Bộ phim tài liệu gần đây kể về nữ sinh 15 tuổi ở Trung Quốc qua đời vì mắc chứng biếng ăn làm dấy lên tranh luận xung quanh nỗi lo lắng về hình ảnh cơ thể của phụ nữ.
Trước đó, cô gái xấu số nhịn đói gần 50 ngày để giảm cân. Cao 1,65 m, nhưng cô chỉ nặng 24,8 kg.
Khi được gia đình đưa đến bệnh viện, cô gái bất tỉnh, suy dinh dưỡng nặng và mắc các vấn đề về hô hấp. Sau hơn 10 ngày chạy chữa, cô không qua khỏi.
Sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin, vụ việc nhanh chóng trở thành chủ đề thịnh hành trên Weibo. Dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của cô gái còn quá trẻ, theo Zaobao.
Chỉ 2 ngày sau, báo chí tiếp tục đưa tin về nữ sinh viên 22 tuổi ở thành phố Hàng Châu bắt đầu chế độ giảm cân khắc nghiệt sau khi bạn trai chê cô quá béo. Kết quả, cân nặng của cô giảm mạnh từ 55 kg xuống còn 27,5 kg và được chẩn đoán mắc chứng biếng ăn tâm thần.
May mắn thay, cô gái có thể trở lại trường học và bắt đầu cuộc sống mới sau hơn 2 tháng điều trị.
Nữ sinh 15 tuổi người Trung Quốc, nặng chưa đầy 25 kg, qua đời sau khi mắc chứng biếng ăn tâm thần. Ảnh: Weibo. |
Tiêu chuẩn méo mó
Biếng ăn tâm thần là rối loạn ăn uống được đặc trưng bởi trọng lượng cơ thể thấp bất thường, nỗi sợ tăng cân dữ dội và nhận thức sai lệch về trọng lượng cơ thể.
Nghiên cứu cho thấy trong số các rối loạn tâm thần, biếng ăn tâm thần có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Những trường hợp giảm cân khắc nghiệt nêu trên khiến công chúng Trung Quốc hướng sự chú ý vào nỗi lo lắng về hình ảnh cơ thể của phụ nữ trẻ.
Ngày 24/5, China Newsweek có cuộc thăm dò trực tuyến: “Điều gì làm trầm trọng thêm sự lo lắng về hình ảnh cơ thể?”.
Tính đến ngày 26/5, hơn 28.000 trong số 58.000 phản hồi tin rằng đó là do khao khát về làn da trắng, vẻ ngoài trẻ trung và dáng người mảnh khảnh. 12.000 người khác tin rằng đó là do quan niệm méo mó rằng “thế giới thân thiện hơn với những người gầy”. Hai yếu tố này chiếm hơn 70% phản hồi.
Chen Jue, Giám đốc khoa Tâm lý Lâm sàng và Trung tâm Chẩn đoán, Điều trị Rối loạn Ăn uống tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải, cho biết xu hướng “cứ gầy là đẹp” có ảnh hưởng sâu sắc đến giới trẻ.
Sự xuất hiện và lan truyền liên tục của các chủ đề liên quan đến giảm cân như “vòng eo A4” và “phụ nữ nên nặng dưới 45 kg” trên các nền tảng mạng xã hội khiến thanh thiếu niên bắt chước, thậm chí nỗ lực thay đổi hình ảnh cơ thể theo cách cực đoan.
Ông Chen cũng tiết lộ những bệnh nhân mắc chứng biếng ăn tâm thần ngày càng trẻ hóa trong những năm gần đây, với sự gia tăng đáng kể ở người dưới 13 tuổi.
Xu hướng so sánh kích thước vòng eo với chiều rộng của tờ giấy A4 khiến nhiều cô gái chọn cách giảm cân cực đoan. Ảnh: Weibo. |
Tiêu chuẩn “trắng, trẻ, gầy” bị cư dân mạng chỉ trích dữ dội. Một số đổ lỗi cho tư tưởng phong kiến và gia trưởng lỗi thời đè nặng lên phụ nữ. Trong khi đó, những người khác cảm thấy tiêu chuẩn sắc đẹp méo mó là kết quả của việc bản thân phụ nữ thiếu tự trọng và quá quan tâm đến sự công nhận từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, hơn 8.000 người trong cuộc thăm dò của China Newsweek tin rằng sự lo lắng về hình ảnh cơ thể của phụ nữ cũng xuất phát từ việc “các nhà sản xuất làm ra quần áo có kích thước nhỏ hơn”.
Một người chia sẻ hình ảnh so sánh áo phông cỡ trung bình dành cho người lớn và đồ cho trẻ em cao 1,1 m. Cả hai đều có kích thước tương đương, thậm chí áo người lớn còn còn phần ngắn hơn.
Thu nhỏ kích cỡ
Theo Báo cáo giám sát thể chất quốc gia lần thứ 5 của Trung Quốc được công bố năm 2022, phụ nữ Trung Quốc 20-24 tuổi có chiều cao trung bình 1,6 m, cân nặng 55,7 kg và vòng eo 72,8 cm.
