Tìm lại hào quang của kỷ nguyên thống trị dầu mỏ toàn cầu, Mỹ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực năng lượng mới, ganh đua vị thế số 1 của Trung Quốc

Mỹ cần các loại khoáng sản để sản xuất pin ô tô điện và các nước khác cũng vậy. Chính bởi thế, giấc mơ thống trị ngành năng lượng mới toàn cầu như những gì Washington đã làm với dầu mỏ đang mông lung hơn bao giờ hết.

Tìm lại hào quang của kỷ nguyên thống trị dầu mỏ toàn cầu, Mỹ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực năng lượng mới, ganh đua vị thế số 1 của Trung Quốc - Ảnh 1.

Hào quang quá khứ, gánh nặng tương lai

Trong nhiều thập kỷ, dầu mỏ đã trở thành công cụ mang lại sự thịnh vượng và ảnh hưởng cho người Mỹ trên toàn cầu. Với những doanh nghiệp hàng đầu cùng một vị thế lớn mạnh trên trường quốc tế, Mỹ thực sự đã phần nào kiểm soát được nguồn cung với loại nhiên liệu được ví như máu của nền kinh tế này. Thậm chí, Mỹ còn tác động được vào giá dầu dù nhiều năm không phải nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn.

Tuy nhiên, thế giới đang dần chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn và sự thống trị không nằm trong tay người Mỹ. Thay vao đó, ai kiểm soát được nguồn cung vật liệu cấp thiết dùng cho ngành công nghiệp pin và bán dẫn sẽ là người làm chủ cuộc chơi.

Hiện tại, Trung Quốc đang thống trị trong ngành công nghiệp pin, với các mỏ khai thác được xây dựng ở châu Á và châu Phi. Mỹ nhận thức rõ điều này và đang bắt đầu nỗ lực gia tăng ảnh hưởng. Các cuộc đàm phán nhằm gia tăng khả năng tiếp cận của Mỹ với các khoáng sản quan trọng như lithium, coban, niken và than chì đang diễn ra nhưng chưa kết quả nào được ghi nhận.

Tìm lại hào quang của kỷ nguyên thống trị dầu mỏ toàn cầu, Mỹ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực năng lượng mới, ganh đua vị thế số 1 của Trung Quốc - Ảnh 2.

Tại G7 vừa diễn ra ở Nhật Bản, các nhà lãnh đạo 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới đồng quan điểm rằng khi thế giới phụ thuộc tới 80% vào Trung Quốc trong việc khai thác các khoáng sản làm pin, họ sẽ phải chịu áp lực to lớn từ Bắc Kinh. Chính vì thế, nhóm này muốn quản lý các rủi ro với chuỗi cung ứng khoáng sản này và đa dạng hóa nguồn cung.

Trong khi đó, Mỹ và Australia đã công bố quan hệ đối tác nhằm chia sẻ thông tin và điều phối các tiêu chuẩn cũng như đầu tư nhằm tạo ra chuỗi cung ứng có trách nhiệm và bền vững hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng đây là “một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại khủng hoảng khí hậu”.

Tuy nhiên, người Mỹ vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Để có thể gây ảnh hưởng với chuỗi cung ứng các loại khoáng sản trong ngành công nghiệp xe điện không phải điều dễ dàng. Ở các nước giàu khoáng sản, tiêu chuẩn lao động và môi trường lại rất kém. Trong khi đó, các nước giàu, về cơ bản, vẫn tiếp tục tranh giành nhau để có được nguồn tài nguyên khan hiếm này bất chấp việc G7 nêu bật mối quan hệ liên minh và đối tác.

Nhật Bản đã ký một thỏa thuận quan trọng với Mỹ còn châu Âu đang tiếp tục đàm phán. Nhưng giống như Mỹ, các nền kinh tế này cũng có nhu cầu rất lớn với các khoáng sản này nhằm duy trì hoạt trọng sản xuất, kinh doanh của chính họ.

Chủ nghĩa dân tộc tài nguyên ngày càng mạnh

Kirsten Hillman, Đại sứ Canada tại Mỹ, nói rằng: “Các nước đồng minh có mối quan hệ đối tác rất quan trọng nhưng ở một mức độ nào đó, họ cũng là đối thủ cạnh tranh thương mại. Đó là quan hệ đối tác nhưng là đối tác với những mức độ căng thẳng nhất định”.

