho nhóm người dùng phổ thông muốn sở hữu iPhone, Apple đã thử một chiến lược mới với thế hệ thứ hai là iPhone 3G.
iPhone 3G ra đời ở năm 2008 với mức giá chỉ 199 USD cho phiên bản 8 GB nhờ sự trợ giá của nhà mạng tại Mỹ. Ảnh: Mashable. |
Cụ thể, Táo khuyết đã đàm phán lại thỏa thuận với nhà mạng AT&T. Theo đó, người dùng sẽ được hỗ trợ một phần chi phí trả trước cho điện thoại, trong khi nhà mạng sẽ bù đắp bằng bản hợp đồng hai năm với chủ sở hữu iPhone.
Điều này giúp người tiêu dùng có thể mua một chiếc iPhone 3G với dung lượng lưu trữ 8 GB mà chỉ tốn 199 USD.
Thành quả của chiến lược giá này vượt ngoài mong đợi khi từ năm 2008-2015, doanh số bán iPhone của Apple ở Mỹ đã tăng hơn 1.100%, biến nó trở thành smartphone bán chạy nhất tại đây.
Việc trợ giá từ nhà mạng rõ ràng đã tạo ra sự khác biệt lớn với iPhone. Trong nhiều năm qua, iPhone luôn gặp khó khăn ở châu Âu , đơn giản bởi nhiều nhà mạng ở khu vực này không chấp nhận sự hỗ trợ này.
Điều này đã dẫn đến một bước nhảy vọt về nhu cầu dùng điện thoại Android trong khu vực. So với một chiếc iPhone giá 680 USD, người dùng có thể mua một chiếc điện thoại Android với giá chỉ dưới 200 USD tại châu Âu.
Mối quan hệ giữa Apple và các nhà mạng tại Mỹ kéo dài trong khoảng một thập kỷ và chỉ chấm dứt vào năm 2016, khi Táo khuyết chấp nhận cho người dùng trả góp tiền mua điện thoại.
Dòng smartphone gập cần học theo chiến lược giá của iPhone nếu muốn tạo nên cuộc cách mạng tiếp theo. Ảnh: The Verge. |
Cuối cùng, phải đến năm 2017, Apple mới giới thiệu chiếc điện thoại có giá bán lên tới 1.000 USD đầu tiên của mình.
Có thể thấy, việc tăng giá iPhone là một quá trình dài. Cây viết Dave Smith của tờ Fortune cho rằng điều tương tự cũng nên được áp dụng đối với dòng điện thoại gập, nếu các nhà sản xuất muốn chúng trở thành một cuộc cách mạng như cách mà iPhone đã làm được.
Ngoài ra, việc giảm giá bán điện thoại gập hoàn toàn có thể là một lợi ích to lớn với Google hay Samsung, những công ty đang tìm cách để lôi kéo người dùng từ bỏ hệ sinh thái của Apple. Bên cạnh đó, thế giới điện thoại Android cũng cần một cú hích lớn.
Theo một kết quả nghiên cứu vừa được Consumer Intelligence Research Partners (CIRP) công bố, tỷ lệ người dùng Android chuyển sang iPhone đang ở mức cao nhất trong 5 năm qua.
Trong bối cảnh Apple hiện vẫn đứng ngoài thị trường này, việc giảm giá bán cho những chiếc điện thoại thú vị này có thể là lý do tốt để người dùng tiếp tục sử dụng hoặc thậm chí là chuyển sang hệ sinh thái Android.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/cai-ly-cua-apple-khi-chua-lam-iphone-gap-a102409.html