Vấn nạn du lịch quá mức khiến các nhà chức trách trên khắp thế giới đau đầu. Ảnh: CNN. |
Khi bước vào mùa cao điểm của du lịch hè ở châu Âu, thường bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 9, không chỉ các hãng hàng không luôn trong tình trạng quá tải mà nhiều điểm đến cũng gặp vấn đề tương tự.
Theo Euronews, nhiều nơi đã bị tàn phá nặng nề vì không thể kiểm soát lượng du khách khổng lồ đổ về mỗi ngày.
Một số địa điểm đông đúc đến mức áp đảo người dân địa phương, khiến họ khó chịu và yêu cầu các nhà chức trách phải đặt lệnh hạn chế đối với số lượng du khách, đặc biệt là tại những điểm chụp ảnh tự sướng phổ biến.
Gần đây, Marseille (Pháp) đã thực hiện giải pháp này, còn Venice (Italy) thì cấm các tàu thuyền du lịch.
Nhiều hòn đảo của Tây Ban Nha cũng thể hiện sự quyết liệt với làn sóng du khách Anh. Thậm chí, đảo Lanzarote tuyên bố nơi này là khu vực bão hòa du lịch, trong khi Mallorca có kế hoạch đặt giới hạn 430.000 khách trên khắp khu vực.
Du lịch quá mức đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân địa phương. Ảnh: The Guardian. |
Thị trấn Portofino ở Riviera (Italy), chỉ có 400 cư dân sinh sống nhưng tràn ngập hàng nghìn du khách, đã thành lập các điểm treo biển cấm để ngăn người ngoài chụp ảnh selfie.
Bất kỳ ai bị bắt gặp nằm dài trên cầu cảng trong khoảng thời gian từ 10h30 đến 18h đều có nguy cơ bị phạt khoảng 270 euro.
Nơi nào càng đẹp, càng bị tàn phá
Hallstatt, một thị trấn nhỏ tại Áo đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới nhờ cảnh đẹp như tranh vẽ với sự hùng vĩ của những ngọn núi và mặt nước trong vắt ở Hallstätter See.
Địa điểm này được cho là đã truyền cảm hứng để tạo nên Vương quốc Arendelle trong loạt phim hoạt hình Frozen. Đồng thời, bối cảnh cũng là nơi sinh ra của “Nữ hoàng băng giá” Elsa và Công chúa Anna.
Vì thế, Hallstatt được mệnh danh là “hòn ngọc nước Áo” hay “xứ sở thần tiên”, "ngôi làng cổ tích".
Hàng năm, thị trấn này thu hút hàng triệu du khách đến tham quan. Phần lớn đều muốn chụp ảnh selfie với khung cảnh thơ mộng nổi tiếng. Nhưng điều đó lại làm xáo trộn cuộc sống yên bình của người dân địa phương.
Tấm rào gỗ được dựng ở nơi du khách hay ghé qua check-in. Ảnh: BBC. |
Trước sự phản đối kịch liệt về tình trạng du lịch quá mức, chính quyền đã quyết định dựng một hàng rào gỗ để chặn tầm nhìn và ngăn dòng người đổ xô đến check-in.
Song biện pháp này đã làm gián đoạn đời sống sinh hoạt của người dân và tạo ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội đến mức nó phải bị dỡ bỏ, theo Euronews.
Alexander Scheutz, Thị trưởng của Hallstatt, thông báo ông dự định treo một biểu ngữ kêu gọi khách du lịch giữ thái độ lịch sự và tôn trọng cộng đồng địa phương.
Theo các phương tiện truyền thông tại Áo, người dân cũng muốn được trả lại không gian yên bình vốn có, đồng nghĩa với việc có ít người lạ ghé thăm khu vực.
Hiện tại, chính quyền Hallstatt đã áp đặt giới hạn số lượng phương tiện, xe buýt và ôtô có thể vào “ngôi làng cổ tích” mỗi ngày. Nhưng con số thường xuyên đạt đến giới hạn khiến thị trưởng Scheutz phải nói với báo chí Áo rằng cư dân chỉ muốn được ở một mình.
Du khách ồn ào
“Du lịch quá mức đã trở thành một vấn đề lớn ở khắp mọi nơi từ các bãi biển của châu Âu đến những thành phố nổi tiếng”, Euronews đưa tin.
Rome (Italy), có 26 triệu khách du lịch vào năm ngoái, buộc phải thực hiện các biện pháp như hạn chế tiếp cận đài phun nước Trevi và không cho phép ngồi trên Bậc thang Tây Ban Nha.
Vào tháng 6/2022, một du khách người Mỹ cũng đã bị cấm tham quan suốt đời sau khi gây thiệt hại 26.000 USD tại di tích này.
Hàng nghìn du khách đổ về Venice (Italy) khiến nơi này bị tắc nghẽn. Ảnh: CNN. |
Amsterdam (Hà Lan), nơi người dân địa phương bực tức khi phải chịu cảnh hàng loạt khách du lịch ồn ào chiếm đường, dự kiến có 18 triệu du khách trong năm nay.
Theo thống kê của Spire Global, đơn vị phân tích dữ liệu dựa trên không gian, quốc gia có mùa hè bận rộn nhất châu Âu là Hy Lạp, với 287.070 chuyến bay quốc tế trong những tháng cao điểm.
Đó là mức tăng gấp 9 lần vào tháng 8, mùa du lịch nhộn nhịp ở Hy Lạp, so với tháng 2 yên tĩnh hơn của nước này.
Vị trí thứ hai là Croatia với số chuyến bay quốc tế tăng gấp 5 lần và hơn 55.150 chuyến bay nội địa trong tháng 7.
Albania đứng thứ ba, thu hút hơn 35.530 chuyến bay quốc tế trong cùng kỳ năm ngoái, cũng có mật độ chuyến bay tăng gấp 5 lần trong mùa hè so với thời gian thấp điểm.
Lý do khiến chúng ta thích tích trữ sách
Bất chấp sự ra đời của sách nói và sách điện tử, sách bìa cứng và bìa mềm vẫn tiếp tục tràn ngập thị trường dành cho những độc giả thích giao diện sách giấy. Trọng lượng khi cầm trên tay và cảm giác được lật giờ từng trang khiến họ thích thú. Với những người yêu sách, việc phải vứt bỏ một cuốn là chuyện đau lòng, dù họ đã đọc xong và biết rằng không bao giờ lật ra một lần nào nữa, theo Washington Post.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/am-anh-du-lich-he-a103475.html