Chỉ 42,3% trong số 700 cư dân Seoul được khảo sát cho biết họ hài lòng với cuộc sống của mình. Ảnh: Nina Ahn. |
Trung tâm châu Á của Đại học Quốc gia Seoul (SNU) và Nghiên cứu Hankook thăm dò 10.500 cư dân của 15 thành phố, thủ đô đông dân nhất thế giới - bao gồm Ankara, Bắc Kinh, Jakarta, Jerusalem, Hà Nội, Kuala Lumpur, London, New Delhi, New York, Paris, Riyadh, Seoul, Singapore, Đài Bắc, Tokyo (700 người mỗi nơi) - về mức độ hài lòng trong cuộc sống.
Kết quả cho thấy Seoul (Hàn Quốc) xếp cuối cùng, theo Chosun Ilbo.
81% cư dân Seoul cho biết con cái là gánh nặng đối với họ, trong khi chỉ 68,1% xem chúng đồng thời là nguồn hạnh phúc.
Tokyo (Nhật Bản) cũng có nhiều bậc cha mẹ coi con cái là gánh nặng hơn nguồn hạnh phúc, với tỷ lệ 65% và 60%.
Tại Jakarta (Indonesia), 95,4% cho rằng trẻ em là nguồn hạnh phúc và chỉ 24,4% cảm thấy chúng là gánh nặng. Ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) và Hà Nội (Việt Nam), hơn 93% coi trẻ em là nguồn hạnh phúc, còn tại Bắc Kinh (Trung Quốc) là 90,7%.
Các nhà nghiên cứu cho biết nuôi dạy con cái tốn kém tiền bạc, nhưng thông thường niềm vui khi có chúng lớn hơn nỗi lo về chi phí. Tuy nhiên, ở Seoul, gánh nặng này đè nặng lên hạnh phúc, làm trầm trọng thêm tỷ lệ sinh thấp.
Khoảng 21,9% cư dân Seoul nói rằng họ không hài lòng với cuộc sống gia đình, trong khi 38,3% bất mãn với công việc. Chỉ 42,3% hài lòng với cuộc sống.
Đáng ngạc nhiên, Bắc Kinh xếp hạng đầu tiên với 84,9% hài lòng với cuộc sống, tiếp theo là 80,3% ở New Delhi (Ấn Độ). Ngay cả tại New York (Mỹ) và London (Anh) nổi tiếng cáu kỉnh, hơn 70% cho biết họ đang cảm thấy điều tương tự.
Một lý do khiến người Hàn Quốc không hài lòng với cuộc sống có thể là họ có xu hướng ưu tiên công việc hơn gia đình.
Yoo Jo-an tại SNU cho biết: “Ở các thành phố lớn trên thế giới, khi bạn nhận được cuộc điện thoại báo tin con cái bị ốm và xin sếp nghỉ ngang, đó là lý do dễ dàng được chấp nhận, nhưng không phải ở Hàn Quốc”.
Xu hướng so sánh cuộc sống của mình với người khác của cư dân Hàn Quốc cũng là nguồn gốc của sự bất hạnh và lo lắng. Mức độ hài lòng trong công việc thấp có thể do hệ thống phân cấp cứng nhắc, tồn tại ở nhiều nơi và biến lao động thành công việc cực nhọc đối với cấp dưới.
Cư dân Seoul cũng không tin tưởng người lạ nhất với 71,4%, trong khi chỉ có 6,4% lựa chọn ngược lại. Tại Tokyo, 48,4% cảnh giác với người lạ và ở New York là 35,4%.
Điều đó bao gồm cả tư tưởng bài ngoại, với chỉ 8,9% người Seoul nói rằng họ tin tưởng người nước ngoài, so với 44,3% ở New York, 43,6% ở London và 29% tại Bắc Kinh.
Cư dân Seoul cũng không mấy quan tâm tới hàng xóm khi chỉ có 24,1% nói rằng có thời gian dành cho họ. Tỷ lệ này là hơn 50% ở hơn 10 thành phố lớn.
Huh Jung-won tại Trung tâm Châu Á của SNU cho biết: “Sự cảnh giác của cư dân Hàn Quốc đối với người lạ ngày càng mạnh mẽ hơn. Nhiều người tin rằng họ sống trong quốc gia đồng nhất, trong khi sự cạnh tranh xã hội ngày càng khốc liệt”.
Sự bùng nổ của webtoon
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/noi-co-nhung-cu-dan-kem-hanh-phuc-nhat-the-gioi-a103422.html