Đầu ra cho sản phẩm OCOP từ mô hình mua sắm giải trí qua livestream

Hòa nhịp vào xu hướng mua sắm kết hợp giải trí ngày một phổ biến, mô hình bán hàng OCOP qua livestream trên sàn TMĐT được nhiều doanh nghiệp kinh doanh tận dụng và liên tiếp gặt hái được nhiều kết quả khả quan.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 6.2023, Việt Nam có gần 10.000 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên (OCOP: viết tắt của cụm từ One Commune One Product - Mỗi xã một sản phẩm). Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm phần lớn đang phụ thuộc vào kênh bán lẻ truyền thống và có sức tiêu thụ khá khiêm tốn.

Từ đây, nội dung chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" khuyến khích các chủ thể OCOP và kinh doanh sản phẩm OCOP khai phá kênh bán trực tuyến trên sàn TMĐT để giải quyết bài toán sản xuất và tiêu thụ nông đặc sản theo hướng bền vững. Hưởng ứng điều này, nhiều doanh nghiệp thậm chí đi trước một bước khi đã tiếp cận và sử dụng hiệu quả hình thức bán hàng qua livestream để tối ưu hóa doanh số.

Mắm truyền thống Lê Gia tận dụng lợi thế của sàn TMĐT đẩy mạnh doanh số bán hàng

Từng xuất hiện dày đặc trên báo chí địa phương vào năm 2019 với thành tích là đơn vị duy nhất ở Thanh Hóa có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao cùng lúc, tập thể công ty TNHH Lê Gia vẫn không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng của dòng sản phẩm hiện hữu trong danh mục. Đến năm 2021, mắm tôm Lê Gia chính thức được nâng hạng và trở thành một trong hai mươi sản phẩm đạt OCOP 5 sao quốc gia tiên phong trên phạm vi cả nước.

Đầu ra cho sản phẩm OCOP từ mô hình mua sắm giải trí qua livestream - Ảnh 1.

Trong danh mục sản phẩm của Lê Gia, mắm tôm, mắm tép và nước mắm là 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Tận dụng lợi thế này, Lê Gia tiếp tục đẩy mạnh truyền thông sản phẩm OCOP ở đa dạng kênh bán, trong đó chú trọng nhiều đến mảng kinh doanh trên sàn TMĐT - một hướng đi được đơn vị xác định là dài hạn và cần được đầu tư đúng mực trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành định hướng của quốc gia.

Tháng 8 vừa qua, đơn vị lần đầu thử nghiệm mô hình bán hàng trực tiếp trên Shopee Live và đạt gần 1.000 đơn hàng thông qua 4 phiên livestream. Riêng vào dịp 25.8, Lê Gia tổ chức tổng cộng 2 phiên live với 22.000 lượt xem mỗi phiên. Kết quả này là sự cộng hưởng của các yếu tố như khuyến mãi giảm giá và tung xu từ nhà bán hàng, chương trình trợ giá phí vận chuyển và mã giảm giá độc quyền trên Shopee Live, đặc biệt doanh nghiệp cũng tận dụng được lượng truy cập tăng cao từ 3-4 lần vào các ngày sale trọng điểm như ngày đôi, ngày giữa tháng và ngày sale lương về của Shopee.

Đầu ra cho sản phẩm OCOP từ mô hình mua sắm giải trí qua livestream - Ảnh 2.

Gian hàng "Mắm truyền thống Lê Gia" trên Shopee Mall hiện có 16.000 người dùng theo dõi và liên tục tiếp cận thêm nhiều khách hàng mới nhờ việc livestream có chiến lược.

"Trong các chiến dịch quảng bá cuối năm, Shopee ngày càng gia tăng hỗ trợ cho Shopee Live, một công cụ miễn phí giúp người bán kết nối trực tiếp với người mua theo cách trực quan, đơn giản, tiện lợi. Chúng tôi tận dụng điều này và kết hợp cùng các chương trình khuyến mãi riêng để thu hút thêm nhiều khách hàng và thúc đẩy doanh số, đồng thời quảng bá rộng rãi sản phẩm truyền thống mang tôn chỉ An lành - Tự nhiên - Tận Tâm mà đơn vị đã theo đuổi ngay từ ngày đầu thành lập", đại diện Lê Gia cho biết.

