Lạm phát toàn cầu hạ nhiệt: Mở đường nới lỏng chính sách tiền tệ
Lạm phát đang hạ nhiệt nhanh tại các nền kinh tế phát triển, mở đường cho xu hướng giảm lãi suất trở lại có thể đến sớm hơn so với những dự báo trước đó.
Bất ngờ giảm mạnh
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) mới đây công bố tỷ lệ lạm phát tháng 10 của khu vực này so với cùng kỳ 2022 đã giảm mạnh, xuống còn 2,9% từ mức 4,3% của tháng trước. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2021. Nếu so với mốc đỉnh điểm 10,6% vào tháng 10 năm ngoái, sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát đã đẩy giá năng lượng tăng vọt, có thể thấy lạm phát của khu vực đã trượt dài như thế nào.
Theo đó, một trong những yếu tố góp phần khiến lạm phát giảm nhanh là xu thế đi xuống của giá năng lượng. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy giá năng lượng trong tháng 10 vừa qua giảm đến 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù giá thực phẩm vẫn cao hơn đáng kể so với cùng kỳ, nhưng tốc độ tăng cũng đã chậm lại, từ 8,8% trong tháng 9 xuống 7,4% trong tháng 10.
Đáng lưu ý là tỷ lệ lạm phát lõi, không kể giá năng lượng và lương thực, cũng giảm từ mức 4,5% trong tháng 9 xuống 4,2% trong tháng 10 vừa qua. Mặc dù lạm phát đã yếu đi đáng kể, nhưng vẫn còn cao hơn mục tiêu lạm phát trung hạn 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra.
11,2 %là giá năng lượng trong tháng 10 vừa qua giảm
so với cùng kỳ năm ngoái
Tại Anh, một trong những quốc gia lạm phát dai dẳng nhất, cũng cho thấy sự hạ nhiệt trong tốc độ tăng giá tiêu dùng. Dữ liệu công bố hôm 15/11 cho thấy CPI nước này trong tháng 10 chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 6,7% vào tháng 9 và đánh dấu mức tăng chậm nhất kể từ tháng 10/2021. Trong khi đó, lạm phát lõi của Anh cũng giảm từ mức 6,1% của tháng 9 xuống còn 5,7% trong tháng 10.
Tương tự, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ so với cùng kỳ cũng giảm từ mức 3,7% trong tháng 9 xuống còn 3,2% trong tháng 10, thấp hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế là 3,3%. Cụ thể, giá nhiên liệu tại Mỹ giảm 2,5% trong tháng 10 so với tháng trước đó, bù đắp được mức tăng 0,3% với giá lương thực. Loại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi của Mỹ trong tháng 10 tăng 0,2% so với tháng 9 và chỉ tăng 4% so với năm 2022, thấp hơn dự báo lần lượt là 0,3% và 4,1%, là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 9/2021.
Lạm phát giảm mạnh như trên cho thấy đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Nga - Ukraine, dường như đã giảm bớt sức ảnh hưởng làm tăng giá. Phía cầu, dòng tiền rẻ bơm ra từ các chương trình kích thích kinh tế đẩy giá hàng hóa tăng vọt trong ba năm qua đã bị thắt chặt sau hàng loạt động thái tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước.
Mở đường nới lỏng chính sách tiền tệ
Trong phát biểu gần đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nhấn mạnh việc chống lạm phát vẫn chưa kết thúc. Dù vậy, với xu hướng chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng chậm, nên nền kinh tế số 1 thế giới đang dần thoát khỏi lạm phát đã hoành hành suốt ba năm qua. Đáng lưu ý, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - vốn là thước đo lạm phát của FED, cũng tăng chậm lại.
Mục tiêu của FED không nhất thiết lạm phát phải về đúng 2% mà là các tín hiệu “đủ thuyết phục” cho thấy lạm phát đang hướng tới mốc đó. Và những gì đang diễn ra cho thấy việc đưa lạm phát về lại mục tiêu ngày càng khả thi. Giới phân tích tài chính cũng cho rằng, chính sách nới lỏng tiền tệ trở lại của FED nói riêng và ngân hàng trung ương nhiều nước nói chung sẽ sớm hơn so với dự báo.
