Đơn hàng phục hồi, nhiều doanh nghiệp tăng ca, tuyển lao động

Bước sang quý IV, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho quý I năm sau. Do vậy, các doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng lao động nhằm đáp ứng tiến độ giao hàng.

Đơn hàng xuất khẩu phục hồi

Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp khu vực phía Nam đang hồi phục khi đơn hàng bắt đầu quay trở lại. Ông Mai Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty CP gỗ Thái An cho biết, bước sang quý III/2023, thị trường xuất khẩu gỗ bắt đầu ấm lên đáng kể, đặc biệt trong hai tháng 9 và 10, nhu cầu tăng mạnh nên doanh thu của công ty đã lên tới gần 50 tỷ đồng, đưa tổng doanh thu 10 tháng đạt 360 tỷ đồng, bằng 80% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 87% chỉ tiêu đặt ra của năm 2023.

Theo ông Tuấn, hiện doanh nghiệp đang tập trung hoạt động hết công suất để thực hiện các đơn hàng cuối năm. Ông cho rằng, thường vào dịp cuối năm việc mua sắm ở hầu hết các nước đều tăng lên, lượng hàng bán ra của công ty cũng tăng theo, nên gần như chắc chắn chỉ tiêu sẽ đạt hoặc vượt của cả năm. Đặc biệt là duy trì công ăn việc làm ổn định cho lao động trong nhà máy.

Tương tự, tại Công ty TNHH Đức Thiện (Bình Dương), hiện công nhân cũng đang tất bật sản xuất để hoàn thành tiến độ giao hàng. Bà Dương Thị Tú Trinh - Phó Giám đốc công ty cho biết, nếu như từ đầu năm đến tháng 7 vừa qua công ty hoạt động cầm chừng, nhiều thời điểm phải cắt giảm công nhân thì nay đã tuyển lại lao động, hoạt động đạt 50 - 60% công suất. Người lao động đã làm đủ ngày công trong tháng và bình quân công ty xuất khẩu khoảng 100 container hàng/tháng.

“Bước sang quý IV/2023, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp tăng trở lại với mức từ 20 – 25% so với 3 quý trước. Hiện, doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng đến hết quý I/2024”, bà Trinh thông tin.

Đơn hàng phục hồi, nhiều doanh nghiệp tăng ca, tuyển lao động - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã có đơn hàng trở lại

Đánh giá về tình hình thị trường xuất khẩu gỗ, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, thị trường thế giới giảm sút đã tác động tới tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, bước sang quý III/2023 thị trường đã có những tín hiệu tích cực. Các đơn hàng xuất khẩu của mặt hàng gỗ và thủ công mỹ nghệ có dấu hiệu hồi phục. Có những doanh nghiệp đơn hàng đã đạt trên 50% công suất nhà máy và xu hướng này đang tăng lên dần.

Ở lĩnh vực dệt may, nhiều doanh nghiệp cũng đã có đơn hàng cho đầu năm 2024. Ông Bùi Hữu Trí - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH SX-XNK may mặc Thành Phát (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Nhiều khách hàng cũ đã nối lại liên lạc và trở lại đặt hàng với công ty. Theo đó, mới đây Công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu với sản lượng 250.000 sản phẩm trong những tháng cuối năm 2023, đồng thời đã có đơn hàng cho đầu năm 2024. Công ty còn tuyển dụng công nhân đã nghỉ việc trước dịch, mời họ quay trở lại nhà máy.

“Đơn hàng đang tốt dần lên. Chúng tôi ký được hợp đồng lớn với nhiều thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, châu Âu… Đồng thời đẩy mạnh thị trường nội địa bằng cách đưa hàng vào nhiều hệ thống siêu thị như Co.opmart, Emart để tăng nguồn doanh thu cho đơn vị, đảm bảo cuộc sống cho người lao động” , ông Trí thông tin.

Tăng ca, tuyển thêm lao động

Đơn hàng ở của nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam tăng lên, kéo theo nhu cầu lao động cũng tăng đột biến. Ghi nhận tại nhiều nhà máy ở các khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai hàng loạt biển tuyển dụng lao động được treo lên. Nhiều doanh nghiệp cần tuyển số lượng lớn lên đến 1.000 - 2.000 lao động, tuy nhiên hiện lượng lao động về nhà máy mới đạt khoảng 20%, và vẫn còn hàng nghìn vị trí việc làm đang chờ người lao động.

Đơn hàng phục hồi, nhiều doanh nghiệp tăng ca, tuyển lao động - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam đang tăng cường tuyển dụng lao động

Chỉ tính riêng tại tỉnh Bình Dương, theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Văn Tuyên, từ đầu tháng 10 đến nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tương đối lớn. So với 3 quý trước, nhu cầu tuyển dụng trong quý IV có khởi sắc. Dự báo nhu cầu tuyển dụng từ nay đến cuối năm, tỉnh cần khoảng hơn 10 ngàn lao động; trong đó lao động có tay nghề, lao động phổ thông sẽ chiếm khoảng 70%, còn lại là lao động có trình độ chuyên môn.

Trong khi đó, theo Trung tâm dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn cần khoảng 80.000 vị trí việc làm. Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh cho biết, để hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, giữa tháng 11 trung tâm sẽ xây dựng sàn kết nối lao động giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.

Cùng với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, số lượng người lao động tới để tìm việc cũng rất đông đảo. Điều này cho thấy tín hiệu đáng mừng về nền kinh tế, khởi sắc trở lại của sản xuất và sự tăng trưởng trở lại của thị trường tiêu dùng Việt Nam sau thời kỳ khó khăn, sụt giảm kéo dài.


Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/don-hang-phuc-hoi-nhieu-doanh-nghiep-tang-ca-tuyen-lao-dong-a123394.html