Trong khi đó, người bán cũng có quan điểm của riêng mình. Indonesia, quốc gia xuất khẩu niken lớn nhất thế giới, đã đưa ra ý tưởng xây dựng một liên minh các nhà xuất khẩu tài nguyên theo kiểu OPEC. Việc các nhà cung cấp bắt tay với nhau sẽ mang lại cho họ những quyền lực nhất định trong lĩnh vực then chốt này.

Và khi họ bắt tay, Mỹ lại có thêm một rào cản. Hiện tại, Indonesia được cho là đang tìm kiếm thỏa thuận với Mỹ như Nhật và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, một số quan chức cảnh báo tiêu chuẩn lao động và môi trường ở Indonesia không phù hợp với mong muốn của Mỹ. Và khi một nền kinh tế nghìn tỷ USD như Indonesia còn không đáp ứng được tiêu chuẩn của Mỹ, các quốc gia nghèo khó hơn ở châu Phi gần như chắc chắn cũng vậy.

Tìm lại hào quang của kỷ nguyên thống trị dầu mỏ toàn cầu, Mỹ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực năng lượng mới, ganh đua vị thế số 1 của Trung Quốc - Ảnh 3.

Cullen Hendrix, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho rằng chiến lược mà Chính quyền Tổng thống Biden xây dựng cho một chuỗi cung ứng quốc tế an toàn hơn hơi “thiếu mạch lạc và không đủ chi tiết để có thể đạt được mục tiêu đó”.

Nhu cầu về các loại khoáng sản này ở Mỹ phần lớn được thúc đẩy bởi Luật Khí hậu của Tổng thống Biden. Theo đó, luật này cung cấp ưu đãi thuế cho những khoản đầu tư nhằm vào chuỗi cung ứng xe điện, đặc biệt là trong khâu hoàn thiện pin. Tuy nhiên, ông Hendrix nói rằng luật này chỉ có thể đạt được thành công hạn chế ở các mỏ của Mỹ hơn là có ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu.

Và Mỹ không thể làm được điều đó một mình. Việc tìm kiếm các nguồn cung khoáng sản an toàn để phục vụ ngành công nghiệp xe điện của Mỹ rõ ràng là một mục tiêu thách thức. Trong khi đó, nhu cầu với lithium trên toàn cầu đang tăng mạnh và nếu khách hàng không phải là Mỹ, đó có thể là Trung Quốc hay nhiều quốc gia khác.

Nhu cầu với những vật liệu này còn có thể làm gia tăng làn sóng chủ nghĩa dân tộc tài nguyên. Bên cạnh Mỹ, EU hay Canada, nhiều chính phủ khác cũng bắt đầu đưa ra các chương trình trợ cấp để cạnh tranh tốt hơn trong việc thu mua tài nguyên và sản xuất pin.

Indonesia thì đang từng bước hạn chế xuất khẩu quặng niken thô, yêu cầu xử lý loại quặng này trong nước để tạo ra thành phẩm xuất khẩu. Chile cũng quyết định quốc hữu hóa ngành công nghiệp lithium của mình để kiểm soát tốt hơn các thách thức và tận dụng lợi thế. Bolivia và Mexico cũng đã làm các điều tương tự.

Ở phần còn lại, Trung Quốc đang mạnh tay đầu tư trong việc mua lại các mỏ và gia tăng công suất xử lý nguyên liệu thô. Lợi thế của Trung Quốc so với Mỹ là họ không có các quy định chặt chẽ liên quan tới môi trường và điều kiện lao động. Mỹ cố gắng thu hẹp khoảng cách bằng việc đẩy nhanh quy trình cấp phép khai thác mỏ và tăng cường quan hệ đối tác với các đồng mình giàu khoáng sản như Canada, Australia và Chile.

Tham khảo: NYTimes

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tim-lai-hao-quang-cua-ky-nguyen-thong-tri-dau-mo-toan-cau-my-no-luc-gia-tang-anh-huong-trong-linh-vuc-nang-luong-moi-ganh-dua-vi-the-so-1-cua-trung-quoc-a102462.html