Thử thách một năm không dùng mạng xã hội

Jenna Bloom (Mỹ) từng dành ít nhất 8h/ngày lướt Internet. Không muốn bị thế giới ảo “điều khiển”, cô cùng bạn thân tham gia thử thách một năm tránh xa mạng xã hội.

Bloom tại buổi dạ hội ở trường trung học năm 2021. Ảnh: Jenna Bloom.

Văn phòng Tổng Y chức Mỹ mới đây đưa ra cảnh báo rằng không có gì chắc chắn mạng xã hội “đủ an toàn” cho giới trẻ.

Theo đó, có tới 95% thanh thiếu niên và thậm chí 40% trẻ em trong độ tuổi 8-12 sử dụng mạng xã hội. Trung bình mỗi ngày, thế hệ trẻ dành 3,5 giờ “đắm chìm” trong thế giới ảo.

Mặc dù 46% thanh thiếu niên 13-17 tuổi cho biết mạng xã hội khiến tâm trạng họ trở nên tồi tệ, vẫn có hơn một nửa cảm thấy rất khó để từ bỏ thói quen này. Ngoài ra, khoảng 1/3 trẻ em gái 11-15 tuổi tự cảm thấy “nghiện” các ứng dụng truy cập Internet.

Chia sẻ với The Washington Post, cô gái 19 tuổi Jenna Bloom cũng từng là “nạn nhân” của các trang mạng xã hội.

“Tôi luôn có áp lực phải đăng ảnh, trạng thái của mình cho người khác xem, nếu không sẽ trở nên lạc hậu. Chỉ có việc 'khoe' mình trên mạng mới giúp tôi phấn chấn, dễ chịu hơn", Bloom chia sẻ.

Thói quen khó bỏ

Mỗi ngày, Bloom dành ít nhất 8h lướt mạng. Chỉ cần mở điện thoại lên, cô sẽ rơi vào vòng xoay không hồi kết với hàng loạt ảnh của bạn bè trên Instagram, video thịnh hành của TikTok, bản tóm tắt ngày (recap) trên Snapchat.

Một thời gian sau, đại dịch Covid-19 khiến cô gái bị mắc kẹt ở nhà. Sức khỏe tinh thần của Bloom bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cô khát khao được trò chuyện và tìm thêm những người bạn mới qua Internet.

Su dung mang xa hoi anh 1

Bridgette (trái) và Bloom (phải) trước khi bắt đầu thử thách một năm không dùng mạng xã hội. Ảnh: Jenna Bloom.

Từ đó, tài khoản mạng xã hội của cô có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bạn bè.

Dần dần, cô gái bị ám ảnh, cho rằng những lượt thích và bình luận là tiêu chuẩn đánh giá con người.

Cô luôn cố gắng cập nhật thật nhiều thông tin lên mạng, trò chuyện với mọi người thường xuyên. Tuy nhiên, Bloom vẫn cảm thấy lạc lõng, cô đơn.

Năm 2022, Bloom cùng cô bạn thân Bridgette bắt đầu viết nhật ký. Cả hai dần hình thành thói quen viết suy nghĩ của mình lên những trang giấy thay vì chia sẻ chúng trên mạng.

Khi xem được video “Một năm dùng nhật ký thay vì mạng xã hội” trên Internet, Bloom ngay lập tức rủ Bridgette tham gia thử thách.

“Chúng tôi cá cược rằng người thua sẽ phải mời người kia bữa tối. Đó sẽ là động lực cho cả hai, bởi lẽ tôi và Bridgette đều có tính cách ‘cứng đầu’, không ai muốn phải bỏ tiền túi ra cả", Bloom cười nói.

Thử thách của đôi bạn thân bắt đầu từ 3/1/2023 và dự kiến kéo dài đến năm 2024. Các ứng dụng Instagram và Snapchat không còn xuất hiện trên điện thoại của hai cô gái.

Khoảng 6 tháng trước đó, Bloom cũng xóa Tiktok sau khi nhận ra phần mềm này đang điều khiển cuộc sống của cô.

Ban đầu, Bloom không dễ để cưỡng lại việc truy cập vào các ứng dụng. Mỗi lần như thế, cô sẽ viết nhật ký hoặc nhắn tin cho ai đó. Chỉ một tuần sau, cô gái bớt bị “ám ảnh” hơn.

Tìm lại bản thân

Sau một tháng, thói quen truy cập Internet biến mất hoàn toàn. Bloom dần nhận ra cách cô xử sự, giao tiếp có sự thay đổi.

Ví dụ, trong thời gian 5 tiếng ngồi ôtô cùng bạn bè tới thành phố New York (Mỹ), Bloom chỉ mở điện thoại một lần duy nhất để bật nhạc.

Không chỉ mình cô, những người khác trên xe cũng tạm gác lại “sức hút” của thế giới ảo.

“Chúng tôi cùng nhau trò chuyện, hát theo nhạc, bàn luận về kế hoạch đi chơi. Điều quan trọng là tất cả thật sự tận hưởng chuyến đi thay vì coi đó là khoảnh khắc cần được chia sẻ trên Internet”, cô nói thêm.

Su dung mang xa hoi anh 2

Bloom cùng bạn bè đến bãi biển Outer Banks (Bắc Carolina, Mỹ) dịp cuối tuần. Ảnh: Jenna Bloom.

Thói quen “khoe” những ngày tháng vui chơi lên mạng cho hàng trăm người xem của Bloom biến mất. Thay vào đó, cô lưu các bức ảnh yêu thích của mình trong điện thoại và chỉ chia sẻ với người thân.

“Không cần phải cho tất cả biết mọi thứ về mình. Lối sống này có ý nghĩa đặc biệt hơn cả, bởi kỷ niệm đẹp chỉ tồn tại giữa tôi và những người thân thương tôi trân trọng”, cô gái bày tỏ.

Nữ sinh viên tự đánh giá mình từng là người sử dụng mạng xã hội một cách “thiếu suy nghĩ” chỉ vì buồn chán. Những lúc như chuẩn bị vào giờ học, xếp hàng mua đồ ăn, Bloom trong quá khứ thường vô thức lướt Internet.

Giờ đây, cô tự tìm thấy niềm vui trong việc ngắm nhìn mọi thứ xung quanh. Mỗi ngày, Bloom cũng chỉ dành khoảng 45 phút để dùng điện thoại, chơi một vài trò trí tuệ đơn giản thay vì lướt mạng nhiều giờ như ngày trước.

Quyết định từ bỏ mạng xã hội khiến Bloom mất liên lạc với nhiều người, đặc biệt là những đối tượng chỉ trò chuyện online trong mùa dịch.

Cô chưa bao giờ chia sẻ công khai về thử thách kéo dài một năm của mình, do đó chỉ những người gặp mặt trực tiếp mới biết về sự thay đổi của Bloom.

“Những năm trước, tôi sống trong cả hai thế giới ảo và thực. Tới nay, tôi mới hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Bridgette và tôi vẫn đang cạnh tranh xem ai sẽ trả tiền cho bữa tối, nhưng khá chắc không phải tôi”, cô gái cười.

Tuổi trẻ vô định và dễ sa ngã

Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/thu-thach-mot-nam-khong-dung-mang-xa-hoi-a104310.html