Cần nhắc lại rằng, FED, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã liên tục nâng mạnh lãi suất trong 18 tháng qua nhằm “ghìm cương” lạm phát. Và dường như các chính sách này đã phát huy được hiệu lực, khiến các tổ chức này từ đầu năm đến nay đã chủ động làm chậm lại quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Tháng trước, ECB đã giữ nguyên lãi suất ở mức 4% sau 10 lần tăng liên tiếp. Trong ngày 1/11, FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% - 5,5% sau 11 đợt nâng lãi suất liên tiếp. Tiếp đó, ngày 2/11, BoE giữ nguyên lãi suất lần thứ hai ở mức 5,25% sau 14 lần nâng lãi suất liên tiếp trước đó.
Theo dữ liệu của CME Group, khả năng FED tiếp tục nâng lãi suất trong năm nay là rất thấp và đợt giảm lãi suất đầu tiên có thể đến vào tháng 5/2024, kế đến là tháng 7 và thêm hai đợt nữa trước khi kết thúc năm 2024. Trong khi đó, các nhà giao dịch tài chính dự báo FED sẽ giảm 75 điểm cơ bản trong năm 2024, bắt đầu từ tháng 7/2024.
Theo Ngân hàng Morgan Stanley, FED sẽ thực hiện 4 đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới, mỗi đợt sẽ giảm 25 điểm cơ bản (0,25%), để đưa mức lãi suất cơ bản xuống 4,375%. Sau đó, FED sẽ thực hiện tiếp 8 đợt cắt giảm nữa trong năm 2025, đưa lãi suất cơ bản xuống còn 2,375%. Morgan Stanley dự báo kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái, nhưng cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ do kinh tế suy yếu.
Chuyên gia tài chính tại UBS Investment Bank còn lạc quan hơn khi dự báo FED sẽ giảm lãi suất 275 điểm cơ bản trong năm 2024, gần gấp 4 lần so với dự báo của thị trường, xuống vùng 2,5%-2,75% vào cuối năm 2024 và sẽ rơi xuống 1,25% vào đầu năm 2025. Theo đó, xu hướng hạ nhiệt của lạm phát sẽ cho phép FED bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ ngay trong tháng 3/2024, cũng như dựa trên dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào quý II/2024 khiến các nhà hoạch định chính sách phải hành động nhanh hơn.
Cũng có dự báo hhu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tránh được suy thoái và cho phép trì hoãn nới lỏng chính sách tiền tệ. UBS dự báo ECB sẽ cắt giảm lãi suất sau FED, bắt đầu từ tháng 6/2024 và chỉ giảm 75 điểm cơ bản.
Theo Refinitiv (doanh nghiệp cung cấp dữ liệu về thị trường tài chính lớn nhất thế giới), FED và ECB bắt đầu giảm lãi suất vào mùa xuân tới vá BoE có thể giảm lãi suất vào mùa hè năm sau, bất chấp biên bản họp tháng 11 của BoE nhấn mạnh kỳ vọng lãi suất có thể cao hơn trong thời gian dài hơn. Hiện thị trường dự báo BoE sẽ giảm lãi suất khoảng 60% cho tới tháng 12/2024, với đợt giảm đầu tiên được kỳ vọng diễn ra vào nửa cuối năm 2024.
Mục tiêu của FED không nhất thiết lạm phát phải về đúng 2% mà là các tín hiệu “đủ thuyết phục” cho thấy lạm phát đang hướng tới mốc đó. Và những gì đang diễn ra cho thấy việc đưa lạm phát về lại mục tiêu ngày càng khả thi hơn. Giới phân tích tài chính cũng cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại của FED nói riêng và ngân hàng trung ương các nước nói chung có thể sớm hơn so với dự báo.
Link nội dung: https://businessinvestmentvn.com/lam-phat-toan-cau-ha-nhiet-mo-duong-noi-long-chinh-sach-tien-te-a127920.html