Nền kinh tế Nhật Bản đã tới bước ngoặt?
Sau những thập niên mất mát, nền kinh tế Nhật Bản đang đứng trước bước ngoặt lớn để trỗi dậy.
Aoki Masahiko - nhà kinh tế học nổi tiếng Nhật Bản, từng dự đoán phải mất 30 năm để nền kinh tế nước ông trỗi dậy sau "những thập niên mất mát" từ đầu những năm 1990. Sau khi bong bóng tài sản vỡ, Nhật Bản rơi vào tình trạng giảm phát và tốc độ tăng trưởng chậm lại dù nền kinh tế vẫn giàu có nhờ khoảng thời gian bùng nổ trước đó. Khi ấy, Masahiko đã cho rằng một sự thay đổi về thế hệ là cần thiết để một mô hình kinh tế mới có thể được khai sinh và phát triển.
Theo đó, "lời tiên tri" 30 năm được nhà kinh tế học tính từ thời điểm bong bóng tài sản hoàn toàn vỡ và Đảng Dân chủ Tự do - đảng cầm quyền lâu đời ở Nhật Bản, lần đầu đánh mất quyền lực: năm 1993. Chuyển nhanh đến năm 2023 và dự đoán của Masahiko dường như đang ứng nghiệm, khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới dần thức tỉnh sau khoảng thời gian trì trệ kéo dài hàng chục năm.
Nền kinh tế Nhật Bản đã tới bước ngoặt?
Theo The Economist, sau nhiều năm giảm phát hay lạm phát thấp, Nhật Bản đang chứng kiến mức tăng giá nhanh nhất trong 30 năm. Tiền lương vốn trì trệ từ lâu đang tăng nhanh hơn bao giờ hết kể từ những năm 1990. Cả 2 mức tăng đều được thúc đẩy chủ yếu bởi các cú sốc trong nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, chúng không phải là sự thay đổi duy nhất đang diễn ra. Đúng như dự đoán của Masahiko, các thay đổi chậm chạp về thể chế lẫn thế hệ đang mang lại kết quả và biến đổi đất nước từ bên trong. Và, chính sự kết hợp giữa các cú sốc bên ngoài cùng diễn biến bên trong đang tạo ra cơ hội để Nhật Bản thay đổi quỹ đạo kinh tế của mình.
Hiện, tỷ trọng của quốc gia này trong GDP toàn cầu theo sức mua tương đương giảm từ 9% năm 1990 xuống dưới 4%; GDP đầu người theo sức mua tương đương giảm từ mức bằng 81% của Mỹ còn 64% trong cùng giai đoạn 1980-2022. Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán Nhật Bản sẽ rớt khỏi 5 nền kinh tế lớn nhất vào năm 2050 và ra khỏi top 10 năm 2075. Dân số giảm đang hạn chế những thuận lợi cho sự tăng trưởng của đất nước, dù vậy nếu Nhật Bản có thể thiết lập lại kỳ vọng về lạm phát, tăng năng suất và giải phóng sự năng động của doanh nghiệp (DN) thì việc tụt hạng khỏi vị trí dẫn đầu có lẽ có thể được dừng lại.
Về phía nhà đầu tư, họ đang rất hào hứng. Theo Ngân hàng Morgan Stanley, Nhật Bản đã "vươn lên thuyết phục sau 3 thập niên trì trệ kinh tế", trong khi tỷ phú Warren Buffett đã tích lũy một lượng lớn cổ phần ở 5 DN Nhật. Đầu năm nay, chỉ số chứng khoán Nikkei đạt đỉnh từ khi bong bóng tài sản vỡ. Larry Fink - CEO của BlackRock, nói: "Nhật Bản đang trải qua một loạt chuyển đổi kinh tế đặc biệt". Dù vậy, không thể phủ nhận rằng 30 năm qua đã chứng kiến nhiều lần nền kinh tế "tưởng sẽ" trỗi dậy rồi lại vụt tắt, và lần này cũng có những lý do để hoài nghi.
Cụ thể, đà phục hồi hậu Covid-19 của Nhật Bản vẫn còn mong manh: sau khi tăng 4,5% so với cùng kỳ trong quý II, GDP giảm 2,1% trong quý III/2023. Tiền lương không theo kịp tốc độ tăng giá. Mức tiêu thụ đi ngang. Sự mất giá của đồng JPY khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo GDP danh nghĩa của Nhật tính theo USD sẽ trượt trong năm nay, từ vị trí lớn thứ ba xuống thứ tư thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc và Đức.
Bên cạnh đó, việc giải quyết khoản nợ chính phủ khổng lồ hiện đã là một gánh nặng lớn. Và, sức ép của nó sẽ càng lớn hơn khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) từ bỏ chính sách lỏng lẻo dựa trên lãi suất âm và kiểm soát đường cong lợi suất - điều mà theo nhiều gợi ý là có thể xảy ra vào năm tới. Nhiều DN dựa vào vốn không lãi suất cũng sẽ phải vật lộn để duy trì khả năng thanh toán.
