Công ty chi tiền để nhân viên tập gym, bơi lội

Gói tập gym là chế độ phúc lợi của một số doanh nghiệp, nhiều quản lý cũng sẵn sàng giảm giờ làm việc trong ngày để nhân sự luyện tập, vận động, tham gia trekking, chạy marathon.

Nhiều công ty tích cực mở các lớp rèn luyện thể chất cho nhân viên. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

2 tháng qua, công ty của Huyền Sương (26 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bổ sung gói tập thể dục miễn phí vào danh sách phúc lợi dành cho nhân viên. Đó cũng là khoảng thời gian cô có mặt thường xuyên ở phòng gym, cùng với nhiều đồng nghiệp khác của mình.

Trước đây, nhân sự này không mấy hào hứng với các hoạt động thể thao, rèn luyện thể chất. Khoản chi phí mua gói tập tại phòng gym không quá lớn, nhưng cô thường ưu tiên dùng tiền cho việc mua sắm, du lịch và giải trí.

“Từ ngày được công ty tài trợ gói tập, tôi đến phòng gym 3-4 buổi/tuần. Phúc lợi này không thể quy đổi ra tiền mặt, tôi tập đều đặn để không lãng phí”, cô nói với phóng viên.

Công ty trả tiền để nhân viên vận động

Theo Huyền Sương, gói tài trợ của công ty cô bao gồm các tiện ích như gym, yoga, boxing và zumba. Trong khi một số đồng nghiệp hào hứng với gym, cô lại đặc biệt yêu thích yoga.

Phòng tập boxing và zumba kén người tham gia hơn do đòi hỏi kỹ thuật nền, chỉ áp dụng đối với người từng học tại lớp đào tạo cơ bản.

tap gym anh 1

Huyền Sương cho rằng khó có thể duy trì luyện tập thường xuyên khi công ty bước vào mùa chạy dự án.

Trung tâm luyện tập chỉ cách công ty 2 km, Sương và các đồng nghiệp không ngại di chuyển, coi đây là hoạt động tập thể mang tính giải trí sau 8 tiếng làm việc căng thẳng.

Nhân viên văn phòng này còn đầu tư 2 triệu đồng cho thảm yoga cá nhân, quần áo tập luyện nhiều màu sắc, kiểu dáng khác nhau.

Tuy nhiên, Sương cho rằng mình khó có thể kéo dài việc tập luyện đều đặn như hiện tại. Lý do chính bởi trong thời gian tới, công ty cô bước vào giai đoạn chạy dự án bận rộn, nhân viên thường xuyên phải làm việc quá giờ.

Rời văn phòng lúc 21h-22h, cô sẽ không thể đi tập được nữa vì mệt và phòng gym đóng cửa.

Khác với Huyền Sương, Gia Hân (28 tuổi, quận 10, TP.HCM) không cần di chuyển đến phòng tập dịch vụ bởi công ty cô có không gian tập gym và hồ bơi nội bộ ngay tại tầng trệt.

Theo Hân, phòng gym tại công ty được đầu tư bài bản với diện tích hơn 100 m2, trang bị đầy đủ các thiết bị, máy móc. Sau giờ làm, cô thường cùng đồng nghiệp đến đây để chạy bộ trên máy, đạp xe, tập các bài mông, đùi, lưng đơn giản

“Nếu tập luyện bên ngoài, tôi phải tốn khoảng 600.000 đồng/tháng cho phòng tập, chưa tính chi phí cho huấn luyện viên cá nhân”, cô bày tỏ.

tap gym anh 2

Gia Hân sử dụng phòng gym ngay tại tầng 1 công ty sau khi hoàn thành công việc.

Nhưng với Gia Hân, dù mọi thứ có sẵn, không phải nhân sự nào cũng thích tập luyện tại phòng tập của công ty. Nhiều người ngại việc phải mang theo đồ tập, tắm rửa tại đây, trong khi một số khác cũng không thoải mái khi đến khu vực hồ bơi đông đồng nghiệp.

“Tôi ước tính chỉ khoảng 20% nhân sự của công ty sử dụng phòng gym trong tòa nhà. Tôi cũng ngại khi đi tập mà gặp đồng nghiệp, nhân viên phòng ban khác, nói chung cũng không thoải mái hoàn toàn”, cô nói.

Dù còn khá nhiều bất tiện, nhưng Gia Hân vẫn hoàn toàn ghi nhận những sự cố gắng của các sếp khi muốn cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhân sự.

Ngoài việc được tập luyện miễn phí, định kỳ hàng tháng, công ty cô còn hợp tác cùng các đơn vị chuyên nghiệp bên ngoài để tổ chức workshop về tập luyện, phát triển các câu lạc bộ cầu lông, bóng bàn, bóng đá… Một số quản lý sẵn sàng giảm giờ làm trong ngày để nhân viên đi tập thể thao.