Bắt nhịp xu hướng livestream, gia tăng quảng bá sản phẩm cùng Shopee Live

Khác với Lê Gia, FoodMap - đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm từ nông nghiệp, chủ trương kết nối các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP để vừa mở rộng danh mục sản phẩm, vừa tạo cơ hội để nông sản, đặc sản của các địa phương có cơ hội tiếp cận sâu rộng hơn với người tiêu dùng thông qua một "điểm tập kết duy nhất" là nền tảng Shopee. Đồng thời, gần đây, FoodMap đã bắt đầu quảng bá rộng rãi các món nông - đặc sản Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP, VietGAP đến người dùng thông qua Shopee Live.

Phối hợp cùng Shopee trong dự án Tôn Vinh Nông Sản Việt, FoodMap đã thực hiện nhiều phiên livestream bán nông sản ngay tại các nhà vườn. Gần nhất là phiên livestream cùng KOL (người có sức ảnh hưởng) Hana Ban Mê kéo dài chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ vào tháng 9 đã giúp FoodMap tiêu thụ nhanh 200kg bơ booth Đắk Lắk.

Đầu ra cho sản phẩm OCOP từ mô hình mua sắm giải trí qua livestream - Ảnh 3.

Am hiểu công nghệ và xu hướng mua sắm trên nền tảng TMĐT, FoodMap luôn đầu tư nội dung và hình ảnh sinh động cho các phiên livestream nhằm gia tăng tương tác.

Là start-up công nghệ và am hiểu sâu sắc lĩnh vực này, FoodMap tối đa hóa việc sử dụng công nghệ trong mọi quy trình vận hành và kinh doanh trên sàn Shopee, khai thác nhanh các công cụ bán hàng xu hướng và sẵn có của sàn như livestream để tận dụng lượng truy cập khổng lồ đổ về đây mỗi ngày.

"Bên cạnh việc hỗ trợ các chương trình ưu đãi dành cho Người bán trên Shopee Live, Shopee cũng liên tục đầu tư mã giảm giá, freeship độc quyền cho livestream với quy mô ngày càng tăng, tạo lợi thế lớn cho cả người bán và người mua. Mục tiêu quảng bá và tăng doanh thu của chúng tôi dễ dàng đạt được trong khi người dùng được tiếp cận sản phẩm Việt chất lượng cao với giá cả rất tốt", đại diện FoodMap chia sẻ.

Đầu ra cho sản phẩm OCOP từ mô hình mua sắm giải trí qua livestream - Ảnh 4.

Các sản phẩm OCOP nổi bật do FoodMap phân phối có thể kể đến mật hoa dừa Trà Vinh, mật dừa nước Cần Giờ, tương ớt sạch Thanh Hóa, hồng treo gió Đà Lạt.

Tuy chỉ mới bắt đầu livestream trên Shopee Live từ tháng 7.2023 nhưng FoodMap đã nhanh chóng đạt được nhiều hiệu quả tích cực trên cả hai khía cạnh nhận diện thương hiệu và tăng trưởng doanh số. Thống kê nội bộ cho thấy, lượng đặt hàng qua livestream trong tháng 10 của FoodMap tăng gấp 17 lần so với tháng 7, trong khi doanh thu tăng gấp 14 lần. Lượt xem livestream cũng dao động trung bình từ 6.000 đến 13.000 mỗi phiên, duy trì đều đặn ít nhất 2 phiên vào các ngày số đôi hàng tháng và 1-2 ngày trong một tuần.

Đầu ra cho sản phẩm OCOP từ mô hình mua sắm giải trí qua livestream - Ảnh 5.

Buổi livestream giới thiệu mật hoa dừa Trà Vinh do FoodMap kết hợp cùng thương hiệu Sokfarm thu hút hơn 10.000 mắt xem. Ngày 10.10 vừa qua, phiên livestream bán sản phẩm OCOP của FoodMap cũng đạt doanh thu gấp 5 lần so với ngày thường.

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh trước thềm sự kiện 11.11, đại diện FoodMap và Lê Gia đều khẳng định nguồn lực sẵn có và mạnh mẽ của Shopee Live giúp doanh nghiệp có thêm tự tin và cơ sở để đầu tư nhiều hơn nữa cho hình thức bán hàng OCOP qua livestream.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/dau-ra-cho-san-pham-ocop-tu-mo-hinh-mua-sam-giai-tri-qua-livestream-a122095.html