Nhân sự Gen Z dễ bị sa thải vì thiếu kỹ năng và thái độ trong công việc. |
Trong cuộc khảo sát với 1.300 quản lý, các nhà nghiên cứu nhận thấy cứ 4 người thì có 3 người đồng ý rằng Gen Z khó làm việc hơn so với các thế hệ khác. Thậm chí, 65% sẵn sàng đưa nhóm này lên đầu danh sách sa thải và 12% từng đuổi việc nhân viên trẻ chưa đầy một tuần sau ngày bắt đầu, theo Yahoo News.
Một trong những bất bình lớn nhất của nhiều cấp trên với thế hệ Z tại Mỹ (ở mức 39%) là chuyên môn kỹ thuật không đạt yêu cầu. Nhưng Rikki Schlott, cây viết của New York Post, lại cho rằng 21% các sếp tin rằng quyền lợi là một vấn đề..
Không ít nhân sự Gen Z đã làm rõ mục đích duy nhất của họ tại công ty là hoàn thành nhiệm vụ và ra về. Thay vì xây dựng sự gắn bó với vai trò của mình, họ ưu tiên mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn mọi thứ.
Các chuyên gia cho rằng suy nghĩ đó được hình thành ở những người sinh từ năm 1996 trở về sau và thậm chí cả Millennials là vì 2 thế hệ này bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biến động lớn như khủng hoảng chi phí sinh hoạt, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, làn sóng sa thải diện rộng.
Gen Z tạo ra tiêu chuẩn riêng cho công việc và cuộc sống của mình. Ảnh: Pexels. |
"Không nhất thiết các thế hệ phải có chung thái độ về công việc. Với Gen Z và Millennials, họ đã chứng kiến hai cuộc suy thoái liên tiếp. Đây là một trải nghiệm rất khác trên thị trường lao động so với những gì cha mẹ và ông bà của họ gặp phải", Sarah Damaske, phó giáo sư tại Đại học Pennsylvania, nói với Vox.
Theo Kim Kelly, cây viết của tờ Insider, những lao động trẻ không lười biếng, đòi hỏi đặc quyền hay thích chểnh mảng. Họ chỉ đơn giản là chọn từ chối một số thông lệ mà các thế hệ trước buộc phải chấp nhận.
Tháng 2/2023, Deloitte và PwC, hai gã khổng lồ trong ngành kiểm toán toàn cầu, thông báo họ đang cung cấp các biện pháp hỗ trợ cho những nhân viên mới ở Anh để nhóm này sớm thích nghi với văn hóa công sở.
Các nhà tâm lý chỉ ra rằng những khó khăn tại nơi làm việc thường đi đôi với sự rối loạn bên trong. Từ năm 2005 đến năm 2017, lúc Gen Z bước sang tuổi 20, tỷ lệ lo lắng và trầm cảm ở thanh niên Mỹ đã tăng 63%.
Đặc biệt khi Covid-19 cướp đi “thời điểm vàng” để sinh viên mới ra trường phát triển sự nghiệp, phần lớn nhóm này bị rơi vào trạng thái mất cân bằng và cảm thấy hoang mang về tương lai phía trước.
Sự cô đơn cộng với thiếu hụt kỹ năng dẫn đến nhân sự Gen Z dễ mất việc trước khi họ nhận được khoản lương đầu tiên.
Một số chuyên gia nhận xét thế hệ Alpha (sinh từ sau năm 2010) có thể bị tác động kéo dài bởi “đại dịch kiệt sức” từ Gen Z. Điều này được coi là tác dụng phụ của tham vọng tạo ra sự thay đổi trong công việc và xã hội.
Dan Schawbel, quản lý đối tác tại Cơ quan nghiên cứu Workplace Intelligence, cho biết Gen Alpha thậm chí sẽ đòi hỏi nhiều hơn từ người sử dụng lao động so với Gen Z và thế hệ Millennials.
“Nhóm nhân khẩu học này sẽ không làm việc cho một công ty không phù hợp với các giá trị của họ và không đưa ra sản phẩm có lợi cho xã hội. Bên cạnh đó, thế hệ Alpha sẽ chọn nơi nào có lịch trình linh hoạt, chính sách hỗ trợ sức khỏe, thể chất, tinh thần dù mức lương thấp còn hơn là thu nhập cao nhưng làm đến cạn kiệt năng lượng”, Schawbel nhận định.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/nhom-nhan-vien-chi-muon-xong-viec-va-di-ve-a104253.html