Doanh nghiệp Trung Quốc loay hoay khi khách hàng 'chê' đồ 'Made in China', vội vã tìm cách chuyển sản xuất sang Đông Nam Á

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, các doanh nghiệp muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng, Trung Quốc đang dần đánh mất vị thế là "công xưởng của thế giới".

Một loạt nhà xuất khẩu Trung Quốc "tìm đường" sang Đông Nam Á

Một điều rõ ràng khi nói đến tương lai Norman Cheng ở Trung Quốc, cũng như nhà sản xuất mũ bảo hiểm của ông, đó là việc chuyển hoạt động ra khỏi đại lục là chuyện hiển nhiên, giúp họ “tự bảo vệ mình”.

Để làm được việc này, ông dự định mở một nhà máy thông minh ở Việt Nam vào năm tới. Dự án này trị giá 30 triệu USD, bao gồm dây chuyền tự động hoá và về cơ bản cũng giống với nhà máy mà ông mở hồi tháng trước tại tỉnh Quảng Đông.

Quyết định của một trong những nhà sản xuất mũ bảo hiểm lớn nhất thế giới - Strategic Sports, được cân nhắc trong một thời gian dài, không phải do lo ngại về vấn đề năng lực sản xuất. Cheng cho biết, nhà máy của ông lần đầu vận hành dây chuyền tự động hoá cách đây 2 năm, có thể sản xuất thêm hàng triệu mũ bảo hiểm mỗi năm.

Đây là nỗ lực có chủ ý và nhằm phòng ngừa những rủi ro về địa chính trị ngày càng tăng, cùng với đó là giữ chân khách hàng phương Tây. Ông cho biết, nhiều trong số các khách hàng lo ngại về vấn đề chuỗi cung ứng, họ muốn tìm nguồn cung từ nhiều quốc gia khác ngoài đại lục.

Doanh nghiệp Trung Quốc loay hoay khi khách hàng 'chê' đồ 'Made in China', vội vã tìm cách chuyển sản xuất sang Đông Nam Á - Ảnh 1.

Cheng giải thích: “Khách hàng Mỹ muốn chung tôi chuyển đến Việt Nam. Họ cam kết đặt hàng khi sản phẩm được sản xuất tại đây.”

Hiện tại, Strategic Sports có hơn 4.200 nhân sự, với hơn 10 cơ sở sản xuất ở khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Số liệu gần đây nhất cho thấy, công ty có lợi nhuận 210 triệu USD vào năm 2021. 40 dây chuyền sản xuất của họ phục vụ nhiều mục đích sử dụng, bao gồm thể thao, an ninh và xây dựng.

Cheng không có ý định hoàn toàn rời khỏi Trung Quốc. Ngược lại, ngay cả sau khi việc khai trương nhà máy ở Huệ Châu, Quảng Đông bị trì hoãn gần 2 năm do dịch bệnh, thì nơi này vẫn đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống sản xuất của công ty. Ông chọn Quảng đông vì nơi này là trung tâm của hoạt động công nghiệp phức tạp trong nhiều thập kỷ.

Dẫu vậy, việc chỉ dựa vào các hoạt động ở Trung Quốc không còn là lựa chọn an toàn nhất cho các nhà sản xuất vì vị thế “công xưởng của thế giới” của quốc gia này không còn vững chắc như trước đây. Thực tế, Trung Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng tồi tệ, khiến các doanh nghiệp khó tìm được lao động lành nghề.

Tại Việt Nam, cơ sở sản xuất của Cheng dự kiến có mức độ tự động hoá cao, giúp 400 công nhân sản xuất khoảng 8 triệu mũ bảo hiểm mỗi năm. Nơi này cũng sẽ sử dụng năng lượng xanh, với các tấm pin mặt trời và khả năng tái chế nước mưa.

Tuy nhiên, hiện tại, nhu cầu đối với đồ thể thao đã sụt giảm sau thời kỳ tích trữ hàng hoá “quá tay” trong đại dịch. Giờ đây, lượng hàng tồn kho của các khách hàng đã quá nhiều và phải hạn chế mua hàng trong năm nay. Do đó, số lượng đơn đặt hàng của Cheng giảm gần 70%.

Ở Minnesota, Mỹ, Dan Dirge, CEO của nhà sản xuất loa Micro Speakers, cho biết ông đã phải hoãn các chuyến hàng từ 4 đến 5 tháng do lượng hàng tồn kho của khách hàng đã quá nhiều. Tuy nhiên, theo ông, xu hướng này không làm chệch hướng những thay đổi trong chuỗi cung ứng.

