Bức ảnh nữ tiếp viên che chắn ở cửa thoát hiểm trong sự cố của hãng hàng không Asiana Airlines. Ảnh: News1. |
Lời kêu gọi ngày càng mạnh mẽ sau khi hình ảnh nữ tiếp viên hàng không của Asiana Airlines mặc váy, che chắn trước cửa máy bay bị hành khách mở tung, lan truyền rộng rãi, theo The Korea Times.
Ngày 26/5, nam hành khách ở độ tuổi 30 tự ý mở cửa thoát hiểm của máy bay ở độ cao 213 m ngay trước khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Daegu. Người này khai với cảnh sát rằng mình cảm thấy ngột ngạt và chỉ muốn rời khỏi máy bay.
May mắn là không ai trong số 194 hành khách bị thương trong vụ việc. Tuy nhiên, 12 người được đưa đến bệnh viện do khó thở.
Cảnh sát bắt giữ người đàn ông với cáo buộc vi phạm Luật An toàn Hàng không.
Hôm 29/5, quan chức của sân bay quốc tế Daegu chia sẻ hình ảnh gây sốc về vụ việc. Trong đó, một nữ tiếp viên chặn lối thoát hiểm để đảm bảo an toàn cho hành khách.
Bức ảnh gây tranh cãi với một số ý kiến cho rằng việc nhân viên hàng không phải mặc váy đồng phục là không thoải mái và không phù hợp với nhiệm vụ an toàn mà các thành viên phi hành đoàn được giao.
Đạo luật An toàn Hàng không định nghĩa phi hành đoàn là “những người lên máy bay và thực hiện các nhiệm vụ vì sự an toàn của hành khách, chẳng hạn như sơ tán khẩn cấp”.
Theo thông lệ, các hãng hàng không phát váy làm đồng phục cho các tiếp viên nữ. Gần đây, một số hãng bắt đầu đưa ra thêm quần tây và cho phép tiếp viên nữ lựa chọn. Tuy nhiên, phần lớn nữ tiếp viên hàng không vẫn mặc váy.
“Điều này khiến tôi đặt câu hỏi liệu váy và giày cao gót có phải là đồng phục thích hợp hay không. Xem xét rằng phi hành đoàn chịu trách nhiệm xử lý các loại sự cố, chẳng phải quần tây và giày thể thao sẽ phù hợp hơn cho công việc của họ sao?”, một người dùng Internet viết.
Một người khác bình luận: “Không có nhân viên bảo vệ nào, ngoài nữ tiếp viên hàng không, mặc váy”.
Trong hình ảnh được chụp ngày 7/9/2019, 2 tiếp viên nữ của hãng Asiana Airlines mặc quần đồng phục, trong khi một người khác mặc váy tại trụ sở của công ty ở phía tây Seoul. Ảnh: Newsis. |
Đây không phải lần đầu tiên đồng phục của tiếp viên hàng không bị chỉ trích là không thực tế.
Tháng 2/2013, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc khuyến nghị Asiana Airlines cho phép nhân viên nữ chọn mặc quần dài. Trước đó, hãng yêu cầu tất cả nhân viên tự nhận mình là nữ phải mặc váy.
Cơ quan giám sát cho biết việc hạn chế tiếp viên nữ mặc quần dài và quy định ngoại hình của họ theo cách như vậy là phân biệt giới tính đối với phụ nữ. Nó dựa trên giả định rằng phụ nữ theo cách nào đó vẫn phải cân nhắc vấn đề làm đẹp khi làm việc trong lĩnh vực dịch vụ.
Một thập kỷ trôi qua, những thông lệ lỗi thời của các hãng hàng không và lĩnh vực dịch vụ dường như vẫn còn. Một số nữ tiếp viên hàng không cho biết họ ngại mặc quần dài tại nơi làm việc.
Một nữ tiếp viên giấu tên làm việc tại một hãng hàng không Hàn Quốc nói rằng bộ đồng phục “đôi khi khiến tôi cảm thấy chật đến mức khó di chuyển”. Cô lập luận rằng một số tiếp viên nữ ngần ngại yêu cầu mặc quần đồng phục vì công ty vẫn không khuyến khích điều này.
Tuy nhiên, các hãng hàng không cho rằng tiếp viên có thể tự do lựa chọn những gì họ muốn mặc.
“Các tiếp viên có thể yêu cầu bất kỳ đồng phục nào họ muốn. Đó là lựa chọn cá nhân. Công ty coi đồng phục váy và quần là như nhau, không thể bắt tiếp viên nữ mặc kiểu này hay kiểu kia, vì đó là quyền của họ”, một quan chức của Asiana nói.
Người này cho biết thêm tỷ lệ nhân viên nữ yêu cầu quần tây và váy không được thống kê.
Sự bùng nổ của webtoon
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/keu-goi-hang-bay-han-quoc-cho-nu-tiep-vien-mac-quan-thay-cho-vay-ngan-a103770.html