Thêm nữa, lực lượng lao động Nhật vẫn đang bị thu hẹp và già đi, trong khi DN nước này tiếp tục trữ tiền mặt. Hơn 40% DN niêm yết trong rổ chỉ số TOPIX 500 đang giao dịch dưới giá trị trên sổ sách, so với mức dưới 5% trong rổ S&P 500 của Mỹ. Dù nhà đầu tư nước ngoài có phấn khích về cơ hội tăng trưởng mới, họ vẫn để tâm đến sự ổn định tương đối và đồng tiền rẻ của Nhật Bản.
Tuy nhiên, những điểm thiếu sót quen thuộc đó có vẻ đã làm lu mờ các bước phát triển khác. Trong những thập niên gần đây, "vấn đề cơ bản của nền kinh tế Nhật là sự năng động", theo Hoshi Takeo thuộc Đại học Tokyo. Quá ít DN mới được thành lập, quá nhiều DN cũ tồn tại, giá cả hầu như không thay đổi và nhân tài bị mắc kẹt trong các DN suốt đời. "Giờ, chúng tôi đang thấy điều đó bắt đầu thay đổi", Takeo nói.
Trước tiên, về giá cả, lạm phát mỗi năm đã cao hơn mục tiêu của BOJ là 2% trong 18 tháng liên tiếp. Ngay cả khi phần lớn nguyên nhân là do chi phí nhập khẩu cao hơn thì tâm lý định giá cũng đang thay đổi. DN bị buộc phải xem lại giả định lâu nay rằng việc đẩy giá lên cao đồng nghĩa với việc mất khách hàng. Niinami Takeshi - CEO của nhà sản xuất đồ uống Suntory, Chủ tịch của Keizai Doyukai - một hiệp hội các nhà lãnh đạo DN có tầm ảnh hưởng, nói: "Chúng tôi rốt cục đã hiểu rằng mình có thể tăng giá". Thực tế, cách làm này đã trở nên phổ biến, khi giá của gần 90% mặt hàng được BOJ giám sát đang tăng.
Cơ hội từ nhân khẩu học
Cần biết rằng lạm phát cao hơn sẽ có tác động lớn đến tiền lương vốn đã trì trệ trong hàng chục năm. Theo Ota Tomohiro của Goldman Sachs, lạm phát 1% ở Nhật Bản khiến tiền lương chỉ tăng 0,2%, nhưng mức độ nhạy cảm sẽ tăng vọt khi lạm phát vượt quá 2%. Đồng thời, sự thay đổi về nhân khẩu học sẽ tạo ra một cú hích khác. Dù dân số Nhật đã bắt đầu giảm từ hơn 10 năm trước, phụ nữ và người già tham gia lực lượng lao động phần lớn đã bù đắp sự này.
Với việc xu hướng đó đã chậm lại những năm gần đây, nhà tuyển dụng sẽ cần phải thu hút người lao động với mức lương cao hơn. Dù mức tăng tiền lương vẫn chậm hơn tốc độ tăng giá, nếu các cuộc đàm phán tiền lương hằng năm (người Nhật gọi là shunto) vào năm tới diễn ra tốt, thì một chu kỳ tích cực được chờ đợi từ lâu về tăng trưởng giá cả và tiền lương sẽ là rất gần.
Hơn nữa, bất ổn địa chính trị, từ chiến tranh ở Ukraine đến căng thẳng giữa Mỹ - đồng minh cung cấp dịch vụ an ninh, và Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất, đã thay đổi cục diện của nền kinh tế Nhật. Ngày càng nhiều CEO nhận ra rằng "chúng ta không thể giữ nguyên hiện trạng," ông Niinami nói. Trong bối cảnh đó, khi các DN ưu tiên khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và lo lắng về rủi ro vị trí, Nhật Bản sẽ hưởng lợi. Ngay cả khi các nhà sản xuất không xây nhà máy ở Nhật, họ vẫn có thể dựa vào các DN tự động hóa để giúp xây nhà máy ở nơi khác.
Các DN Nhật giờ cũng sẵn sàng sử dụng tiền mặt của mình hơn. Tốc độ tăng trưởng đầu tư vốn theo kế hoạch đang ở mức cao nhất từ khi BOJ bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1983. Chính phủ cũng đang khuyến khích xu hướng này: các khoản trợ cấp lớn đã đi vào ngành công nghiệp bán dẫn và chính phủ đã cam kết chi 2.000 tỷ JPY, hay 0,3% GDP/năm, trong 10 năm tới để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Với việc chi tiêu quốc phòng dự kiến tăng đáng kể, các quan chức muốn thúc đẩy sự đổi mới dựa trên công nghiệp quốc phòng mà trước đây là điều cấm kỵ.
