“Dự án thập kỷ” trở thành gánh nặng lãi suất, lợi nhuận Vĩnh Sơn – Sông Hinh bốc hơi 88%

Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum góp phần quan trọng vào doanh thu và lợi nhuận của VSH trong năm 2022, nhưng lại trở thành một gánh nặng với khoản nợ lớn khi tình hình thủy văn không thuận lợi.

“Dự án thập kỷ” trở thành gánh nặng lãi suất, lợi nhuận Vĩnh Sơn – Sông Hinh bốc hơi 88% - Ảnh 1.

"Dự án thập kỷ" Thượng Kon Tum (Ảnh: Vĩnh Sơn - Sông Hinh)

Nội dung chính:

Trong quý III, Vĩnh Sơn – Sông Hinh thu về 382 tỷ đồng doanh thu và 25,42 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 40% và 88% so với cùng kỳ.

Các khoản vay để  đầu tư vào dự án Thuỷ điện Thượng Kon Tum chiếm 98% tổng giá trị các khoản vay.

Lãi vay trở thành gánh nặng của Vĩnh Sơn - Sông Hinh khi tình hình thủy văn không thuận lợi.

CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HoSE: VSH) vừa công bố BCTC quý III/2023 với doanh thuần giảm hơn 40% so với cùng kỳ, ghi nhận khoảng 382 tỷ đồng.

Lý giải cho điều này, công ty cho biết do tình hình thủy văn năm 2023 tại khu vực miền Trung không thuận lợi, sản lượng điện thương phẩm và giá bán điện bình quân của các nhà máy quý III/2023 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu.

Kết quả trong quý III/2023, doanh nghiệp thuỷ điện này chỉ thu về 25,42 tỷ đồng, giảm hơn 88% so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm này là do chi phí tài chính lên tới 110 tỷ đồng, trong đó riêng lãi vay là 94 tỷ đồng.


“Dự án thập kỷ” trở thành gánh nặng lãi suất, lợi nhuận Vĩnh Sơn – Sông Hinh bốc hơi 88% - Ảnh 2.

Chi phí lãi vay cao chủ yếu đến từ các khoản vay lớn, chẳng hạn như vay từ Ngân hàng BIDV (1.178 tỷ đồng), Ngân hàng Vietcombank – CN Kon Tum (867 tỷ đồng), Ngân hàng HD Bank (429 tỷ đồng), Ngân hàng ACB (389 tỷ)...

Đáng chú ý, gần như toàn bộ các khoản vay của Vĩnh Sơn - Sông Hinh (98%) đều sử dụng cho việc đầu tư xây dựng Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum - còn được gọi là “dự án thập kỷ” do kéo dài từ năm 2009 tới năm 2021 mới đi vào vận hành.

Dự án Thượng Kon Tum được khởi công cuối tháng 9/2009 bởi Tổ hợp Nhà thầu Huadong - CR18G (Trung Quốc) với giá trị phê duyệt lên tới 5.744 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 42 tháng.

Tuy nhiên, phải đến tháng 4/2021, dự án này mới bắt đầu đi vào vận hành sau nhiều xung đột, kiện tụng với nhóm nhà thầu Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2022, hai bên không còn liên quan đến nhau, theo tuyên bố từ Vĩnh Sơn - Sông Hinh. Mặc dù báo cáo tài chính của công ty vẫn còn ghi nhận số dư phải trả của công ty này với nhà thầu Huadong là hơn 84 tỷ đồng.

Cũng từ năm 2021, khi dự án Thượng Kon Tum đi vào vận hành, lãi vay của Vĩnh Sơn - Sông Hinh bắt đầu tăng vọt. Từ mức xung quanh 1 tỷ đồng chi phí lãi vay trong các năm trước, năm 2021, chi phí lãi vay của Vĩnh Sơn - Sông Hinh lên tới 323 tỷ đồng và tăng lên mức 408 tỷ đồng trong năm 2022. 9 tháng đầu năm 2023, công ty chi 305 tỷ đồng để trả lãi vay.

Năm 2022, Vĩnh Sơn  - Sông Hinh đạt kỷ lục doanh thu và lợi nhuận với 3.000  tỷ đồng doanh thu và 1.265 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó riêng dự án Thượng Kon Tum đã đóng góp vào doanh thu và lãi ròng của VSH hơn 70%.

Mặc dù dự án Thủy điện Thượng Kon Tum đã đóng góp đáng kể vào doanh thu và lợi nhuận của VSH trong những năm trước đó, nhưng với tình hình thuỷ văn không thuận lợi như quý III năm nay, dự án này trở thành một gánh nặng khi phải đối mặt với một khoản nợ lớn và hàng trăm tỷ đồng lãi vay mỗi năm.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/du-an-thap-ky-tro-thanh-ganh-nang-lai-suat-loi-nhuan-vinh-son-song-hinh-boc-hoi-88-a122193.html