Chuyên gia Mỹ muốn hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip mã nguồn mở

Nếu có một điều mà giới chức ở Washington đều đồng thuận không phân biệt đảng phái, có lẽ là cứng rắn với Trung Quốc. Theo chuyên gia Eric Miller từ trung tâm Wilson Center, một trong những chiến lược Mỹ đang áp dụng, là làm chậm tiến bộ khoa học công nghệ của Trung Quốc. Lý do để bảo vệ an ninh quốc gia và sự thịnh vượng kinh tế trong lâu dài.

Quốc tế

Chuyên gia Mỹ muốn hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip mã nguồn mở

PV • 28/11/2023 16:01

Nếu có một điều mà giới chức ở Washington đều đồng thuận không phân biệt đảng phái, có lẽ là cứng rắn với Trung Quốc. Theo chuyên gia Eric Miller từ trung tâm Wilson Center, một trong những chiến lược Mỹ đang áp dụng, là làm chậm tiến bộ khoa học công nghệ của Trung Quốc. Lý do để bảo vệ an ninh quốc gia và sự thịnh vượng kinh tế trong lâu dài.

Nỗ lực này chủ yếu tập trung vào hạn chế đất nước tỷ dân tiếp cận công nghệ tiên tiến của phương Tây, cũng như công cụ sản xuất chip hiện đại. Ví dụ, Hoa Kỳ đã ban hành một loạt biện pháp nhằm giữ chất bán dẫn tiên tiến không bán sang Trung Quốc. Ngoài hạn chế công ty trong nước, Hoa Kỳ cũng thuyết phục Hà Lan và Nhật Bản, những ông lớn xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn khác, có bước đi tương tự mặc dù ở mức độ thấp hơn.

doanh-nghiep-cong-nghe-dang-di-dau-lan-song-rut-khoi-thi-truong-trung-quoc2.jpgChip và chất bán dẫn là tâm điểm cuộc đua giữa Mỹ với Trung Quốc

Theo ông Miller, hạn chế là cần thiết, nhưng lỗ hổng vẫn tồn tại, có khả năng giúp Trung Quốc tận dụng công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) mã nguồn mở. Theo định nghĩa, công nghệ mã nguồn mở được thiết kế để mọi người đều được truy cập. Nó hoạt động tốt trong thế giới kết nối toàn cầu ít xung đột kinh tế và địa chính trị. Tuy nhiên, đó không phải là thế giới ngày nay. Do vậy, Hoa Kỳ cần hạn chế tiếp cận mã nguồn mở này - và nên thực hiện nhanh chóng.

Trong thập kỷ qua, quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng. Ở một số thời điểm, chính phủ hai bên đã tăng cường đối thoại. Ví dụ hiện tại, nhiều quan chức cấp cao, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, đã tới Trung Quốc với hy vọng tan băng mối quan hệ. Tổng thống Biden mới đây cũng gặp Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC. Cuộc gặp mang lại rất nhiều đồng thuận, như chống biến đổi khí hậu, và đồng ý hợp tác kiểm soát mặt trái của AI. Bất chấp các nỗ lực đầy hy vọng như vậy, mọi xu hướng đều dự đoán đối đầu còn nghiêm trọng hơn. Lý do mỗi quốc gia đều đang tập trung vào việc đánh bại đối thủ, trong cuộc cạnh tranh nhiều mặt.

Trường hợp của Hoa Kỳ, chính sách kiểm soát xuất khẩu chip được bổ sung bằng “củ cà rốt” là đầu tư từ khu vực công. Đạo luật CHIPS năm 2022 trị giá 52,7 tỷ USD được đưa ra, để tài trợ cho sự phát triển ngành bán dẫn trong nước. Đạo luật giúp thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, với tổng trị giá hơn 150 tỷ USD kể từ khi được thông qua.

Đáp lại, Trung Quốc thực hiện nhiều bước để tránh chính sách hạn chế của Mỹ. Họ muốn củng cố nền tảng công nghệ trong nước, bằng chiến lược dựa trên kiến trúc chip mã nguồn mở.

Mặc dù sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng ông Miller cho rằng, Mỹ không thể bỏ qua vấn đề trên, nếu muốn ngăn chặn sự thống trị của đất nước tỷ dân về trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và kỹ thuật quân sự.

eric_miller.jpgChuyên gia Eric Miller từ Wilson Center - Ảnh: Wilson Center

Một ví dụ về chiến lược hành động của Trung Quốc, là Liên minh Công nghiệp RISC-V mới thành lập gần đây. Về bản chất, sáng kiến này là liên minh chia sẻ bằng sáng chế về công nghệ RISC-V (Reduced Instruction Set Computer), một kiến trúc nguồn mở miễn phí, có sẵn cho bất kỳ nhà sản xuất chip nào.

Thỏa thuận cho phép 9 công ty thiết kế chip hàng đầu tránh kiện tụng, thông qua chia sẻ bằng sáng chế dựa trên kiến trúc mở, giúp tạo ra chip mới với tốc độ xử lý chưa từng có. Một quan chức Học viện Kỹ thuật Trung Quốc củng cố quan điểm này, bằng tuyên bố: “Tương lai RISC-V là ở Trung Quốc. Sự phát triển của thị trường công nghệ chip ở Trung Quốc, đòi hỏi các công ty liên kết chặt chẽ.”

Đây không phải là xu hướng mới. Trước khi Hội nghị RISC-V diễn ra, gã khổng lồ công nghệ Huawei đã bị Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ cáo buộc xây dựng tập hợp cơ sở sản xuất chip bí mật khắp Trung Quốc, dưới tên doanh nghiệp khác. Trung Quốc đang cố vượt qua các hạn chế của Hoa Kỳ, và nói với thế giới rằng, họ sử dụng công nghệ nguồn mở để làm điều đó.

Chuyên gia Eric Miller đề nghị, chính quyền Tổng thống Biden và Quốc hội không nên bỏ qua mối đe dọa này. Nhà Trắng có sẵn nhiều công cụ, để xây dựng một chiến lược thực sự, nhằm hạn chế phát triển chip mã nguồn mở của Trung Quốc. Quốc hội cũng nên có vai trò trong việc giải quyết mối đe dọa trên. Có thể bắt đầu bằng việc tổ chức phiên điều trần về công nghệ chip mã nguồn mở, sau đó đưa ra khuyến nghị cho bước đi tiếp theo.

Ủy ban Lựa chọn của Hạ viện (Select Committee) phụ trách quan hệ với Trung Quốc, một cơ quan lưỡng đảng đang lên kế hoạch tổ chức thảo luận cách trừng phạt cường quốc châu Á, vì đánh cắp tài sản trí tuệ. Báo cáo của ủy ban dự kiến ​​sẽ phát hành vào cuối năm 2023. Nó miêu tả kế hoạch chi tiết về RISC-V, và lỗ hổng nguồn mở trong luật pháp Hoa Kỳ. Lỗ hổng này tạo ra nguy cơ cho phép công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo mã nguồn mở tự do chảy về Trung Quốc.

Chuyên gia Eric Miller khẳng định, nếu Mỹ muốn giành chiến thắng trong cuộc đua công nghệ, thì không thể ngồi im. Khi nói đến chất bán dẫn, cần có chính sách trực tiếp và kịp thời, để các vấn đề như mã nguồn mở RISC-V được kiểm soát, trước lúc chúng vượt khỏi tầm với.

Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/chuyen-gia-my-muon-han-che-trung-quoc-tiep-can-cong-nghe-chip-ma-nguon-mo-a127868.html