Hiện, chính phủ đã công bố "kế hoạch tăng gấp đôi tài sản" để khuyến khích người tiết kiệm Nhật Bản đầu tư tiền mặt nắm giữ, với các ưu đãi về thuế sẽ có hiệu lực vào năm tới. Ngoài ra, các cải cách quản trị DN bắt đầu từ hơn 10 năm trước giờ đã trở nên vững chắc. Áp lực nâng cao giá trị DN và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu không còn đến từ duy chỉ các nhà hoạt động nước ngoài nữa mà cả nhà đầu tư tổ chức trong nước. Và, các thay đổi này, may mắn thay, trùng với sự thay đổi mang tính thế hệ trong DN Nhật.
Thế hệ doanh nhân, DN mới
Theo Jesper Koll của công ty môi giới Monex Group, tuổi trung bình của CEO tại DN thuộc rổ chỉ số Nikkei đã giảm 12 tuổi trong 10 năm qua. Nhiều người cũng đang vượt khỏi truyền thống làm việc trọn đời và trả lương theo thâm niên; còn giới trẻ vui vẻ chuyển công việc. Những người giỏi và thông minh nhất ngày càng tham gia hoặc thành lập DN mới. Namba Tomoko - Phó chủ tịch tập đoàn kinh doanh Keidanren nói: "Chúng ta nên đặt cược vào những nhóm người này".
Hiện, hệ sinh thái khởi nghiệp tuy còn nhỏ so với GDP nhưng ngày càng sôi động. Theo Kushida Kenji thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, "Nhật Bản cũ vẫn còn đó, nhưng song song với đó là một nước Nhật mới cùng tồn tại và phát triển". Vốn đầu tư vào các startup tăng từ 88 tỷ JPY năm 2013 lên 877 tỷ JPY năm 2022, và số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhật đã tăng gấp 4 lần trong thời gian đó. Nếu trước đây, nhiều doanh nhân Nhật từng thỏa lòng với việc chỉ cần trở nên lớn mạnh ở trong nước, thì một lớp nhà sáng lập mới với tham vọng vươn ra thế giới đang tăng.
Shin Taejun - nhà sáng lập công ty tài chính vi mô Gojo, muốn DN trở thành "Ngân hàng Thế giới của khu vực tư nhân", trong khi Maeda Yosuke - nhà sáng lập công ty xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý nước phi tập trung Wota, muốn "giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu". Thay vì kế thừa công ty xây dựng của gia đình, anh quyết định xây dựng DN riêng. Yosuke nói: "Cơ cấu công nghiệp cũ không thể giải quyết được những vấn đề mà chúng tôi muốn giải quyết". Okada Nobu - nhà sáng lập Astroscale, muốn dẫn đầu trong việc dọn sạch các mảnh vụn ngoài vũ trụ. Theo anh, Nhật Bản cần những "nhà vô địch" mới. "Chúng ta vẫn nhắc đến Sony và Honda - hãy quên họ đi", Nobu nói.
Đặc biệt hơn, thế hệ mới này cũng đang tìm cách tái định hình văn hóa DN. Takeshita Ryuichiro của Pivot - một startup truyền thông, cho biết nhiều người trẻ nước này muốn từ bỏ mô hình thời hậu chiến tranh được xây dựng trên nền tảng làm việc suốt đời, với sự thống trị của nam giới và hệ thống phân cấp theo độ tuổi.
Sự thay đổi từng một thời bị xem là tiêu cực và phản bội. Nhưng chúng tôi muốn miêu tả sự chuyển hướng hoặc thay đổi là tích cực.
Takeshita Ryuichiro - Giám đốc điều hành của Pivot
Chỉ trong hơn 1 năm, Pivot đã thu hút hơn 1 triệu người đăng ký trên YouTube - nơi họ phát sóng các cuộc phỏng vấn với các nhà sáng lập, nhà đầu tư và nhà phát minh. Không chỉ vậy, nhiều nhà điều hành và hoạch định chính sách dường như không chỉ hiểu rằng Nhật Bản đang ở một thời điểm quan trọng, mà họ còn quyết tâm tận dụng tối đa nó.
"Những người thực sự biết rõ về Nhật Bản hỏi tôi, lần này có khác không? Câu trả lời của tôi là có thể - chúng ta nên làm được điều đó", Yamaji Hiromi - Chủ tịch của JPX, cơ quan giám sát Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo, nhận xét.
Dù gì đi nữa, cơ hội có thể không sớm xuất hiện lại, và không giống như mặt trời, bước ngoặt để Nhật Bản trỗi dậy không phải ngày nào cũng đến.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/nen-kinh-te-nhat-ban-da-toi-buoc-ngoat-a127863.html