Vụ trưởng Thanh toán: 'Sẽ dẹp nạn tài khoản ngân hàng rác'

Từ đầu 2024, tất cả ngân hàng và trung gian thanh toán sẽ định danh giao dịch online dựa trên dữ liệu dân cư quốc gia, giải quyết nạn lừa đảo bằng tài khoản rác.

Thông tin trên được ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nêu tại họp báo Ngày không tiền mặt, sáng 26/5. Ông Tuấn cho biết Ngân hàng Nhà nước là đơn vị đầu tiên phối hợp với Bộ Công an để triển khai kế hoạch khai thác cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Vụ trưởng Thanh toán nói sau khi kế hoạch khai thác dữ liệu dự kiến hoàn tất vào 31/12 năm nay, tất cả tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán sẽ định danh khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip. Các giao dịch tại quầy và thanh toán online dự kiến cũng bắt buộc phải xác thực khách hàng bằng căn cước công dân gắn chip, góp phần giải quyết triệt để vấn nạn cho thuê, mượn, mua bán tài khoản ngân hàng tồn tại nhiều năm nay.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại họp báo Ngày không tiền mặt diễn ra ngày 26/5. Ảnh: SBV

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại họp báo Ngày không tiền mặt, ngày 26/5. Ảnh: SBV

Cục an toàn thông tin cho rằng tài khoản ngân hàng rác là nguồn gốc của nạn lừa tiền online diễn ra gần đây. Theo ông Trần Quang Hưng, Phó cục trưởng an toàn thông tin, để thực hiện lừa đảo, kẻ gian cần tài khoản ngân hàng để nạn nhân chuyển tiền vào. Trong nhiều vụ lừa đảo thời gian qua, nạn nhân dù biết số điện thoại, biết tài khoản nhận tiền nhưng vẫn khó truy ra kẻ đứng sau vì hầu hết sử dụng thông tin giả, gồm sim rác và tài khoản ngân hàng rác. Nếu giải quyết được tài khoản ngân hàng không chính chủ, lừa đảo trực tuyến có thể giảm được 80-90%.

Để giải quyết tình trạng này, Vụ trưởng Thanh toán cho biết phải chứng minh được chính chủ người mở tài khoản trong quá trình sử dụng, đặc biệt với giao dịch chuyển tiền điện tử.

"Chúng tôi đã giao các ngân hàng xem xét khẩu vị rủi ro, qua đó xác định ngưỡng thanh toán cần xác minh khách hàng dựa trên sinh trắc học", ông Tuấn cho biết.

Qua thống kê 4 tháng đầu năm, phần lớn các giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị nhỏ lẻ, chỉ 10% giao dịch có giá trị trên 2 triệu đồng một lượt. Trong khi đó, các giao dịch của tội phạm lừa đảo thường có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Vì thế, ông Tuấn nói các ngân hàng có thể đặt ngưỡng 5-10 triệu đồng một giao dịch, để yêu cầu xác minh sinh trắc học. Việc xác minh sẽ chỉ mất khoảng 5-7 giây do đó, theo ông cũng sẽ không ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng.

Vụ trưởng Thanh toán cũng cho biết các ngân hàng phải xác minh tại quầy với những khách hàng có nhiều tài khoản ngân hàng sử dụng trên cùng một SIM điện thoại. Bên cạnh đó, Vụ thanh toán cũng kỳ vọng Bộ Thông tin truyền thông giải quyết triệt để hơn tình trạng SIM rác nhằm hạn chế tối đa nạn lừa đảo tài chính.

Tại họp báo, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng thời gian qua. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam hiện đạt trên 74%, gần tiệm cận mục tiêu 80% người trưởng thành có tài khoản vào 2025.

Đến cuối 2022, 40 ngân hàng đã cho phép mở tài khoản thanh toán thông qua phương thức xác thực định danh điện tử (eKYC). Hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng eKYC và đang hoạt động.

Bên cạnh đó, số lượng và giá trị giao dịch qua ATM đã giảm tương ứng 2,7% và hơn 4% trong năm qua, là tín hiệu cho thấy xu hướng người dân ngày càng bớt phụ thuộc vào tiền mặt và xu hướng này sẽ diễn ra mạnh hơn trong những năm tới.

Quỳnh Trang

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/vu-truong-thanh-toan-se-dep-nan-tai-khoan-ngan-hang-rac-a102453.html