Trong khi đó, phụ nữ Trung Quốc tuổi 25-29 có chiều cao trung bình 1,59 m, cân nặng 56,7 kg và vòng eo 74,4 cm.
Ngược lại, những bé gái có chiều cao khoảng 1,1 m thường nặng khoảng 20 kg, vòng ngực chỉ hơn 50 cm.
Tuy nhiên, trải nghiệm được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy quần áo phụ nữ thường nhỏ như đồ trẻ em.
Một cô gái cao 1,63 m, nặng 42 kg cho biết cô gặp khó khăn khi mặc chiếc váy cỡ S mà mình mua trên mạng. Một phụ khác nặng khoảng 50 kg thậm chí còn phải mặc quần áo cỡ L hoặc lớn hơn.
Không chỉ người bình thường, nữ diễn viên Trung Quốc Zhang Xinyu, cao 1,69 m và nặng 51 kg, cũng phàn nàn rằng cô không thể mặc vừa quần áo ngoại cỡ từ một thương hiệu dành cho người lớn.
Ngay cả người nổi tiếng cũng bị cuốn vào sự thay đổi hình ảnh cơ thể, vấn đề chắc chắn là ở kích cỡ quần áo chứ không phải cá nhân.
Do đó, nhiều người xem xét bảng kích cỡ của các trang web thương mại điện tử khác nhau. Họ nhận thấy phần lớn quần áo size L được thiết kế riêng cho vòng một và vòng eo lần lượt 90 cm, 70 cm. Kích thước lớn nhất mà một số thương hiệu cung cấp thậm chí còn không vượt quá con số này.
Brandy Melville, nổi tiếng với quần áo cỡ nhỏ, tạo ra xu hướng thời trang ở Trung Quốc. Ảnh: Viola Zhou. |
Một số khác cũng tìm lại quần áo cũ và khẳng định trước đây họ mặc size S, giờ thì không thể mặc vừa cỡ L. Hơn nữa, có người chỉ ra bảng kích cỡ năm 2023 và 2022 của một thương hiệu giảm hơn 10 cm chỉ trong vòng một năm.
Kích cỡ quần áo của phụ nữ thực sự bị thu nhỏ là hiện tượng phổ biến.
China Women's News chỉ trích kích cỡ quần áo của phụ nữ ngày càng nhỏ hơn, tôn vinh vẻ đẹp siêu mỏng manh. Họ khẳng định việc lựa chọn quần áo nên được đa dạng hóa ngay từ đầu và thu nhỏ chúng thực chất là hình thức sỉ nhục cơ thể thầm lặng đối với phụ nữ.
Tờ báo trực thuộc Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc cũng lên án những doanh nghiệp cố tình bán rẻ sự lo lắng về cơ thể, cáo buộc họ hy sinh sức khỏe của khách hàng và mù quáng phục vụ cho tính thẩm mỹ méo mó. Họ khẳng định những chiêu trò như vậy cuối cùng sẽ bị thời đại và người tiêu dùng thông thái loại bỏ.
Nhiều cư dân mạng và sao nữ cũng lên mạng xã hội để chỉ trích các doanh nghiệp như vậy và hy vọng phụ nữ không bị ảnh hưởng, dẫn đến phát triển sự lo lắng về hình ảnh cơ thể.
Tuy nhiên, trong xã hội Trung Quốc, nơi tiêu chuẩn “trắng trẻ, gầy” trở thành xu hướng chủ đạo và sự thay đổi hình ảnh cơ thể lan truyền đến giới trẻ, lời kêu gọi này có thể chưa có tác động trong một sớm một chiều.
Một số người cho rằng xu hướng thời trang của phụ nữ đi từ phong cách unisex ngoại cỡ và rộng thùng thình vài năm trước đến phong cách “hot girl” chỉ có kích cỡ bằng đồ trẻ em hiện nay xuất phát từ các nhóm nhạc nữ Kpop thường xuyên diện trang phục táo bạo.
Không ít người thậm chí còn suy đoán rằng các chủ doanh nghiệp cố tình sản xuất quần áo nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí và vải vóc.
Jiemian News dẫn lời chuyên gia trong ngành may mặc cho biết kích cỡ được bán bởi các doanh nghiệp tầm trung đến thấp hơn trên thị trường quần áo bán buôn thường sẽ nhỏ hơn để có nhiều vải thừa nhằm sản xuất nhiều hơn, qua đó kiếm được lợi nhuận đáng kể.
Việc một người bình thường không thể mặc vừa những bộ quần áo nhỏ hơn cũng không thành vấn đề bởi “khi trang phục trở nên nhỏ hơn, hầu hết người tiêu dùng sẽ tin rằng họ không đủ gầy”.
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các thương nhân Trung Quốc đang sản xuất quần áo phụ nữ ngày càng nhỏ hơn để tiết kiệm vải.
Việc thu nhỏ quần áo của phụ nữ thực sự gây tác hại, nhưng điều đáng kinh ngạc hơn là tính thẩm mỹ méo mó về sự mỏng manh cực độ, đến phụ nữ thường cảm thấy khó khăn khi mua quần áo vừa vặn.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/vi-sao-quan-ao-cua-phu-nu-trung-quoc-ngay-cang-nho-den-kho-tin-a105081.html