Dirge nói thêm rằng, công ty của ông cũng điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình nhằm tránh ảnh hưởng của thuế quan Mỹ áp với Trung Quốc năm 2018.

Trung Quốc mất đi vị thế là "công xưởng toàn cầu"

Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển địa điểm sản xuất và đa dạng hoá sản phẩm để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, các nhà phân tích nước này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động kinh tế. Nhiều người cũng kêu gọi Bắc Kinh đưa ra những biện pháp để giữ chân doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời thúc giục các công ty Trung Quốc nâng cấp hoạt động sản xuất.

Giới chức Trung Quốc đã đưa ra nỗ lực toàn diện để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào nước này trong 4 tháng đầu năm nay vẫn sụt giảm. Ngoài ra, những vấn đề về an ninh mạng cũng khiến nhiều công ty nước ngoài đánh giá lại rủi ro về hoạt động ở Trung Quốc.

Liu Kaiming, trưởng Viện Quan sát Đương đại tại Thâm Quyến, cơ quan theo dõi điều kiện làm việc của các nhà sản xuất theo hợp đồng ở Trung Quốc, cho biết một khi rời đi thì các doanh nghiệp đó sẽ không quay trở lại.

Doanh nghiệp Trung Quốc loay hoay khi khách hàng 'chê' đồ 'Made in China', vội vã tìm cách chuyển sản xuất sang Đông Nam Á - Ảnh 2.

Ông cho hay: “Một số lượng lớn các công ty Trung Quốc cũng tiếp tục đầu tư vào năng lực sản xuất ở nước ngoài để tồn tại. Xu hướng này sẽ tiếp diễn. Việc các công ty tái xuất khẩu từ Trung Quốc sang ASEAN trong 2 năm qua diễn ra khá sôi nổi, chủ yếu là xuất khẩu nhiên liệu thô. Những sản phẩm này sẽ được sản xuất ngày càng nhiều ở Việt Nam và các thị trường mới nổi khác.”

Raymond Yow, thương nhân người Mỹ chuyên nhập khẩu các sản phẩm tân trang nhà ở, đã tham dự Canton Fair ở Quảng Châu vào tháng trước. Ông tìm hiểu các sản phẩm mới và gặp gỡ nhà sản xuất. Tuy nhiên, ông cũng dự định đến Đông Nam Á để cân nhắc nguồn cung mới và rẻ hơn.

Yow đã nghĩ đến việc nhập khẩu gỗ từ Indonesia. Việc người tiêu dùng nước ngoài không muốn dùng đồ do Trung Quốc sản xuất, đặc biệt là ở khu vực Trung Mỹ, đã gây áp cho các khách hàng bán lẻ của ông. Theo đó, Yow càng có động lực để đưa ra quyết định này.

Tuy nhiên, Yow lưu ý hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc “vẫn có những lợi thế lớn”. Ông nói về sự trơn tru của thương mại điện tử, logistics, chuỗi cung ứng và công nghiệp hiện đại. Vì áp lực từ bên ngoài, nên ông phải tìm kiếm những lựa chọn để đa dạng hoá.

Wang Gang, chủ một công ty sản xuất máy làm mát nhiệt điện ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, thì đối diện với những vấn đề phát sinh từ thách thức địa chính trị. Ông nói: “Năm 2017 và 2018 là khi chúng tôi cảm nhận được sự phản đối với các sản phẩm Trung Quốc. Khách hàng châu Âu không thích những sản phẩm của mình được dán nhãn ‘Made in China’.”

Sản phẩm của Gang vốn được sử dụng phổ biến trong tủ viễn thông, nhưng sau đó bị nhiều thị trường phương Tây, đặc biệt là Mỹ, ngừng sử dụng do lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Wang không có ý định chuyển hoạt động sản xuất đến Đông Nam Á, vì việc này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ như của ông.

Dẫu vậy, đây lại là thực tế mà nhiều nhà xuất khẩu của Trung Quốc phải đối mặt. Và điều này đang xảy ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu u ám và căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.

Tham khảo SCMP

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/doanh-nghiep-trung-quoc-loay-hoay-khi-khach-hang-che-do-made-in-china-voi-va-tim-cach-chuyen-san-xuat-sang-dong-nam-a-a102412.html