Bên lề Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 6 diễn ra từ ngày 25-27/5 tại Nghệ An, TS.BS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, trong ngành thẩm mỹ làm đẹp, botulinum toxin rất quen thuộc, sử dụng rất phổ biến.
Về bản chất, có 7 loại botulinum (A, B, C, D, E, F và G) và cơ chế gây độc của từng loại là khác nhau. Tuy nhiên chỉ hai loại A và B được ứng dụng trong y học.
"Tiêm botulinum toxin (botox) là một ứng dụng trong thẩm mỹ da liễu, được nhiều người lựa chọn giúp tạo hình khuôn mặt, giảm nếp nhăn (đặc biệt nhăn vùng trán, mắt, cổ), tạo hình đường nét cơ thể...", TS Hà thông tin.
Đúng như tên gọi, botulinum toxin là một độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum. Ðộc tố này ngăn chặn luồng thần kinh đến cơ, do đó làm liệt vận động cơ. Chính vì với tác dụng làm liệt cơ nên nó được ứng dụng rộng rãi trong y học, đặc biệt trong thẩm mỹ để làm đẹp, giảm nếp nhăn.
"Tuy nhiên, botulinum toxin trong thẩm mỹ thường được dùng thuộc nhóm A - loại có độc lực thấp nhất chỉ gây yếu cơ nơi tiêm, đảm bảo an toàn", TS Hà khẳng định.
TS Hà giải thích thêm, botox ứng dụng trong làm đẹp được tiêm với liều cực nhỏ, không đủ gây độc, liều lượng tiêm vào không đủ để gây phản ứng toàn thân như botulinum loại B. Thông thường, một lọ botox thành phẩm là 100 đơn vị (UI). Trong khi đó, với một người nặng khoảng 70kg, liều gây tử vong trung bình của botox là 2.000 - 3.000 UI.
"Tiêm botox với liều chỉ định, chỉ có tác dụng tại chỗ vị trí tiêm, như tiêm vùng cổ, trán, mắt để ngăn nếp nhăn, không thể gây ngộ độc. Cụ thể, liều sử dụng trong điều trị thẩm mỹ các vùng cơ lớn trung bình 60 đến 400 UI. Ở vùng nhỏ hơn như xóa nhăn vùng mắt chỉ cần 10-15 UI, vùng trán 20-30 UI, không đủ mức gây ngộ độc. Sau từ 4-6 tháng, tác dụng của botox dần biến mất hoàn toàn, vùng tiêm trở về như cũ", TS Hà nói.
Chuyên gia này thông tin thêm, botulinum loại A được cấp phép sử dụng trong ngành thẩm mỹ trên toàn thế giới, được sử dụng rất quen thuộc.
Tuy nhiên, TS Hà cảnh báo, tuyệt đối không tiêm botox tại các cơ sở không được cấp phép, không đảm bảo về nguồn gốc sản phẩm.
Chị em cũng không nên lạm dụng tiêm botox liên tục, dùng quá liều khuyến cáo. Một số biến chứng có thể gặp khi tiêm botox như vết bầm tím, phù nề hoặc đau tại chỗ tiêm, áp xe, mắt mờ, đau đầu, buồn nôn... Các biến chứng nguy hiểm nhưng ít gặp hơn, bao gồm sa mí mắt và chân mày, có thể kéo dài từ 2 - 3 tháng, hay ngộ độc lan sang các cơ quan lân cận khu vực thẩm mỹ.
"Thực hiện tiêm ở các bệnh viện chuyên khoa, cơ sở thẩm mỹ được cấp phép, bác sĩ chuyên khoa được đào tạo, có chứng chỉ hành nghề sẽ hạn chế tối đa các nguy cơ này. Vì thế, tuyệt đối không tiêm "dạo" ở các cơ sở spa không được cấp phép, như thực trạng tai biến tiêm chất làm đầy filler tại các cơ sở này dẫn đến tai biến mù mắt, chảy mủ... như truyền thông cảnh báo thời gian qua", TS Hà cảnh báo.
Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh - Giám đốc BV Da liễu Trung ương, các tai biến liên quan làm đẹp luôn hiện hữu, nhưng phần lớn trường hợp tai biến đến viện khám đều do làm đẹp không an toàn tại nhiều cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép.
"Ngày nào chúng tôi cũng có 1-3 ca tai biến liên quan làm đẹp phải nhập viện, với hàng trăm ca mỗi tháng. Có những trường hợp mặt nổi nhiều nốt sần, viêm da trầm trọng vì bôi các sản phẩm không rõ nguồn gốc để detox da, làm trắng da; hay có những ca phù nề, hoại tử da do tiêm chất làm đầy filler; biến chứng gặp phải do tiêm xóa nhăn nhưng lại tiêm nhầm vị trí...", PGS Doanh cho biết.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tiem-botulinum-toxin-lam-dep-co-an-toan-a102585.html