Vì sao nhiều hành khách tìm cách mở cửa máy bay

Dù vô tình hay cố tình, việc cố gắng mở cửa thoát hiểm máy bay bị coi là đe dọa nghiêm trọng an toàn bay. Nhiều hành khách từng bị bắt giữ, thậm chí cấm bay vì hành vi này.

Ngày 26/5, một nam hành khách trên phi cơ Airbus A321 của Asiana Airlines đã mở cửa thoát hiểm ở độ cao 200 m, khi phi cơ chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Daegu (Hàn Quốc). Video quay lại cho thấy gió lùa mạnh vào cabin.

Yonhap News dẫn tuyên bố của Sở Cảnh sát Daegu Dongbu cho biết người đàn ông trong độ tuổi 30, khai rằng anh ta mở cửa thoát hiểm do "muốn nhanh chóng rời khỏi máy bay". Người này cũng cho biết cảm thấy căng thẳng trong cuộc sống do vừa mất việc.

Mỗi máy bay vận chuyển của một hãng hàng không bất kỳ đều có cửa thoát hiểm và chỉ khác nhau về mặt số lượng. Nó thường được bố trí theo từng cặp ở các vị trí: phía trước, ở giữa, phía sau máy bay.

Khi lên máy bay, tiếp viên luôn có trách nhiệm hướng dẫn cho hành khách rằng chỉ được phép mở cửa khi gặp tình huống khẩn cấp. Tuy vậy, với nhiều lý do, các trường hợp hành khách tìm cách mở cánh cửa này trong lúc bay trên trời không hề hiếm gặp ở nhiều hãng hàng không, nhiều quốc gia.

cua thoat hiem may bay anh 1

Cửa của chiếc máy bay đã bị mở ra ngay trước khi nó hạ cánh. Ảnh: Yonhap.

Thiếu kiến thức, nhầm lẫn

Đầu năm 2015, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc thông báo chỉ trong 4 tháng đầu năm, đã có 12 người cố gắng mở cửa khẩn cấp. Một người đàn ông họ Piao đã phải hầu tòa với cáo buộc gây nguy hiểm cho an toàn công cộng ở thành phố Diên Cát (tỉnh Cát Lâm).

Piao đã nâng nhầm tay nắm của cửa thoát hiểm khi máy bay đang lăn bánh, khiến đường trượt khẩn cấp bung ra. Phi hành đoàn phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để dừng máy bay.

Chuyến bay bị trì hoãn trong 4 giờ và làm gián đoạn hoạt động của sân bay. Piao bị giam giữ hành chính trong 10 ngày.

Giới chức không kết luận cụ thể nguyên nhân cho sự gia tăng số lượng, song một lý do dễ hiểu là người Trung Quốc đang đi du lịch với số lượng kỷ lục. Nhiều người mới bay lần đầu và thiếu kiến ​​thức cơ bản về an toàn hàng không.

Trước đó không lâu, một người đàn ông đã mở cửa khẩn cấp để "cho không khí trong lành vào trong" khi hành khách đang lên máy bay ở thành phố Hàng Châu.

Ngoài thiếu hiểu biết, nhiều sự cố khác xảy ra vì hành khách vô tình. Năm 2019, một hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không quốc tế Pakistan đã khiến chuyến bay Manchester (Anh) – Islamabad (Pakistan) bị chậm 7 tiếng khi mở nhầm cửa.

cua thoat hiem may bay anh 2

Cửa ra vào, cửa thoát hiểm là một phần trong những hệ thống bảo đảm khoang máy bay luôn kín khí và duy trì áp suất như dưới mặt đất. Ảnh: Washington Post.

Trong lúc chuẩn bị cất cánh, người phụ nữ đứng dậy khỏi chỗ ngồi để đi vệ sinh. Người này đi đến cửa sau bên trái của máy bay, nghĩ rằng đó là cửa phòng vệ sinh và vô tình mở máng thoát hiểm.

Sai lầm này đã khiến chuyến bay vốn kéo dài 7 giờ 50 phút kéo dài gấp đôi do phi hành đoàn cần đặt lại chỗ ngồi cho 21/393 hành khách và giảm tải 35 người vì cửa thoát hiểm phía sau không còn sử dụng được nữa.

Tương tự, vào năm 2018, một người lần đầu tiên di chuyển trên chuyến bay của hãng GoAir (Ấn Độ) cũng cố gắng mở lối thoát hiểm phía sau vì nghĩ rằng đó là buồng vệ sinh. May mắn, tiếp viên kịp thời ngăn chặn.

Cố tình

Ngoài lý do nhầm lẫn, cũng không ít trường hợp do khách đi máy bay cố tình gây rối hay do say xỉn, dẫn đến thiếu kiểm soát.