“Công ty tôi còn có chính sách tài trợ vé tham gia chạy marathon, hỗ trợ chi phí các tour trekking cho nhân viên”, cô kể.

Không phải ai cũng hào hứng

Về phía công ty cũng như bộ phận hành chính nhân sự (HR), việc cung cấp gói hỗ trợ rèn luyện thể chất cho nhân viên vốn không phải bài toán dễ dàng.

Chia sẻ với phóng viên, Thanh Thanh (28 tuổi, TP.HCM), chuyên viên HR tại một tập đoàn thực phẩm và thức uống, cho biết công ty mình có chính sách hỗ trợ nhân viên thẻ tập tại trung tâm thể hình.

Để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân sự, phòng ban của cô phải chọn liên kết với những cơ sở thể hình có chất lượng tốt, nhiều chi nhánh rải rác khắp các quận trong thành phố.

Được biết, công ty của Thanh chi trả 70% chi phí tập luyện một năm cho nhân viên ký hợp đồng chính thức. 30% còn lại được trừ vào lương theo hình thức trả góp theo tháng hoặc trong một lần tùy theo sự lựa chọn của nhân sự.

Tuy nhiên, theo Thanh, dù đã nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện hết mức, nhiều nhân viên vẫn không hào hứng với các chương trình, hoạt động thể thao do công ty kêu gọi.

Sau 6 tháng khởi động chương trình tập luyện theo chính sách công ty, cô từng làm khảo sát những bất cập mà nhân viên gặp phải. Trong đó, một số người không đăng ký tập luyện đến từ những lý do hàng đầu: không có nhu cầu, sợ PT chèo kéo, phòng tập ở vị trí không thuận tiện…

“Không phải ai cũng thích tập luyện mặc dù biết điều đó tốt cho sức khỏe, song chúng tôi luôn muốn nhân viên biết rằng khi họ có nhu cầu thì công ty luôn hỗ trợ”, Thanh nói thêm.

tap gym anh 3

Nhiều nhân sự không sử dụng thẻ tập gym do công ty tài trợ vì không có nhu cầu, vị trí phòng tập không thuận tiện. Ảnh minh họa: Pexels/Andres Ayrton.

Tương tự Thanh Thanh, Đoàn Dũng (33 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM), trưởng phòng nhân sự của một doanh nghiệp logistic, cũng đề xuất và thực hiện chính sách tài trợ thẻ gym cho nhân viên.

Gói tập có giá trị 6 triệu đồng, áp dụng trong 12 tháng.

Ban đầu, nhiều người phản đối việc chuyển đổi khoản tiền thưởng hàng tháng thành thẻ tập. HR công ty phải giải thích lợi ích khoản tài trợ này, cụ thể, khi đăng ký theo nhóm, người tập thường được giảm giá. Đây là lợi ích không thể có nếu mua gói cá nhân.

Hiện nay, số lượng nhân viên trong công ty anh đến trung tâm tập luyện thường xuyên còn khá thấp, chỉ chiếm khoảng 30%-40%. Tuy vậy, Dũng đã nhận thấy sự thay đổi trong tác phong làm việc của nhóm đồng nghiệp này.

Sau khi đối chiếu bảng chấm công và lịch đánh dấu buổi tập tại phòng gym, anh khẳng định rằng nhân viên tích cực tham gia các môn thể thao thường đi làm đúng giờ hơn và thể hiện sự mạnh khỏe, năng động hơn.

“Nhiệm vụ của tôi ở thời điểm hiện tại là tiếp tục thuyết phục các nhân sự khác đến phòng tập thường xuyên hơn để phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ này. Để làm gương, bản thân tôi phải luyện tập ít nhất 3 lần/tuần”, Đoàn Dũng chia sẻ.

Theo nghiên cứu được thực hiện năm 2021 bởi trường Kinh doanh Harvard (Mỹ), về mặt kinh tế, các công ty tại Mỹ có thể tiết kiệm 3,27 USD cho 1 USD tài trợ cho hoạt động tập luyện thể thao của nhân sự.

Về mặt hiệu suất, khi tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên được cải thiện, hiệu quả làm việc cũng nâng cao. Ngoài ra, môi trường làm việc chung trở nên lành mạnh, thân thiện hơn, do đó dễ dàng thu hút nhân tài.

Hoạt động thể chất dưới dạng gói tập luyện tại trung tâm thể thao do doanh nghiệp tài trợ hay cơ hội sử dụng phòng tập của công ty xuất hiện từ năm 1979. Johnson & Johnson là đơn vị đầu tiên tiến hành chính sách này trên thế giới.

Đến năm 2028, tổng giá trị của thị trường chăm sóc sức khỏe doanh nghiệp dự đoán chạm mốc 93,4 tỷ USD. Sự phát triển này đem đến lợi ích cho doanh nghiệp, nhân sự và các đơn vị cung cấp dịch vụ tập luyện thể thao.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/cong-ty-chi-tien-de-nhan-vien-tap-gym-boi-loi-a103576.html