Nơi nhân viên trả tiền để xin nghỉ việc hộ

Tại Nhật Bản, có hơn 20 công ty chuyên thay mặt khách hàng xin nghỉ việc tại chỗ họ đang làm. Người thuê muốn tránh đối mặt với sếp, song quản lý không hài lòng với cách làm này.

Vài năm trước, khi Toshiyuki Niino muốn từ bỏ công việc khiến bản thân không hài lòng, anh phải cố gắng lấy hết can đảm để đối diện với sếp của mình. Sau khi làm việc tại một số nơi khác ở Nhật Bản, Niino biết rằng quyết định của anh sẽ vấp phải sự phản đối, với bất kể lý do nào.

Niino, sống ở Kamakura, một thành phố ven biển cách Tokyo khoảng 65 km về phía nam, nói với Al Jazeera: “Khi bạn cố gắng xin nghỉ việc, cấp trên sẽ tìm cách khiến bạn thấy tội lỗi và xấu hổ vì gắn bó với công ty chưa đến 3 năm đã rời đi".

Quãng thời gian phân vân, cân nhắc gây ra nhiều khó khăn cho người đàn ông.

xin nghi viec ho anh 1

Toshiyuki Niino (phải) và Yuichiro Okazaki thành lập Exit vào năm 2017, sau khi nhận thấy việc xin nghỉ việc khiến người lao động Nhật Bản dằn vặt thế nào. Ảnh: Al Jazeera.

Nhưng cũng chính trải nghiệm không mấy vui vẻ này đã giúp Niino và người bạn lâu năm Yuichiro Okazaki nảy ra ý tưởng: mở dịch vụ giúp các nhân viên muốn nghỉ việc vượt qua tình thế khó xử.

Start-up có tên Exit ra đời vào năm 2017, nhận đứng ra thay mặt những người lao động không dám xin nghỉ trực tiếp với sếp. Với mức phí 20.000 yen (144 USD), Exit sẽ liên hệ với chủ lao động để thông báo về quyết định nghỉ việc, cho phép khách hàng tránh mọi cuộc đối đầu gây lo lắng.

Được thuê để xin nghỉ việc hộ

Sau 6 năm vận hành, mô hình kinh doanh của Exit được hơn 20 công ty khác áp dụng theo, tạo ra một thị trường ngách ở Nhật Bản. Khách hàng chủ yếu là nam giới trong độ tuổi 20.

Công ty của Niino nhận được khoảng 10.000 yêu cầu mỗi năm, mặc dù không phải ai liên hệ cũng sử dụng dịch vụ. Giống như Niino giải thích, các nhân viên tìm đến Exit vì hai lý do chính: sợ sệt, không dám nói chuyện với lãnh đạo và cảm giác tội lỗi khi muốn nghỉ việc.

Niino tin rằng sự phổ biến của dịch vụ mình tạo ra liên quan đến các khía cạnh của văn hóa làm việc ở Nhật Bản, trong đó mọi người được khuyến khích hạn chế sự bất hòa, cộng với suy nghĩ được công nhận rộng rãi rằng thành công đòi hỏi cam kết lâu dài.

xin nghi viec ho anh 2

Exit tính phí 20.000 yen để xin nghỉ việc thay cho khách hàng của họ. Ảnh: Exit.

Ở xứ hoa anh đào, việc cống hiến trọn đời tại một tổ chức, công ty là quy chuẩn dễ thấy vào thế kỷ 20. Quốc gia này từ lâu đã nổi tiếng với văn hóa làm việc chăm chỉ đến mức cực đoan, khuyến khích cả thời lượng làm việc trong một ngày kéo dài lẫn thời gian phục vụ lâu dài.

Dù có giảm nhẹ, tỷ lệ người lao động Nhật làm việc trên 60 tiếng/tuần vẫn thuộc hàng cao nhất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Karoshi, thuật ngữ ra đời những năm 1970 mô tả cái chết do làm việc quá sức, được chính thức công nhận là nguyên nhân của hàng trăm ca tử vong do bệnh tim mạch và tự tử mỗi năm ở nước này.

Dù truyền thống cống hiến trọn đời đã suy yếu trong vài thập kỷ gần đây, người Nhật vẫn chọn không nhảy việc thường xuyên, khi tiền lương vẫn chủ yếu tính theo thâm niên.

Năm 2019, thời gian làm việc trung bình tại một công ty Nhật Bản là 12,4 năm, so với mức trung bình của các nước OECD là 10,1 năm. Theo một nghiên cứu của OECD vào năm 2018, Nhật Bản cũng có mức lương cao thứ ba, nếu nhân viên gắn bó tại một nơi trong ít nhất 20 năm, sau Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc.

Sếp không hài lòng

Mặc dù Exit "mở đường" cho một nhu cầu dễ gặp ở nhiều người lao động Nhật Bản, không phải ai cũng thấy nó ấn tượng và hữu dụng.

Koji Takahashi, quản lý tại một công ty kỹ thuật ở Tokyo, từng rất bất ngờ khi nhận được cuộc gọi từ một công ty nào đó, thông báo rằng một nhân viên cấp dưới của ông đã xin nghỉ chỉ sau vài ngày nhận việc. Ông đã đến thăm cha mẹ của nhân viên đó để xác nhận tin tức.

xin nghi viec ho anh 3

Ở góc độ quản lý, cấp trên ở Nhật Bản không thích việc nhân viên của mình trốn tránh việc nói chuyện trực tiếp, mà nhờ đến một bên xa lạ thông báo hộ. Ảnh: Reuters.

"Tôi đưa danh thiếp, giới thiệu chức vụ cho cha mẹ cậu ấy và giải thích tình hình, nói thêm rằng sẽ chấp thuận yêu cầu nghỉ việc, nhưng cần cậu ấy liên lạc lại để xác nhận vẫn an toàn", người quản lý kể lại.

Takahashi quan điểm việc sử dụng công ty hỗ trợ nghỉ việc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cái nhìn của ông về tính cách của nhân viên này.

"Những người dùng dịch vụ này, thay vì tự mình xin nghỉ, đang tự gây thiệt hại cho mình. Với tôi, họ chỉ xem công việc như công cụ để kiếm tiền", ông bày tỏ.

Trong khi đó, Niino thừa nhận dịch vụ của anh thường vấp phải sự tiếp nhận lạnh nhạt từ một số chủ thuê lao động. Tuy nhiên, cũng có nhiều bên quản lý, lãnh đạo lại vui vẻ khi nhận phản hồi trung thực về điều kiện tại nơi làm việc của họ.

"Thông thường, nhân viên tránh đề cập trực tiếp lý do, như không thích ông chủ, mà viện dẫn những chuyện khác như phải chăm sóc gia đình. Nhưng thông qua dịch vụ của chúng tôi, người sắp nghỉ việc phải đưa ra ý kiến ​​trung thực đằng sau quyết định", Niino nói.

Niino thừa nhận sẽ là lý tưởng nếu người Nhật thấy thoải mái hơn khi được là chính mình, điều mà anh tin rằng rất khó xảy ra trong một “xã hội khép kín”, nơi mà sự hài hòa là tối quan trọng. Dù vấp phải tranh cãi, người đàn ông tin những công ty như của mình đang mang lại dịch vụ có giá trị xã hội.

“Một số khách hàng cho biết họ từng có ý định tự tử khi làm việc cho công ty nhưng họ đã ngừng suy nghĩ đó sau khi được chúng tôi giúp đỡ”, Niino nói.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/noi-nhan-vien-tra-tien-de-xin-nghi-viec-ho-a105329.html