Để giáo dục công chúng và ngăn chặn những hành vi như vậy lặp lại, cơ quan quản lý du lịch ở Trung Quốc từng công khai đưa Zhou Yue - một cư dân Bắc Kinh - vào danh sách đen phục vụ vì hành xử thô lỗ.

Bực bội vì chuyến bay bị hoãn, Zhou đã dùng vũ lực mở hai cửa thoát hiểm trên một chuyến bay nội địa vào tháng 1/2015. Giới chức cho biết hành vi này “đã làm tổn hại nghiêm trọng đến an toàn hàng không, làm gián đoạn hoạt động bay và gây ra tác động xã hội xấu”.

Tháng 10/2019, trên chuyến bay Boeing 777 của hãng hàng không Nordwind Airlines từ Moskva (Nga) đến Phuket (Thái Lan), 7 người phải hợp sức mới khống chế nổi một hành khách say xỉn lao tới cửa thoát hiểm đòi mở khi máy bay đang ở độ cao hơn 10.000m.

Phi hành đoàn phải dùng màng bọc thực phẩm để cố định vị khách say vào ghế, trước khi máy bay có thể hạ cánh khẩn cấp giữa chừng an toàn xuống Uzbekistan. Trong lúc đó, hai vị khách say xỉn khác tiếp tục làm ầm trong cabin.

Hồi tháng 3, Francisco Severo Torres - 33 tuổi, đến từ Massachusetts (Mỹ) - bị bắt tại sân bay quốc tế Boston Logan. Trước đó, trên chuyến bay của United Airlines, tiếp viên đã kiểm tra và phát hiện tay nắm cửa máy bay bị dịch chuyển khỏi vị trí khóa.

cua thoat hiem may bay anh 3

Trên lý thuyết, cửa máy bay không thể mở khi phương tiện này di chuyển trên không trung. Ảnh: News.com.au

Một tiếp viên đã nghi ngờ Torres sau khi quan sát anh. Người đàn ông 33 tuổi yêu cầu trích xuất camera nhưng sau đó đánh một tiếp viên đang đứng ở lối đi gần cửa bằng một chiếc thìa kim loại bị gãy, đâm ba nhát vào cổ người này với lý do "tự vệ".

Sau đó, Torres tới khu bếp, vặn cửa nhưng không thành công với ý định nhảy khỏi máy bay. Torres thừa nhận anh ý thức được nếu mở cửa, rất nhiều người sẽ thiệt mạng.

"Tấn công máy bay từ bên trong"

Một lý do khác có thể kể đến là tác động của phim ảnh khiến khán giả dễ nhầm lẫn. Trong các bộ phim hành động, nhân vật chính có thể dễ dàng mở cửa lúc máy bay đang bay và thoát ra ngoài dễ dàng.

Tuy nhiên, thực tế là cửa thoát hiểm không thể mở khi phương tiện này đang di chuyển trên không trung, do chúng được thiết kế để đóng chặt trên không.

Doug Moss, một phi công hàng không đã nghỉ hưu và là người hướng dẫn chương trình an ninh và an toàn hàng không tại Trường Kỹ thuật Viterbi của Đại học Nam California (Mỹ), nói với Washington Post: “Không ai có thể có đủ sức mạnh để thắng được chênh lệch áp suất".

Do đó, giới chuyên gia hàng không đánh giá sự cố vừa rồi ở Hàn Quốc là hy hữu.

Nick Wilson, phó giáo sư hàng không tại Đại học North Dakota ở Mỹ, cho biết: “Khi máy bay hạ độ cao, áp suất khí quyển có thể cân bằng với trong khoang ở độ cao rất nhỏ, khiến người đàn ông có thể mở được cửa".

Các chuyên gia cho hay sự việc xảy ra khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, thời điểm phi hành đoàn và hành khách đều thắt dây an toàn. "Sẽ không ai bị hút ra ngoài máy bay như trong phim, nhưng bản thân người mở cửa chắc chắn đối mặt với nguy cơ rơi khỏi phi cơ", phó giáo sư Wilson nhận xét.

Tuy vậy, riêng việc cố gắng mở cửa thoát hiểm đã bị coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng an toàn bay và phải đối mặt với án phạt.

Dennis Tajer, cơ trưởng của American Airlines kiêm đại diện của hiệp hội các phi công của hãng ở Mỹ, cho biết: “Tôi xin nói rõ việc cố mở thoát hiểm là một vụ tấn công máy bay từ bên trong. Mặc dù sẽ không thành công vì kỹ thuật, nhưng nó vẫn bị coi là mối đe dọa".

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/vi-sao-nhieu-hanh-khach-tim-cach-mo-cua-may-bay-a102836.html