Trong thời đại AI lên ngôi, hơn 500 triệu Gen Z ở độ tuổi 18-26 tự tin, sẵn sàng tâm thế tham gia và thích nghi với thị trường lao động châu Á - Thái Bình Dương. Đây là sự thay đổi lớn về nhân khẩu học tại các cơ quan, nơi làm việc, theo SCMP.
Không chỉ chịu tác động của thị trường việc làm biến động trong mùa dịch, những người trẻ còn phải đối mặt với lạm phát, đặc biệt khi giá thực phẩm, điện thoại và chỗ ở tăng cao.
Thế hệ này cũng sống trong thời đại của nghề tay trái: sáng tạo nội dung, kinh doanh online, sử dụng và khai thác công nghệ. Họ làm nhiều công việc cùng lúc, tự trau dồi kỹ năng để kiếm thêm thu nhập.
Gen Z không có lựa chọn giữa cuộc sống hay công việc. Xã hội già hóa nhanh gây ra nhiều hệ quả, khiến họ phải đối mặt với không ít gánh nặng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như phúc lợi xã hội bị cắt giảm, rủi ro trong cách mạng lao động do AI mang lại.
Thế hệ trẻ coi nghề tay trái là phần thiết yếu trong con đường sự nghiệp. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Tài chính là nhu cầu thiết yếu, nhưng tiền cũng không phải là động lực duy nhất khiến nhiều người “gồng mình” làm song song nhiều việc.
“Hiện nay, nhiều Gen Z coi nghề tay trái như phần cần có trong con đường sự nghiệp”, chiến lược gia nghề nghiệp Singapore Adrian Choo cho biết.
Theo cuộc khảo sát gần đây của công ty kiểm toán Deloitte với 15.000 người (đến từ 44 quốc gia), 46% Gen Z có hai công việc chính phụ cùng lúc. Ngoài ra, 35% cho biết chi phí sinh hoạt là áp lực lớn nhất, 51% cảm thấy cuộc sống vẫn đang thiếu thốn.
“Thời điểm thế hệ Gen Z tốt nghiệp đại học tồn tại không ít thách thức. Nhiều người phải đi làm thêm trong thời kỳ dịch dã để lo liệu chi tiêu hàng ngày”, Santor Nishizaki, chuyên gia lãnh đạo tổ chức có trụ sở tại Los Angeles, cho hay.
Tuy nhiên, nền văn hóa nghề tay trái cũng mang lại nhiều rủi ro như làm việc quá sức và căng thẳng. Ngoài ra, thế hệ trẻ có cơ hội học và tích lũy nhiều kỹ năng, nhưng cũng vì vậy mà thiếu kiến thức chuyên môn về một lĩnh vực cố định.
Trên thực tế, theo luật pháp, đôi khi mọi người không được phép làm thêm công việc khác.
“Việc các nhà tuyển dụng bổ sung điều lệ không cho phép nhân viên làm việc ở địa điểm khác khá phổ biến. Do vậy, cần nắm rõ các điều khoản trong hợp đồng để tránh vi phạm lỗi”, Wendy Wong, luật sư tại Simmons & Simmons (Hồng Kông), cho biết.
Tiền không phải lý do duy nhất để người trẻ "đổ xô" đi làm thêm. Ảnh: Kampus Production/Pexels. |
Meg Rutherford (26 tuổi, New Zealand), luật sư thương mại, luôn tranh thủ thời gian cuối tuần để đảm nhiệm thêm công việc tạo mẫu cho trẻ em từ 4 đến 14 tuổi tham gia các bữa tiệc dành cho phái nữ.
Sau khi mua nhà vào năm ngoái, tài chính trở thành gánh nặng lớn đối với gia đình cô.
Tháng 3, Rutherford xây dựng trang mạng xã hội để quảng bá hoạt động kinh doanh của mình. Cô cho biết đó là phương tiện cần thiết để mở rộng phạm vi khách hàng, đặc biệt với những người mới bắt đầu kinh doanh như cô.
Cũng như Rutherford, Rizky (25 tuổi, Indonesia) ngoài công việc chính là giáo viên dạy kịch, anh còn thiết kế đồ họa tự do trên mạng. Rizky cho biết mỗi sản phẩm như tờ rơi, logo và tạo hình minh họa chỉ có giá 10-30 USD, song cũng giúp cuộc sống anh bớt khó khăn.
“Chi phí chi tiêu ngày càng tăng cao”, Rizky chia sẻ.
Bên cạnh đó, không ít người tìm thêm công việc phụ theo sở thích để thỏa say mê.
“Nghề tay trái vừa là đam mê, vừa giúp tôi có thêm tiền tiêu vặt, đủ chi trả một vài hóa đơn”, Joshua Bartholomew (22 tuổi, Malaysia) chia sẻ.
Hiện tại, anh làm việc ở cửa hàng nhạc cụ và công việc làm thêm là ca sĩ tự do tại các lễ hội nhỏ, quán rượu và đám cưới.
Joshua Bartholomew theo đuổi sở thích, chọn ca hát làm nghề tay trái. Ảnh: Handout. |
Tuy nhiên, Bartholomew thừa nhận làm thêm việc thứ hai khiến anh khá mệt mỏi, đặc biệt khi phải tự xoay sở mọi thứ: quảng bá, kiểm tra âm thanh,...
Thực tế, nhiều người buộc phải đánh đổi nhiều thứ trong cuộc sống vì khó khăn trong việc cân bằng hai công việc. Chang Cho Yew, sinh viên năm cuối (24 tuổi, Singapore), cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Chang tự gây dựng công ty quảng cáo bất động sản PropUp và tiếp tục có vài ý tưởng kinh doanh mới khác, khiến anh cân nhắc việc bỏ học. Trước đây, Chang cũng từng bảo lưu một năm học do gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng học với làm, điểm số bị giảm sút.
“Tôi tự tin đánh bại các sinh viên khác trong ‘cuộc chiến’ việc làm. Tiền sẽ không thiếu nếu chúng ta có năng lực”, Chang bày tỏ.
Tương tự, sau khi chung tay xây dựng “đế chế” kinh doanh online, hai cô gái người Singapore Vanessa Neo (28 tuổi) và Calvina Thenderan (27 tuổi) cảm thấy kiệt sức. Cả hai phải vật lộn để cân bằng hoạt động kinh doanh với công việc chính ở văn phòng, hy sinh thời gian cho sở thích cá nhân, gia đình, bạn bè.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/gen-z-coi-nghe-tay-trai-la-duong-nhien-a103084.html