Minh bạch về lương có thể tạo ra những tác động tiêu cực đối với nhân viên lẫn nhà quản lý. Ảnh minh họa: Sam Lion/Pexels. |
So sánh mức lương là một thông lệ khá phổ biến ở Singapore. Minh bạch về lương đề cập đến thực hành trao đổi thông tin cởi mở về tiền lương với nhân viên trong giai đoạn hiện tại và tương lai.
Một trong những cách để chính sách này được áp dụng tại Singapore là thông qua việc các công ty xuất bản bộ hướng dẫn về tiền lương.
Trang web So sánh lương của Bộ Nhân lực cung cấp thông tin chi tiết về tiền lương của một công việc, so sánh mức lương này với các công việc khác cũng như tiêu chuẩn thị trường.
Các công ty tuyển dụng tư nhân như Robert Half hay Michael Page cũng đưa ra các báo cáo hướng dẫn về tiền lương hàng năm, khai thác dữ liệu tiền lương dựa trên vị trí công việc ở Singapore.
Theo CNA, tính minh bạch trong thanh toán tiền lương được xem là giải pháp để giảm bớt thách thức trong tuyển dụng và giữ chân nhân viên. Nhưng nó cũng tạo ra nhiều vấn đề, và không phải người lao động nào cũng sẵn sàng tiết lộ mức thù lao trong tất cả vai trò của họ.
So sánh và oán giận
Hội đồng Dịch vụ Xã hội Quốc gia (NCSS) đã xuất bản hướng dẫn về tiền lương theo ngành cụ thể cho các dịch vụ xã hội của quốc gia này. Những hướng dẫn trên cung cấp một điểm tham chiếu về các vai trò khác nhau dựa trên cấp độ công việc.
Mục tiêu của hướng dẫn là để các cơ quan dịch vụ xã hội (SSA) xây dựng cơ cấu thù lao cạnh tranh nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.
Các tổ chức như Dịch vụ cộng đồng Epworth, SPD Singapore và Dịch vụ cộng đồng AMKFSC đều cho rằng các nguyên tắc về công khai tiền lương là có ích, vì nó cho phép họ tự so sánh mình với thị trường và cấu trúc các gói lương cạnh tranh để thu hút nhân tài.
Nhiều doanh nghiệp coi công khai tiền lương là cách để họ so sánh mình với thị trường và giữ chân nhân tài. Ảnh minh họa: Pexels Fauxels. |
Thực tế, sự minh bạch về lương có thể có tác động bất lợi đối với nhân viên. Căng thẳng và cảm giác oán giận có thể nảy sinh khi một người thấy đồng nghiệp của họ được trả nhiều hơn cho công việc tương tự.
Theo một nghiên cứu xem xét tác động của tính minh bạch tiền lương tại một ngân hàng thương mại ở châu Á, khi nhân viên biết được đồng nghiệp của họ kiếm được nhiều tiền hơn, hiệu suất và số giờ làm việc của họ giảm xuống.
Trong trường hợp này, việc biết mức lương của đồng nghiệp đã dẫn tới năng suất thấp hơn.
Nhiều người lao động có thể đánh giá cao tính minh bạch, những người vừa bước vào ngành cũng có hình dung rõ ràng về mức lương của họ.
Tuy nhiên, với một số nhà lãnh đạo nhân sự, tiền lương được công khai có thể gây ra lo ngại về khả năng tổ chức hệ thống.
Khi các công ty chọn thực hành thanh toán minh bạch sẽ tăng cường sự phức tạp về mặt hành chính. Bộ phận nhân sự và nhà quản lý cần giải quyết nhiều hơn các câu hỏi về lương thưởng từ nhân viên, thành viên trong nhóm.
Bởi vậy, những lãnh đạo này cần được đào tạo và chuẩn bị đầy đủ để hiểu điều gì khiến họ đưa ra mức chi trả nhất định và cách truyền đạt điều đó tới nhân viên của mình.
Cái khó của doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp, tính minh bạch trong thanh toán có thể gây bất lợi vì chi phí nhân sự cao hơn. Việc tăng lương theo tỷ lệ thị trường và giải quyết chênh lệch lương nội bộ có thể tốn kém trong giai đoạn điều chỉnh.
Các công ty có ngân sách eo hẹp có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm nhân sự, hoặc thuê ít người hơn để đảm bảo trả lương cho mọi nhân viên một cách công bằng.
Nhiều công ty phải cắt giảm nhân sự để có thể trả lương công bằng. Ảnh: Pexels. |
Khi một công ty tiết lộ mức lương, họ đã đưa ra cho các đối thủ cạnh tranh cái nhìn trực diện về cấu trúc tiền lương của mình, điều này có thể khiến họ gặp bất lợi khi đàm phán lương.
Mọi công ty đều muốn giữ chân những nhân viên giỏi nhất của mình, không muốn để mất vào tay đối thủ. Nhưng sự thật là không phải mọi công ty đều có thể coi tiền lương là lợi thế tuyển dụng của mình.
Hầu hết tổ chức sẽ lấy mức lương khởi điểm tối thiểu làm điểm tham chiếu khi trả thù lao.
Thông thường, mức lương thấp được đưa ra cho những người có ít kinh nghiệm; mức lương tầm trung dành cho những người có khả năng phù hợp để làm tốt; và mức cao hơn dành cho những cá nhân có thành tích xuất sắc từ kinh nghiệm làm việc trước đây.
Các công ty coi nhóm cuối cùng là những tài năng và nhanh chóng được thăng chức.
Trong một cuộc khảo sát của LinkedIn vào tháng 12/2022, 91% số người lao động tại Mỹ được hỏi nói rằng việc đưa các mức lương cho một vị trí công việc sẽ ảnh hưởng đến quyết định ứng tuyển của họ.
Mức lương rõ ràng cho phép ứng viên điều chỉnh sự tìm kiếm và hình thành ý tưởng tốt về tiềm năng phát triển của mình, đồng thời nhà tuyển dụng cũng có thể tập trung vào những ứng viên khả thi nhất.
Mặc dù vậy, nhiều công ty không thêm phạm vi lương vào quảng cáo tuyển dụng, xuất phát từ nỗi sợ rằng nó có thể dẫn đến sự bất mãn trong lực lượng lao động hiện tại của họ.
Điều đó cũng có thể là do sự thiếu tin tưởng vào cấu trúc trả lương hiện tại hoặc không thể duy trì sự công bằng trong trả lương của công ty.
Không có câu trả lời cụ thể về việc minh bạch lương sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của tuyển dụng, vì tác động sẽ khác nhau tùy thuộc vào tổ chức và ngành.
Tính minh bạch trong trả lương có thể là một công cụ hiệu quả để giải quyết các thách thức trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, nhưng bản thân nó không phải là một giải pháp toàn diện.
Hơn nữa, nhân viên có thể quyết định rời khỏi công ty vì những lý do không thể định lượng được, chẳng hạn có cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp tốt hơn.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/tranh-cai-khong-hoi-ket-ve-cong-khai-tien-luong-a105015.html